Cua Cà Mau mất nửa giá vì virus corona, thương lái Trung Quốc dừng mua

Không chỉ thanh long, dưa hấu đang rớt giá thê thảm vì ảnh hưởng của dịch viêm phổi do virus corona, đặc sản cua Cà Mau cũng đang điêu đứng vì Trung Quốc dừng mua, cua loại gạch từ 500.000-700.000 đồng hiện chỉ còn 250.000-300.000 đồng/kg.

Từ sau Tết, hàng loạt nông sản thay nhau rớt giá thảm hại. Giá mít tại miền Tây trước Tết 40.000-55.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 10.000-15.000 đồng/kg. Giá chôm chôm  hiện còn 6.000 đồng/kg mua tại vườn. Tại Tây Nguyên, giá dưa hấu 1.000 - 1.500 đồng/kg. Còn ở miền Đông Nam vộ, chuối loại 1 hiện được hợp tác xã và các thương lái mua với mức 4.000-5.000 đồng/kg,... Đây cũng là mức giá mà nông dân trồng thanh long chong đèn vụ nghịch ở Bình Thuận đang cắn răng bán.

Cua biển Cà Mau mất nửa giá

Ông Nguyễn Thanh Phong, một nông dân nuôi thuỷ hải sản tại Cái Nước, Cà Mau, cho biết cua biển nuôi liên tục mất giá từ Tết đến nay. Ngày thường, cua y có giá 300.000-400.000 đồng/kg, giờ chỉ bán được 250.000 đồng/kg. Rớt thê thảm là cua gạch, giá 500.000-700.000 đồng/kg nay mất hơn một nửa, còn ngang giá cua y, khoảng 200.000-250.000 đồng/kg.

"Bây giờ mấy điểm thu mua quanh đây không chịu nhận cua gạch nữa, cua y thì người ta còn lấy. Thương lái chỉ nói là do cửa khẩu với Trung Quốc đóng rồi, nên lấy ai tiêu thụ cua gạch", ông Phong giải thích.

Cua biển mất nửa giá, thanh long chỉ 4.000 đồng/kg vì dịch corona - Ảnh 1.

Cua biển Cà Mau đang mất giá đến một nửa vì Trung Quốc dừng mua. (Ảnh: Kim Xuyến).

Cua y giá giảm nhẹ hơn cua gạch vì loại này thương lái có thể mua về bán lẻ. Ngoài bán cho các quán ăn, nhà hàng trong khu vực hoặc chuyển lên TP HCM, người tiêu dùng tại chỗ cũng thường chuộng cua y hơn vì nhiều thịt, dễ ăn.

Tại Cà Mau, ngoài cua biển rớt giá thảm thì cá bống tượng cũng đang trượt giá mạnh. Ngày thường, cá bống tượng được bán 400.000-500.000 đồng/kg, hiện này chỉ còn ở mức 200.000 đồng/kg.

Bình Thuận: Cả trăm nghìn tấn thanh long chín đang treo cây 

Tại Bình Thuận, nông dân cũng đang điêu đứng vì giá thanh long vụ nghịch tuột không phanh. Nhà có trồng thanh long, chị Minh Trâm cho biết thời gian đầu vụ chong đèn, giá thanh long vẫn có đợt tăng nhẹ, nhưng từ giữa tháng Chạp thì bắt đầu xuống giá trầm trọng.

Gần đây nhất, vườn thanh long của một hàng xóm ngay phía sau nhà chị Trâm, vừa bị phá bỏ. Chị cho biết tình trạng lỗ mấy năm nay khiến người chủ nản chí. Chủ vườn chuyển sang nghề mua thanh long.

Cua biển mất nửa giá, thanh long chỉ 4.000 đồng/kg vì dịch corona - Ảnh 2.

Thanh long Bình Thuận năm vừa qua đối mặt với tình trạng khô hạn, vừa sang năm mới lại gặp phải cảnh trượt giá. (Ảnh: Minh Trâm).

Theo một thương lái tại TP HCM chuyên thu mua thanh long Bình Thuận xuất sang Trung Quốc, giá thanh long những ngày qua đang xuống đến tận đáy. Loại thanh long thiếu phần tay và đầu đôi chút, ngoại hình sạch (pồ chài đẹp) có giá cao nhất chỉ 8.000 đồng/kg cho những vườn cồ 90, tức 90% trái trong vườn nặng trên 500gr. Với loại ngoại hình không đẹp, cồ 65, giá thu mua chỉ còn 4.000 đồng/kg,…

Theo Thanh Niên, từ ngày 2/2, Sở Công Thương Bình Thuận đã chủ trì cuộc họp khẩn với Hiệp hội thanh long, Trung tâm phát triển cây thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu tìm giải pháp tháo gỡ cho thanh long trước dịch cúm do virus corona. 

Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết từ ngày 27/1 đến nay, mỗi ngày lượng trái được thu hoạch chừng 3.000 tấn. Cộng cả trái trong hệ thống kho lạnh bảo quản và trên đường đang vận chuyển, ứ đọng tại các cửa khẩu, thì Bình Thuận đang có khoảng 39.000 tấn đang chưa bán được.

Còn Trung tâm phát triển cây thanh Bình Thuận cho biết ước tính hiện nay lượng trái chín đang treo trên cây của cả tỉnh, cho đến cuối tháng 2, khoảng 90.000 đến 100.000 tấn.

Với con số ước khoảng 139.000 tấn thanh long cả hái và treo cây hiện nay, theo tính toán của đại diện Hiệp hội thanh long Bình Thuận, nếu không bán được thì thiệt hại sẽ lên tới khoảng 1.000 tỉ đồng. Đây sẽ là “cú sốc” nặng cho thanh long Bình Thuận trong đại dịch corona này.

Anh Thật, chủ vựa chuối tại chợ Hóc Môn (TP HCM), cho biết trước Tết anh nhập về hơn 160 tấn chuối ở Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng… Anh hi vọng đợt Tết vừa qua có thể xuất hết qua Trung Quốc, đủ tiền trả được số nợ mình đang gánh. Thế nhưng, bất ngờ, bên kia biên giới từ chối nhận hàng, dù đã hứa mua với giá 11.000 - 12.000 đồng/kg.

Cua biển mất nửa giá, thanh long chỉ 4.000 đồng/kg vì dịch corona - Ảnh 3.

362 container nông sản ùn tắc đã được thông quan. Bộ Nông nghiệp cho biết số nông sản còn lại thống nhất không chuyển qua biên giới nữa, mà tập trung tiêu thụ nội địa, chế biến sâu. (Ảnh: TT).

"Sau Tết, họ hứa sẽ nhập chuối dần, nhưng giờ dịch bùng phát, cửa khẩu đóng lại. Chuối của nhiều doanh nghiệp lớn còn đang ùn ứ, biết bao giờ tới lượt mình", anh chia sẻ.

Xuất khẩu chẳng xong, vựa của anh xổ chuối lẻ ra bán tại chợ đầu mối Hóc Môn. Sau Tết, giá chuối rớt không phanh còn hơn 2.000 đồng/kg tuỳ loại. Anh Thật cho biết mình đang lỗ đến 600 triệu đồng trong mùa chuối đợt Tết này.

Hiện tại, anh còn hơn 5.000 buồng chuối đặt cọc trước với nông dân, mỗi buồng anh chịu giá 180.000 đồng. Thế nhưng, giá chuối xuất khẩu chỉ còn 120.000 đồng/buồng. Tình hình sắp tới, dù cửa khẩu có mở, anh Thật vẫn sẽ lỗ thêm 300 triệu đồng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kì chiều 5/2, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết có 362 container nông sản ùn tắc mấy ngày qua đã được thông quan. Số nông sản còn lại thống nhất không chuyển qua biên giới, mà tập trung tiêu thụ nội địa, tập trung chế biến sâu. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 1/2020 giảm hơn 35%

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2020, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 2,75 tỉ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019. Nguyên nhân chính được Tổng cục báo cáo là do Tết Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào tháng 1, vì thế, thời gian tạm ngừng giao thương giữa hai nước kéo dài.

Cua biển mất nửa giá, thanh long chỉ 4.000 đồng/kg vì dịch corona - Ảnh 4.

Xuất khẩu sang Trung Quốc đột ngột giảm hơn 1/3, một phần vì dịch cúm do virus corona. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Ngoài ra, một lí do khác dù chưa được thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn có ảnh hưởng không ít, là dịch cúm do virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc. Thực tế, một số cửa khẩu Việt - Trung đang ngưng giao dịch, do lo ngại dịch cúm lây lan, khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc hết sức trầm lắng.

Điển hình, trong 3 ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán (30, 31/1 và 3/2), tổng trị giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó.

Riêng về nông sản, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại, do diễn biến phức tạp của bệnh dịch. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.

Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhìn nhận dịch viêm phổi do virus corona có thể tác động đến xuất khẩu nông sản sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, khi người tiêu dùng hạn chế mua sắm. Vì vậy, bên cạnh sự thận trọng, doanh nghiệp cần thực sự có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại từ thị trường Trung Quốc.

Các mặt hàng rau quả, trái cây... có thể nỗ lực hơn nữa thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

chọn
Dự án có hàng nghìn căn condotel tại Đà Nẵng từng được chuyển đổi thành chung cư giờ ra sao?
Năm 2019, Đà Nẵng đã cho phép chuyển đổi 1.570 căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng thành căn hộ chung cư. Đồng thời, chuyển đổi công trình căn hộ khách sạn cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 thành căn hộ chung cư, biệt thự và nhà liền kề. Dưới đây là hiện trạng những công trình được duyệt chuyển đổi nói trên.