Chính phủ các nước châu Á đã và đang tăng cường phát hành trái phiếu bằng USD, nhằm củng cố ngân sách sau những khoản chi khổng lồ để phòng chống đại dịch Covid-19.
Theo dữ liệu của Dealogic, các quốc gia và các cơ quan chính phủ trong khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản, đã huy động 18,7 tỉ USD trái phiếu vào tháng 4, tốc độ phát hành trái phiếu nhanh nhất của khu vực này trong 10 năm qua.
Các chính phủ châu Á đã phát hành hơn 30 tỉ USD trái phiếu nước ngoài, tính từ đầu năm 2020 cho đến hiện tại, gấp đôi tổng số cùng kì năm 2019.
Làn sóng phát hành nợ xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng làm rung chuyển mọi nền kinh tế châu Á, gia tăng tình hình căng thẳng tài chính của các chính phủ với các hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng của họ.
Sự bùng nổ các đợt phát hành trái phiếu khởi điểm sau quyết định cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tháng 3, với mục tiêu giảm chi phí vay, để nền kinh tế Mỹ đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Trong khoảng thời gian này, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã giảm mạnh gần xuống mức thấp nhất lịch sử, các nhà đầu tư buộc phải tìm đến những góc mới lạ hơn của thị trường, để kìm kiếm lợi nhuận.
Điển hình nhất trong cơn sóng phát hành trái phiếu là Indonesia, với đợt huy động vốn trị giá 4,3 tỉ USD thông qua trái phiếu trong tháng 4. Số nợ khổng lồ này được chính quyền Jakarta tuyên bố sử dụng trong các công tác phòng chống và cứu trợ cho đại dịch Covid-19.
Jan Metzger, lãnh đạo bộ phận ngân hàng, thị trường vốn và tư vấn khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Citi, cũng là người cố vấn cho thỏa thuận này, cho biết các chính phủ đang cố gắng tìm cách củng cố bảng cân đối của họ, để chống lại các tác động của dịch Covid-19.
"Tất cả các chính phủ sẽ xem xét các hành động tập trung vào việc giảm thiểu tác động của virus Covid-19", ông Metzger nói.
Các ngân hàng cũng cho biết những người đi vay có thời hạn nợ sắp đáo hạn, có xu hướng tung trái phiếu ra thị trường sớm hơn dự định trước đó của họ. Do những lo sợ tác động lên kinh tế vì virus có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn của họ trong tương lai.
Dữ liệu Dealogic cho thấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương có khoảng 107 tỉ USD nợ bằng USD Mỹ, sẽ đáo hạn trong năm nay.
Trong khi đó, các công ty châu Á đã huy động được thêm 67 tỉ USD thông qua trái phiếu đô la Mỹ trong cùng gian đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, gần bằng tổng số huy động nợ năm 2019, bất chấp các áp lực khủng hoảng đang đè nặng lên các thị trường vốn.
Ông Metzger nhận định: "Các công ty e ngại những đợt bùng phát dịch bệnh sắp tới, hay các thông tin quá tiêu cực liên quan đến đại dịch Covid-19, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng gây quĩ trong tương lai của họ".
Hàng loạt đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị thu về là 6 tỉ USD, thời gian đáo hạn lên đến 40 năm, được công ty dầu khí Petronas của Malaysia tung ra, là một trong số những thỏa thuận "khủng" nhất trong giai đoạn này.
Song, làn sóng vay mượn cũng nổi lên giữa thời điểm căng thẳng tài chính có dấu hiệu ngày một sâu sắc trong khu vực châu Á.
Trong tháng 4, Tập đoàn dầu mỏ Hin Leong của Singapore đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, có hơn 20 chủ nợ lớn với giá trị khoản nợ lên đến 3,85 tỉ USD.
Các nhà kinh tế tại ANZ cho biết nhiều công ty trong khu vực chấu Á cũng đang có nguy cơ vỡ nợ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực có đòn bẩy lớn, như ngành công nghiệp năng lượng ở Singapore và Hàn Quốc.
Các nhà phân tích thuộc Moody's đã điều chỉnh tăng đáng kể tỉ lệ vỡ nợ theo vùng dự kiến của các công ty khu vực châu Á trong năm 2020, lên mức 6,4% đối với các trái phiếu cấp không đầu tư.
"Đại dịch Covid-19 bùng phát sẽ dẫn đến việc chất lượng tín dụng của nhiều công ty châu Á suy yếu đáng kể, và do đó sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ", Moody's cho biết nói.
Tuy nhiên, trước triển vọng không mấy lạc quan này, không phải ai cũng nhìn nhận thị trường với một tâm lí tiêu cực.
Ông Charles Macgregor, Giám đốc khu vực châu Á tại công ty phân tích tín dụng Lucror Analytics, cho rằng "dù tỉ lệ vỡ nợ có khả năng cao hơn ở các khu vực có xếp hạng tín dụng thấp – như các công ty Ấn Độ và Indonesia", ông vẫn rất lạc quan về sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á hậu đại dịch.
"Một số người đang cố gắng thổi phồng và phóng đại các vấn đề có tiềm năng sẽ xảy ra", ông Macgregor nói. "Quan điểm của tôi là sẽ có một sự gia tăng tỉ lệ vỡ nợ. Nhưng tôi cho là nó sẽ không quá khủng khiếp".
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020