Dân dùng kẻng báo động chống 'cát tặc' công khai cày xới sông Lô

Giữa ban ngày, "cát tặc" hiên ngang sử dụng hàng loạt phương tiện "khủng" khai thác cát giữa sông Lô như mỏ khoáng sản hợp pháp.

Dân uất ức vì không làm gì được "cát tặc"

Như chúng tôi đã thông tin, tại đoạn sông Lô chảy qua địa bàn giáp ranh giữa xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, Phú Thọ với các xã Tứ Yên, Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có nhóm hàng chục phương tiện thường xuyên khai thác, sang chuyển cát. Đáng chú ý, cả ba xã Tử Đà, Tứ Yên, Yên Thạch đều không biết tới sự tồn tại của "đại công trường này".

Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo làm rõ "đại công trường ma" khai thác cát nói trên.

Cát vàng là một loại khoáng sản được quản lý với những quy định chặt chẽ của nhà nước. Hàng loạt các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ, quản lý hoạt động khai thác loại tài nguyên này.

Những tưởng, tại đoạn sông Lô chảy qua đoạn giáp ranh giữa huyện Phù Ninh và tỉnh Vĩnh Phúc, thậm chí là trên toàn tuyến sông Lô chỉ có duy nhất một "đại công trường" bất thường khai thác cát lớn như vậy. Thế nhưng, chỉ cách địa điểm khoảng 1km, chúng tôi phát hiện thêm một điểm khai thác cát bất thường khác.

dan dung keng bao dong chong cat tac cong khai cay xoi song lo
Các phương tiện đang khai thác cát trên sông Lô, đoạn giáp ranh giữa xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh với tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, sáng 29/5, từ xã Tử Đà, chúng tôi đi dọc theo đê Việt Trì để lên xã Bình Bộ. Đây là xã giáp ranh với xã Tử Đà, cùng thuộc huyện Phù Ninh và chỉ cách đoạn sông có "đại công trường ma" nói trên khoảng 1km.

Tại đây, chúng tôi phát hiện có 4 phương tiện gồm 2 chiếc tàu cuốc và 2 chiếc cẩu quăng (có nơi gọi là xáng cạp) đang hoạt động hết công suất để khai thác cát vàng ở giữa sông Lô. Ngoài ra, nhiều tàu chở hàng thay nhau ra vào để lấy cát.

Khi thấy chúng tôi sử dụng thiết bị để ghi lại hình ảnh khai thác cát thì từ nhóm phương tiện giữa sông, một người đàn ông đã sử dụng thuyền nhỏ di chuyển vào bờ và chủ động hỏi chuyện chúng tôi.

Khi biết chúng tôi là phóng viên, người đàn ông này cầm điện thoại gọi điện cho ai đó. Ngay sau cuộc điện thoại, các phương tiện đang khai thác cát giữa sông lập tức tắt máy, ngừng hoạt động.

Tương tự như xã Tử Đà, nhiều đoạn đất đại ven sông xã Bình Bộ cũng có dấu hiệu bị sạt lở nghiêm trọng.

Trao đổi với chúng tôi, ông H., một người dân xã Bình Bộ có đất canh tác ven sông cho biết, tình trạng khai thác cát sỏi ở đây đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ông H. cho rằng, từ khi có các tàu khai thác cát thì đất đai ven sông của bà con cứ bị sạt lở dần.

Chứng kiến từng thửa đất thuộc dạng "bờ xôi ruộng mật" của mình ngày ngày bị chìm dần xuống sông Lô, ông H. cùng người dân địa phương đã đoàn kết lại với nhau để chống "cát tặc". Theo đó, nhiều người dân đã thay nhau túc trực ở bờ sông. Khi thấy các tàu khai thác gần bờ, họ liền đánh kẻng báo động để cùng nhau ra sông xua đuổi "cát tặc".

Tuy nhiên, ông H. cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được dứt điểm nạn khai thác cát trái phép, bởi vì người dân không thể túc trực cả ngày lẫn đêm ở bờ sông. Mỗi khi người dân "rút về", "cát tặc" lại đưa tàu thuyền tới khai thác.

"Khi phát hiện tàu khai thác cát gần bờ, chúng tôi đánh kẻng báo động rồi kéo ra bờ sông phản ứng, xua đuổi. Khi đó, họ tắt máy, thả trôi thuyền hoặc chạy đi nơi khác. Nhưng khi chúng tôi về, họ lại quay lại khai thác," ông H. nói.

