Có cần chứng minh năng lực nhà đầu tư khi đề xuất dự án?

Theo VCCI, tại thời điểm nhà đầu tư đề xuất dự án để cho vào danh mục dự án đầu tư được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, không cần xem xét đến năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất. Nhà đầu tư sẽ chứng minh năng lực tài chính khi tham gia đấu thầu.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Liên quan đến việc công bố dự án đầu tư có sử dụng đất, Dự thảo dẫn chiếu quy định công bố dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại Điều 9 hoặc Điều 10 Nghị định 23/2024/NĐ-CP.

Cụ thể, Điều 10 Nghị định 23 quy định về công bố dự án kinh doanh đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nhà đầu tư được đề xuất thực hiện dự án đầu tư kinh doanh ngoài dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố theo trình tự, thủ tục quy định. 

Trong trình tự, thủ tục này, nhà đầu tư phải cung cấp “Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;” (tương ứng quy định tại Luật Đầu tư) và phải nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND hoặc bộ, cơ quan ngang bộ, Ban Quản lý khu kinh tế).

Theo VCCI, quy định trên cần xem xét ở 2 điều sau. 

Thứ nhất, về yêu cầu tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất, đây là thủ tục để xác định các dự án đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Dự án này có thể do cơ quan nhà nước đề xuất hoặc nhà đầu tư đề xuất và cơ quan nhà nước chấp thuận đề xuất này.

Trường hợp nhà đầu tư đề xuất và được chấp thuận, không có nghĩa nhà đầu tư này sẽ được thực hiện dự án đầu tư mà mình đề xuất vì dự án này sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đấu thầu.

Do đó, tại thời điểm nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư để cho vào danh mục dự án đầu tư được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cơ quan nhà nước không cần xem xét đến năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất và yêu cầu tài liệu năng lực tài chính của nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chứng minh năng lực tài chính khi tham gia đấu thầu.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định tại Nghị định 23 theo hướng bỏ yêu cầu phải cung cấp tài liệu tương ứng với Luật Đầu tư, tức là tài liệu chứng minh về năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Thứ hai, về xác định cơ quan có thẩm quyền để gửi đề xuất thực hiện dự án, Nghị định 23 quy định về việc xét duyệt hồ sơ của các cơ quan có thẩm quyền.

"Vấn đề là xác định dự án đầu tư nào thuộc thẩm quyền xét duyệt của UBND hay của bộ, cơ quan ngang bộ lại không thấy quy định hoặc dẫn chiếu tới văn bản pháp luật liên quan. Điều này có thể gây khó cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đề xuất thực hiện dự án đầu tư.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi Nghị định 23 theo hướng quy định cụ thể về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ theo các loại dự án đầu tư hoặc dẫn chiếu quy định có quy định về vấn đề này", đơn vị này góp ý. 

(Ảnh tư liệu minh họa: Hải Quân).

Ngoài ra, liên quan đến việc đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng và đăng tải thông tin chủ yếu của hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất, Dự thảo quy định nếu không đàm phán thành công với nhà đầu tư trúng thầu, sẽ hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư và mời nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo đàm phán, hoàn thiện hợp đồng.

Trong nội dung Phụ lục I về hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất ban hành kèm theo Nghị định có nội dung về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định hủy kết quả trúng thầu nếu quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không ứng đủ vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

VCCI đặt vấn đề, sau khi hủy thầu đối với nhà đầu tư trúng thầu, đã ký hợp đồng thì sẽ giải quyết như thế nào đối với dự án đầu tư này; sẽ lựa chọn nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo đàm phán và ký kết hợp đồng hay là tiến hành đấu thầu lại. Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ.  

chọn
Đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ tổng dư nợ của doanh nghiệp BĐS trên tổng vốn chủ sở hữu
Bộ Tài chính, NHNN đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu quy định cụ thể tỷ lệ tổng dư nợ (tín dụng, trái phiếu) của doanh nghiệp trên tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì trên tổng mức đầu tư của cả dự án.