Mỗi khi nhắc đến bạo lực gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh những vết bầm tím hay rướm máu. Thế nhưng có một loại bạo lực âm thầm khoét sâu những vết thương trong tâm hồn, những tiếng kêu cứu không cất lên thành lời đó là bạo lực tinh thần.
Vết thương phần mềm có thể lành da theo năm tháng thế nhưng những giày vò về tinh thần có thể khiến một con người chết dần chết mòn. Không hành động, không đấm đá nhưng sức công phá của bạo lực tinh thần rất khủng khiếp. Thế nhưng nó lại bị coi nhẹ vì nhiều lý do như người trong cuộc thì e ngại khi bàn tới, người ngoài cuộc thì xem như lẽ thường tình, hậu quả thì khó có thể đo đếm bằng phần trăm thương tích.
Bạo lực tinh thần âm thầm gặm nhấm hạnh phúc gia đình. (Ảnh: Dân sinh) |
Chuyên gia tâm lý Lan Phương nhận định, bạo lực tinh thần rất phổ biến nhưng lại khó nhận dạng hơn so với bạo lực thể chất. Nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không những thế, nó còn tồn tại dưới dạng như đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý... đẩy nạn nhân đến sự khủng hoảng, phẫn uất.
Trong đó chiến tranh lạnh là một dạng thức phổ biến và đáng sợ nhất của bạo lực tinh thần. Người vợ hoặc chồng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt vô trách nhiệm với nửa còn lại hay đem so sánh với người khác… Người trong cuộc gọi bạo hành tinh thần là kiểu "hộp đen", tức bạo hành không nhìn thấy được, không ầm ĩ, không gây sự chú ý khiến cho người ngoài nhìn vào tưởng rằng gia đình ấy cơm lành canh ngọt. Thế nhưng nó cứ âm thầm gặm nhấm, hành hạ tinh thần của nạn nhân dẫn đến các bệnh về tâm lý thần kinh, thậm chí có người còn tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Chuyên gia tâm lý Lan Phương khẳng định, bạo lực tinh thần là nguyên nhân phát khởi trầm cảm và sang chấn tâm lý do phải sống trong môi trường u uất, buồn bã trong một thời gian dài.
Trẻ em là đối tượng nhạy cảm nhất trước bạo lực tinh thần. (Ảnh: Indiatimes) |
Chị Lan Phương cũng cho biết, trẻ em là đối tượng nhạy cảm hơn cả. “Bị bạo hành tinh thần hoặc vô tình bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực tinh thần do bố mẹ chúng gây ra, trẻ sẽ phải hứng chịu những tổn thương tâm lý rất trầm trọng. Các bé gái khi trưởng thành khó đặt niềm tin vào đàn ông và thường gặp trắc trở trong tình yêu. Họ có sự hoài nghi quá mức với đối tượng khác giới. Các bé trai có thể bắt chước các hành vi bạo hành tương tự hoặc suy nghĩ tiêu cực dẫn đến các hành vi sai trái như bỏ nhà, bỏ học, sa vào tệ nạn”, chuyên gia này bày tỏ.
Tại sao bạo lực tinh thần lại thưởng xảy ra trong những gia đình trí thức? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Lan Phương giải thích, những người có học vấn nhận thức được việc bạo hành về thể chất dễ dàng bị phơi bày và can thiệp của pháp luật. Họ sợ bị dư luận đánh giá là “thiếu văn hóa”, đánh mất sĩ diện, danh dự. Chính vì thế họ thường chọn cách giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng bạo lực tinh thần.
Chuyên gia tâm lý Lan Phương. |
“Hơn nữa, nhiều người cho rằng bạo hành tinh thần của người phối ngẫu (người vợ hoặc chồng) chỉ là một biểu hiện của sóng gió gia đình, giải pháp tự khắc phục được họ cho hiệu quả hơn là tìm sự giúp đỡ của các đoàn thể và tổ chức pháp luật. Do đó bạo hành tinh thần nghiễm nhiên tồn tại hợp pháp trong nhiều gia đình trí thức, gặm nhấm hạnh phúc và giày vò các nạn nhân, đôi khi cả người chủ động bạo hành”, chị Lan Phương nhận định.
Sự im lặng, cam chịu của nạn nhân đã tiếp tay cho hành vi bạo hành tinh thần ăn sâu bám rễ trong lòng nhiều gia đình. Có người chấp nhận như một nghĩa vụ, có người chịu đựng vì sợ mang tiếng, đàm tiếu, có người kêu cứu nhưng bị dập tắt ngay từ khi manh nha suy nghĩ.
Những tiếng kêu cứu không cất thành lời. (Ảnh: Thetimes) |
Chuyên gia tâm lý Lan Phương cho biết: “Cách giải quyết tốt nhất là vợ chồng ngồi lại với nhau, trao đổi thẳng thắn để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Chỉ khi thay đổi nhận thức, suy nghĩ của chủ thể bạo hành mới mong giải quyết được vấn đề này.
Bạo hành tinh thần là một dạng của bạo lực gia đình, nó không chỉ là vấn đề riêng của gia đình mà còn là vấn đề của cả xã hội. Chính vì vậy là người trong cuộc nên dũng cảm đối mặt với vấn đề, kêu gọi, tìm kiếm sự trợ giúp từ họ hàng, người thân, giúp đỡ chia sẻ với mình, đấu tranh thẳng thắn và tự giải thoát cho mình nếu không thể cải thiện được tình hình. Có như vậy mới mong thoát khỏi bóng đêm của bạo lực tinh thần - một loại bạo lực làm tan nát hạnh phúc gia đình một cách âm thầm lặng lẽ”.
XEM THÊM
Đi làm về mệt mỏi còn bị chồng đòi hỏi 'chuyện ấy', vợ phải làm gì?
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, về nhà nhiều bà vợ phải cắn răng chịu đựng sự đòi hỏi của chồng về 'chuyện ấy'. |
‘Bạo lực không phải là giáo dục, bạo lực là bất lực, giận dữ và đau đớn’
Qua bạo lực thể chất và tinh thần, qua những gì mà chúng ta thực hành hàng ngày, chúng ta dạy con rằng bạo lực ... |
Những người vợ ly hôn vì không đủ sức 'chiều' chồng
Hơn một năm phải phục vụ những đòi hỏi thô bạo của chồng, chị Hương (TP HCM) đâm đơn ra tòa. |
Ly thân, ly hôn vẫn không thoát bạo lực
Sau rất nhiều năm bị chồng bạo hành cả thể xác, tinh thần, có những người phụ nữ đã quyết định tìm cách giải thoát ... |
Bộ ảnh về bạo hành có thể khiến bạn nhìn thấy mình trong đó
Những lời nói trong lúc cáu giận có thể trở thành nỗi ám ảnh theo trẻ suốt cuộc đời. |
Lối sống 09:55 | 13/06/2018
Lối sống 23:00 | 30/05/2018
Lối sống 12:00 | 27/05/2018
Lối sống 08:09 | 19/05/2018
Lối sống 03:22 | 18/05/2018
Lối sống 07:32 | 15/05/2018
Lối sống 00:00 | 11/05/2018
Lối sống 10:01 | 08/05/2018