Tại phiên họp sáng 10/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Sơn La, đại biểu Chá A Của nhất trí với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật nêu trên.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Sơn La đã một số ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung đối với Luật Đầu tư công.
Cụ thể, theo đại biểu, tại khoản 2, Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định về điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, tuy nhiên Luật không quy định cụ thể về số lần và số năm được phép tiếp tục kéo dài thời gian bố trí vốn. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội có quy định cụ thể hơn về việc cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đối với các dự án không đáp ứng thời hạn bố trí vốn.
Hiện tại, Tờ chính số 573/TTr-CP ngày 27/12/2021 về dự án Luật sửa đổi của Chính phủ trình Quốc hội mới có nội dung sửa đổi, bổ sung các điều 17, 25 và 33 của Luật Đầu tư công.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17; bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Để đảm bảo dự án đầu tư nhóm B và C được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn khi phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư công quy định Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong phạm vi tổng số kế hoạch vốn trung hạn được Quốc hội quyết định cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.