Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân, dự kiến 1 triệu người không phát sinh thuế năm 2020

Bộ Tài chính ước tính sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi từ việc tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020.

Đề xuất tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân, 1 triệu người không phát sinh thuế

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng nay, 10/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến thu ngân sách có thể giảm khoảng 140.000-150.000 tỉ đồng trong năm nay vì đại dịch Covid-19.

Ngoài gói 180.000 tỉ đồng giãn thuế và tiền thuê đất đã được thông qua, Bộ trưởng Tài chính tiếp tục đề xuất hàng loạt nội dung liên quan tới việc sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có đề cấp đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức giảm trừ gia cảnh thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân. (Ảnh: VGP).

Bộ trưởng Tài chính đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kì họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020. Dự kiến áp dụng từ đầu năm 2021.

Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục, kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, thì có khoảng 700.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7.800 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.

Ước tính, việc điều chỉnh sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10.300 tỉ đồng.

Cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới, chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài…

Giảm 70% mức thu lệ phí đăng kí doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính.

Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 2.

Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: Phúc Minh).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỉ đồng.

Bộ cũng ưu tiên bố trí khoảng 36.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải chủ động bố trí nguồn để tăng cường hàng dự trữ quốc gia (chủ yếu là lương thực), hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm không ai bị đói. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bảo đảm quyền lợi của người bảo hiểm bị tác động bởi dịch bệnh.

Ngân sách nhà nước ưu tiên nguồn lực 16.200 tỉ đồng phòng chống dịch. Trong đó, đã dành khoảng 9.500 tỉ đồng cả ngân sách Trung ương và địa phương để mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch. 

Dự kiến thời tới, có thể tiếp tục phải tăng chi thêm để đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch. Dành khoảng 6.700 tỉ đồng để chi chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách li, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách li.

Có thể vay quốc tế 1 tỉ USD với chi phí thấp

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trước khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư do đại dịch Covid-19, dự báo nguồn thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm, do tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Giá dầu thô giảm sâu và điều chỉnh chính sách thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh. 

Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức chịu thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 3.

Tăng trưởng GDP quý I/2020 đang ở mức thấp nhất 10 năm qua. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến với phương án tích cực nhất là dịch kết thúc trong quý II/2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỉ đồng.

Trường hợp tăng trưởng GDP dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế, thì số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, do các nơi này đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… 

Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách.

Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỉ đồng).

Kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lí. 

Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. 

Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB...), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất. Dự kiến có thể vay với chi phí thấp khoảng 1 tỉ USD.