Cửa đóng chặt, làm việc thâu đêm để tìm ra thuốc cho Covid-19

Từ khi nhận được bản mẫu virus, những nhân viên của phòng thí nghiệm đã làm việc liên tục, nhằm sớm tìm ra thuốc điều trị với chủng virus SARS-CoV-2.

Loại virus chết người được chuyển đến vào ngày 6/2, niêm phong trong hai ống nhỏ và bọc trong các túi nhựa, rồi được đặt vào bên trong một hộp nhựa kín thứ ba, tất cả được đóng gói bằng đá khô. Một nhóm các nhà khoa học, được bảo vệ từ đầu đến chân bằng bộ quần áo bảo hộ và mặt nạ chạy nối ống thở bằng pin, mở lọ, bắt đầu làm việc và không dừng lại kể từ đó.

Bên trong một phòng thí nghiệm không có cửa sổ, nằm tại một địa điểm bí mật ở đại học North Carolina, các nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu của đại học, đang cố gắng tìm ra loại thuốc điều trị mầm bệnh đã lây nhiễm cho hơn 182.000 người và khiến hơn 7.000 người tử vong.

Cửa đóng chặt, làm việc thâu đêm để tìm ra thuốc cho Covid-19 - Ảnh 1.

Lisa Gralinski, một thành viên trong nhóm nghiên cứu đang mặc đồ bảo hộ để đi vào phòng thí nghiệm. (Ảnh: Bloomberg).

Đối với nhà nghiên cứu kì cựu, lãnh đạo phòng thí nghiệm Ralph Baric, đây là khoảnh khắc mà ông vừa lo sợ vừa mong đợi. Ngay từ những năm 1990, những nghiên cứu của Baric đã chỉ ra một loại virus có nguy cơ cao: corona - được đặt tên vì những chiếc gai giống như vương miện, giúp chúng nhanh chóng xâm chiếm tế bào và biến đổi. Trong một nghiên cứu, ông cho thấy virus corona có thể nhanh chóng thích nghi và xâm nhập tế bào chuột đồng.

"Chúng có thể dễ dàng tiến hóa thành các chủng và lây nhiễm cho những loài khác nhau", Baric nói với Bloomberg.

Chạy đua về tốc độ

Gần 30 năm sau, đó chính xác là những gì đã xảy ra với loại virus corona chết người có tên là SARS-CoV-2. Các nhà khoa học tin rằng nó bắt đầu từ những con dơi trong một hang động ở đâu đó ở Trung Quốc, lây lan sang các động vật khác trong tự nhiên. Những con vật này cuối cùng bị đưa tới những khu chợ ẩm ướt, nơi các động vật sống được nhốt gần nhau, một môi trường hoàn hảo để truyền virus cho người.

Cho đến đầu năm 2020, Baric vẫn ít được biết đến bên ngoài giới học thuật. Khi ông bắt đầu sự nghiệp, virus corona được cho là chỉ gây ra bệnh nặng hơn một chút so với cơn cảm lạnh thông thường. Công việc của ông đột nhiên trở nên gấp gáp khi chủng virus mới xuất hiện.

Cửa đóng chặt, làm việc thâu đêm để tìm ra thuốc cho Covid-19 - Ảnh 2.

Ralph Baric, lãnh đạo phòng thí nghiệm tại đại học North Carolina. (Ảnh: Bloomberg).

Đội ngũ 30 người của Baric là một trong những nhóm đầu tiên ở Mỹ nhận các mẫu virus được CDC phân lập từ bệnh nhân ở Washington. Một số phòng thí nghiệm khác cũng đang chạy đua để tìm ra bất cứ thứ gì có thể làm chậm virus lây lan, hoặc giảm bớt các triệu chứng của nó.

Nhóm nghiên cứu của Baric đang cố gắng cấy và tăng trưởng lượng virus để kiểm tra các loại thuốc có thể ức chế nó bên trong tế bào phổi của người. Sau vòng thử nghiệm này, các nhà khoa học sẽ thử nghiệm thuốc trên những con chuột đã được biến đổi gen để mang thụ thể phổi của con người, mà virus có thể lây nhiễm

"Bây giờ chúng tôi đã có virus và rất nhiều người làm việc mọi lúc", Lisa Gralinski, trợ lí của Baric cho biết.

Tốc độ thử nghiệm cũng được đẩy cao ở nhiều phòng thí nghiệm khác.

"Chúng tôi làm việc 18-20 giờ mỗi ngày trong 2 tháng qua", Matthew Frieman, một nhà virus học của Đại học Maryland chia sẻ.

"Có hàng trăm công nghệ mới. Công việc của chúng ta là tìm ra những công nghệ đó càng nhanh càng tốt. Mục tiêu cuối cùng là có được thật nhiều ý tưởng", Rick Bright, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến của Mỹ nhận định.

Cửa đóng chặt, làm việc thâu đêm để tìm ra thuốc cho Covid-19 - Ảnh 3.

