Bộ Y tế sẽ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế, chỉ được xuất tối đa 25% cho mục đích viện trợ

Bộ Y tế sẽ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế, chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế tối đa 25% sản lượng, 75% còn lại dành phòng dịch trong nước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19). 

Khẩu trang y tế được phép xuất khẩu bao nhiêu, giữ lại bao nhiêu trong dịch Covid-19? - Ảnh 1.

25% sản lượng khẩu trang được phép xuất khẩu, 75% còn lại dành phòng dịch trong nước. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo đó, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ thực hiện, tối đa là 25% sản lượng cho xuất khẩu. 75% sản lượng còn lại được dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước. 

Nghị quyết cho biết không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài, đã kí hợp đồng gia công trước ngày 1/3/2020.

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ban hành hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn về tiêu chuẩn khẩu trang y tế.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) được giao phối hợp giám sát việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo về năng lực sản xuất theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Trước đó, giữa tháng 2, theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính cũng chỉ được chấp nhận vận chuyển ra nước ngoài các trang thiết bị y tế như khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế của các tổ chức, cá nhân vì mục đích nhân đạo, thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố.

Đại diện Bưu điện Việt Nam cam kết không tiếp tay để các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khan hiếm các loại vật tư y tế như khẩu trang, nước sát trùng để vận chuyển ra nước ngoài, góp sức cùng cộng đồng trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo quyền lợi bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.