Châu Á trị virus corona hiệu quả hơn nhờ bài học chống SARS

Mặc dù có liên hệ kinh tế chặt chẽ hoặc nằm gần Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Singapore và Đài Loan đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhờ vào cách phản ứng khác với châu Âu.

Biểu đồ dưới đây cho thấy sự khác biệt đáng kể trong sự hiệu quả mà các chính quyền ở Singapore, Hong Kong và Đài Loan đã đạt được trong việc ứng phó với dịch Covid-19 so với các quốc gia khác ở châu Âu.

Trong khi sự gia tăng ở các nước Pháp, Anh và Italy là theo cấp số nhân, đường kẻ này ở châu Á là phẳng hơn, cho thấy các biện pháp của chính quyền tại đây đã có hiệu quả.

Ngay cả Trung Quốc, nước lỡ thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh ở Vũ Hán, cũng hạn chế đáng kể tốc độ lây lan nhờ chính sách phong tỏa cứng rắn.

Châu Á trị virus corona hiệu quả hơn nhờ bài học chống SARS - Ảnh 1.

Biểu đồ cho thấy tốc độ gia tăng số ca nhiễm theo tuần, bắt đầu từ mốc thời gian mỗi nước nhận 15 ca nhiễm. (Đồ họa: Telegraph).

Tại sao Anh không làm như Singapore?

Nếu việc ngăn chặn đã thành công tại những nơi như Singapore, tại sao chính phủ Anh không làm điều tương tự? Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố ông cũng muốn giảm phạm vi lây lan của virus, nhưng tham vọng của ông là khiêm tốn hơn.

Thay vì khống chế dịch bệnh trong vòng 6 tháng như nhiều nước châu Á, chính phủ Anh dường như muốn thả nổi để virus lây lan tự nhiên trong mùa hè. Theo kế hoạch mà ông Johnson nói, có thể 60% dân số Anh sẽ nhiễm virus, và "nhiều gia đình hơn sẽ mất đi người thân".

Đổi lại, nước Anh sẽ có sự "miễn dịch bầy đàn" và virus sẽ không còn khả năng lây lan, theo các cố vấn khoa học của chính phủ. Quyết định này gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là trong giới khoa học và các bác sĩ.

Nhiều người ủng hộ quyết định này, và cho rằng việc thực hiện phong tỏa quyết liệt như ở châu Á là không thể thực hiện ở được ở Anh trong thời gian dài, cho tới khi người dân cảm thấy mệt mỏi và không tuân thủ, theo giáo sư Chris Whitty, người đứng đầu phụ trách ứng phó với dịch Covid-19 của chính phủ Anh.

Bà Susan Michie, giáo sư tâm lí học sức khỏe và Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Chính sách từ Khoa học Hành vi của Anh và xứ Wales, đồng tình và cho rằng việc cấm các trận bóng đá sẽ khiến mọi người đổ tới các quán rượu.

Nhiều người cho rằng đơn thuần là vì tại nhiều nước châu Á, người dân ở đây có ý thức tuân thủ các yêu cầu của chính phủ.

Tuy nhiên, những người khác thì cho rằng điều đó được giải thích dựa trên một thành kiến, và người châu Á ứng xử như vậy không phải vì họ khác biệt với người châu Âu, mà vì họ đã từng rơi vào trường hợp tương tự với dịch bệnh SARS.

Châu Á trị virus corona hiệu quả hơn nhờ bài học chống SARS - Ảnh 2.

Một người đàn ông nhìn ra cửa số từ phòng của mình tại thành phố Vũ Hán. (Ảnh: Reuters).

Đại dịch bùng phát vào năm 2003, cũng từ một chủng của virus corona nhưng có tỉ lệ tử vong lên tới 10%, cao hơn nhiều so với ước tính từ 1-3% của dịch Covid-19. Dịch bệnh nhanh chóng lây lan từ Trung Quốc tới Hong Kong, Singapore, Thái Lan...

Trong thời gian ngắn, nó đã lây nhiễm cho 8.098 người và làm 774 người tử vong. Tại nhiều nước châu Á, nhiều nhân viên y tế đã nhiễm virus và không qua khỏi, do chủ quan với khả năng lây nhiễm và sức sát thương của virus. Các bác sĩ tại Hong Kong khi đó ở lại bệnh viện và không chịu về nhà, vì muốn bảo vệ gia đình mình.

Hoài nghi về "miễn dịch cộng đồng"

Người dân ở đây dường như đã có kinh nghiệm từ đó. Họ biết cách bảo vệ bản thân và những người khác thông qua việc giữ vệ sinh và cách li xã hội. Họ có thể điều chỉnh cuộc sống của mình theo cách mà những người dân phương Tây chưa từng phải làm.

Không phải là những người phương Tây không thể, mà họ không được thực hành việc sống trong dịch bệnh.

Khi nghe các cuộc phỏng vấn với người dân tại các khu vực bị phong tỏa ở châu Á, chúng ta không nghe thấy những tiếng phàn nàn, mà thay vào đó là giọng nói trấn an của những người đang cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Đó là câu chuyện về những người hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau, là sự tự hào với các bác sĩ và y tá, cũng như việc ca ngợi chính quyền đảm bảo nguồn cung thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu.

Khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm ở Vũ Hán, chúng ta nghe được những người dân ở đây hô vang để khích lệ tinh thần của nhau như thế nào, vào ban đêm, từ những cửa sổ của họ.

Ở Italy, người dân từ Torino đến Napoli cũng đứng ở ban công và hát với nhau trong bối cảnh toàn bộ đất nước bị phong tỏa.

Đây không phải là khoa học, nhưng khi chính phủ Anh đưa ra những biện pháp tiếp theo, họ có thể yêu cầu các nhà khoa học hành vi xem xét những điều tích cực từ Trung Quốc và Italy.

Mặc dù hành vi của con người, một cách tổng thể, vẫn dựa nhiều vào bản năng hơn là lí trí. Nhưng tất cả đều có khả năng duy trì sự thay đổi tích cực nếu ở trong hoàn cảnh phù hợp, với một sự lãnh đạo đúng đắn.

Châu Á trị virus corona hiệu quả hơn nhờ bài học chống SARS - Ảnh 3.

Sân vận động Anfield - sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Liverpool - vắng vẻ sau khi giải Ngoại hạng Anh bị hoãn tới 4/4. (Ảnh: New York Times).

Khi dịch bệnh phát triển tại Anh vào những ngày tới, cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi sẽ gặp nguy hiểm. Và khi đợt bùng phát kết thúc trong 6 hoặc 12 tháng tới và tỉ lệ tử vong chính thức của Covid-19 được công bố, chúng ta sẽ biết phản ứng của chính phủ Anh có tốt hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tỏ ra hoài nghi về cách tiếp cận của chính phủ Anh đối với công tác xử lý dịch bệnh.

Chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định chắc chắn về một khoảng thời gian cần thiết để người bệnh phát triển miễn dịch với virus corona, và nhiều nhà khoa học đã đề nghị chính phủ cung cấp thêm bằng chứng về cách tiếp cận này.

Virus corona là gì?

Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.

Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).

WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc), đã làm hơn 160.000 người nhiễm bệnh tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.

Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.