Phòng thí nghiệm được đặt ở một khu vực bí mật thuộc trường y tế công cộng thuộc đại học North Carolina. (Ảnh: Observer).

Không ai hiểu rõ sự khẩn cấp đó hơn Baric. Bất ngờ đứng vào vị trí trung tâm của các nỗ lực, ông cảm thấy không mấy thoải mái. Những cảnh báo của ông về sự nguy hiểm của virus corona đã được chứng minh từ dịch SARS diễn ra năm 2003, khiến gần 800 người chết. Virus này có nguồn gốc từ dơi, và được cho là đã lây qua con cầy hương rồi đến người.

Năm 2012, mầm bệnh chết người từ lạc đà gây ra dịch MERS, bùng nổ tại vùng Trung Đông. Có hơn 850 người đã chết vì MERS.

Năm 2015, Baric và đồng nghiệp đã cảnh báo về một loại virus giống SARS trong giống dơi lá quạt, có thể gây ra dịch bệnh mới. Những loại virus corona bắt nguồn từ dơi có khả năng biến đổi rất nhanh để xâm nhập tế bào nhiều loài, trong đó có tế bào phổi của con người.

Nỗ lực 5 năm chống lại virus corona

Trong 5 năm qua, Baric và các đơn vị mà ông hợp tác đã thử nghiệm gần 200.000 loại thuốc chống lại SARS, MERS và các chủng virus corona bắt nguồn từ dơi. Ông đã tìm thấy hàng chục loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn virus.

Tất nhiên, không phải mọi loại thuốc đều phát huy tác dụng khi dùng trên người. Remdesivir thể hiện rất rõ tác dụng trong phòng thí nghiệm, nhưng lại kém hiệu quả khi dùng cho dịch Ebola gần đây ở châu Phi. 

"Nó có hiệu lực và hiệu quả cao khi sử dụng trong phòng thí nghiệm", Mark Denison, chuyên gia bệnh truyền nghiễm tại đại học Vanderbilt cho biết.

Đầu tháng 1, Baric nhận một cuộc gọi khẩn cấp từ một đồng nghiệp chuyên về bệnh truyền nhiễm. Người này yêu cầu ông gửi dữ liệu chưa được công bố của mình về remdesivir, cho các đồng nghiệp ở Trung Quốc đang đối phó với một ổ dịch bí ẩn. Baric đã "rất sốc" khi biết virus corona này lây lan nhanh như thế nào.

Cửa đóng chặt, làm việc thâu đêm để tìm ra thuốc cho Covid-19 - Ảnh 4.

Nhóm nghiên cứu của Ralph Baric chỉ là một trong nhiều nhóm đang chạy đua tìm thuốc giải cho chủng virus corona. (Ảnh: Bloomberg).

Từ thời đó, công việc tại phòng thí nghiệm hầu như không ngừng nghỉ. Mỗi nhà khoa học dành từ 1-6 giờ bên trong hai phòng sạch khác nhau được trang bị để xử lí virus. Ngày làm việc của phòng thí nghiệm bắt đầu lúc 6h sáng và thường kéo dài đến 23h. Họ không thể ở trong phòng sạch quá lâu, bởi vẫn cần phải ăn, uống và tắm rửa. Mọi người phải vượt qua kiểm tra lí lịch của FBI và trải qua nhiều tháng huấn luyện an toàn.

Việc rửa tay, tiệt trùng cơ thể và mặc áo khoác đã mất 15 phút. Đây là quá trình tốn nhiều công sức, bao gồm mặc nhiều lớp áo Tyvek, găng tay nitrile và giày, cùng với mặt nạ lọc không khí dùng pin quấn quanh thắt lưng. Để ra khỏi phòng thí nghiệm, họ cũng phải phun cồn 70% lên người khi cởi từng lớp quần áo bảo hộ, để tiêu diệt bất kì hạt virus nào đi lạc.

Khối lượng công việc là khổng lồ, khi nhiều công ty và nhà nghiên cứu trên toàn cầu đều muốn hợp tác với phòng thí nghiệm của Beric. Ông đã thu hẹp tìm kiếm khoảng 100 loại thuốc có khả năng hứa hẹn chống lại virus corona. Kể cả khi thành công, đây cũng là loại thuốc tiêm, khó sử dụng hơn so với thuốc uống.

Quan trọng hơn, cần nhiều loại thuốc thay thế để cùng chống lại các chủng virus corona mới hơn nữa. Baric đang cố gắng tìm ra các phương pháp điều trị khác có thể chống lại vô số loại virus corona đang ẩn nấp ở dơi và các động vật có vú khác, sẵn sàng lây cho người bất cứ lúc nào.

"Mục tiêu chương trình của chúng tôi là tìm ra các chất ức chế trên diện rộng có tác dụng chống lại mọi thứ trong họ virus. Rất nhiều người thực sự mệt mỏi. Họ đang làm việc rất chăm chỉ", lãnh đạo phòng thí nghiệm này cho biết.


chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.