Sáng 8/5, quán cà phê Ông Bầu đầu tiên tại Hà Nội cũng chính thức khai trương. Đây là dự án mới "trình làng" hồi cuối tháng 2, khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Việt Nam, của 3 doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Công ty CP Đồng Tâm và ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty Nutifood.
Dù không tổ chức khai trương rầm rộ, đến nay, chuỗi đã có gần 40 điểm bán tại 10 tỉnh, thành phố. Thậm chí, riêng sáng 12/3, 16 cửa hàng cà phê Ông Bầu đã đồng loạt khai trương.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp này vẫn dự kiến đưa vào hoạt động gần 1.000 quán cà phê trên toàn quốc đến cuối năm.
Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Thuỷ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viva International, cũng vừa khai trương 5 kiosk cà phê mang đi kết hợp nhà vệ sinh công cộng miễn phí của chuỗi cà phê này. Bà Ngọc Thủy cho biết đây là một nỗ lực lớn và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Trước đó, thương hiệu này đã triển khai 4 nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí cho người dân kết hợp cửa hàng cà phê phục vụ tại chỗ. Hiện nay, với hình thức cà phê mang đi, doanh nghiệp kỳ vọng có thể triển khai mô hình nhanh, nhiều và phục vụ cộng đồng tốt hơn.
Những kiosk này được đặt tại các khu vực trung tâm TP HCM, đông người qua lại. Sau dịp khai trương, bà Ngọc Thủy cho biết sẽ đánh giá hiệu quả và khảo sát địa điểm mới, lên kế hoạch nhân rộng mô hình này, trong đó có thể thông qua nhượng quyền.
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh hậu Covid-19, ông "vua bánh mì" Kao Siêu Lực cũng cho biết sớm nhất trong 2 tháng nữa sẽ mở rộng thị phần của ABC Bakery tại huyện Nhà Bè và quận 7 (TP HCM). Ông coi dịch Covid-19 là cơ hội để dành thời gian nghiên cứu sản phẩm mới và đào tạo nhân sự, do đó hiện tại thương hiệu này đã sẵn sàng đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của thị trường.
"Tôi nghĩ tác động của Covid-19 đối với ngành F&B không còn quá nặng nề nữa vì Chính phủ đã nới lỏng giãn cách xã hội. Đến khoảng tháng 6, tháng 7 sẽ hồi phục", ông Kao Siêu Lực nhận định.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp F&B khác vẫn ưu tiên chiến lược mở cửa từ từ, đồng thời tạm gác các kế hoạch mở rộng ban đầu cho năm 2020.
Đến nay, 5% nhà hàng của Tập đoàn Golden Gate vẫn chưa hoạt động trở lại. Đại diện doanh nghiệp cho biết với số lượng gần 400 nhà hàng trên toàn quốc của hơn 20 thương hiệu, thay vì mở cửa đồng loạt, họ có kế hoạch mở lại từng nhà hàng thuộc từng chuỗi dựa trên các tiêu chí về tệp khách hàng, quy định phòng chống Covid-19, nguồn lực nhân sự và khả năng cung ứng nguồn hàng.
Hậu Covid-19, đại diện Golden Gate cho biết sẽ dựa trên kinh nghiệm đúc kết trong tình hình dịch để tinh chỉnh quy trình vận hành, tối ưu hóa nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân viên tại nhà hàng và liên tục phát triển sản phẩm phù hợp hơn với khả năng chi tiêu khách hàng trong thời gian sắp tới.
Một tên tuổi lớn khác trong ngành là hệ thống chuỗi quán Trung Nguyên Legend Café và Trung Nguyên E-Coffee, cũng lựa chọn giải pháp "chậm mà chắc", chỉ mở cửa tất cả chi nhánh trên toàn quốc sau dịp lễ 30/4. Trước đó, từ ngày 14/4, thương hiệu triển khai phương thức bán hàng online và mang đi tại nhiều địa phương.
Trong thời gian tới, tập đoàn đẩy mạnh tự động hóa, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, tiếp thị và truyền thông, đồng thời tinh gọn menu phù hợp với tính chuyên gia cà phê và tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới.
Đối với chuỗi Cheese Coffee, nhà sáng lập kiêm CEO John Trung Nguyễn cho biết "chưa vội phát triển chi nhánh mới, một phần muốn hoàn thiện hơn chất lượng của 10 cửa hàng hiện tại, một phần muốn chờ đợi thời điểm hợp í khi kinh tế và du lịch ổn định nhất rồi mới nghĩ tiếp về Cheese thứ 11".
Trước đó, việc mở rộng độ phủ nằm trong mục tiêu kinh doanh năm 2020 của thương hiệu này.
Tuy vậy, chia sẻ với Zing, anh nhận định lượng khách hàng và năng lượng tại các cửa hàng đang dần bắt nhịp và có tín hiệu phục hồi tốt. Sau hơn 2 tuần đón khách trở lại, Cheese Coffee hiện gần đạt lượng khách như trước khi dịch bùng phát.
Tuy nhiên, để phù hợp với hành vi tiêu dùng sau dịch, chuỗi này sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác vận chuyển như Grab, Now và Baemin, đồng thời thường xuyên cập nhật món mới để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Trong khi đó, chuỗi nhà hàng hải sản Lobster Bay, sau khi đóng cửa chi nhánh mới tại quận Tân Bình (TP HCM) để cắt lỗ trong đại dịch, đã chủ động mở cửa sớm 2 nhà hàng còn lại ngay khi được phép.
Mặc dù vậy, theo CEO Nguyễn Ngọc Anh, khó khăn về nguồn hàng nhập khẩu khi thị trường nước ngoài biến động, các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, Canada thường xuyên bị đứt hàng khiến chuỗi này phải nhanh chóng bổ sung thêm nhiều nguyên liệu nội địa trong thời gian dịch.
Bên cạnh đó, khi mở cửa trở lại, Lobster Bay ghi nhận lượng khách còn khá thấp so với thời điểm trước dịch, dù tăng trưởng 30% doanh số phục vụ tại chỗ nhưng lại giảm 20% doanh số online.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Ngọc Anh vẫn tin tưởng vào thế mạnh bán hàng qua kênh online của đội ngũ, riêng trong mùa dịch đã tăng gấp 3 lần so với trước đây. Đặc biệt, nhờ các chương trình miễn phí giao hàng và phát triển sản phẩm mới phù hợp túi tiền, Lobster Bay cũng mở rộng tệp khách hàng từ 26 tuổi trở lên, đã có gia đình với mức thu nhập cao, đến những người trẻ từ 20 tuổi có thu nhập trung bình.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020