Sau thời dài dài đuổi mãi cát tặc mà không được, chị P. một người dân khác có đất canh tác ven sông cho biết, nhiều lúc chị thấy "uất ức vì không thể làm gì được". Người phụ nữ này lo lắng, nếu cát tặc cứ tiếp tục lộng hành thì không biết còn bao nhiêu đất đai khác của chị cũng như những người dân nơi đây sẽ bị nhấn chìm xuống sông. "Mất đất rồi còn biết lấy gì để trồng cấy", chị P. chia sẻ.

Công an tỉnh đi kiểm tra thì "cát tặc" không hoạt động?

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Kết, Chủ tịch UBND xã Bình Bộ xác nhận có hoạt động khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn. Tình trạng này rộ lên từ tháng 4 tới nay.

dan dung keng bao dong chong cat tac cong khai cay xoi song lo
Lãnh đạo xã Bình Bộ xác nhận, tình trạng khai thác cát trái phép rộ lên tại địa bàn từ tháng 4 tới nay.

Ông Kết cho biết, bản thân ông cũng đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng công an xã đuổi các tàu khai thác cát nhưng không giải quyết được dứt điểm. Lý do là vì UBND xã không đủ thẩm quyền xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, xã có lực lượng mỏng, khu vực có phương khai thác trái phép lại ở giữa sông, giáp ranh hai tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc.

Cũng theo ông Lê Xuân Kết, Công an huyện Phù Ninh từng phát hiện, xử phạt một số phương tiện khai thác cát trái phép ở đoạn sông chảy qua địa bàn xã. Mặc dù vậy, sau đó “cát tặc” vẫn hoạt động.

Đáng chú ý, ông Kết cho hay, ngày 25/5 vừa qua, trực tiếp Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ yêu cầu kiểm tra, nhưng khi lực lượng đi kiểm tra thì “cát tặc” lại không hoạt động.

Ông Trương Tiến Dũng, Trưởng công an xã Bình Bộ cho biết, hiện trên địa bàn xã không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác cát. “Việc xử lý gặp khó khăn do công an xã không đủ thẩm quyền ra bắt mà phải báo cáo công an huyện. Nhiều lần công an huyện xuống tới nơi thì họ đã ngừng hoạt động, chạy sang khu vực khác”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, địa phương đã có tờ trình báo cáo lên cấp trên nhưng tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn chưa được xử lý dứt điểm.

Rời xã Bình Bộ, chúng tôi tiếp tục đi ngược theo đê Việt Trì khoảng 1km để tới xã An Đạo, cùng thuộc huyện Phù Ninh. Tại đây, chúng tôi tiếp tục phát hiện một nhóm hơn 10 phương tiện đang tập kết giữa sông, đoạn giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc.

Các phương tiện này gồm tàu cuốc, cẩu quăng và tàu chở hàng hạng nặng. Trong số đó, có một tàu cuốc và một cẩu quăng đang khai thác cát từ lòng sông lên để nạp vào các tàu chở hàng.

dan dung keng bao dong chong cat tac cong khai cay xoi song lo
Điểm khai thác cát tại địa bàn giáp ranh giữa xã An Đạo, huyện Phù Ninh với tỉnh Vĩnh Phúc.

Như vậy, chỉ một đoạn sông dài khoảng 2km chảy qua địa bàn giáp ranh giữa huyện Phù Ninh (Phú Thọ) với tỉnh Vĩnh Phúc có tới 3 điểm khai thác cát với hàng chục phương tiện khủng trên sông. Chưa nói tới chuyện các điểm khai thác này có hợp pháp hay không, nhìn bằng mắt thường cũng thấy việc quá nhiều tàu tuyền tập kết trên một đoạn sông ngắn như vậy có thể gây cản trở, mất an toàn giao thông đường thủy.

Riêng tại xã An Đạo, khi chúng tôi tới UBND xã để tìm hiểu về điểm khai thác khoáng sản trên sông thì vị Trưởng Công an xã lớn tiếng, không làm việc với chúng tôi.

Cũng giống như xã Bình Bộ, nhiều người dân tại xã An Đạo tỏ ra lo lắng vì đất đai ven sông bị sạt lở. Họ cho rằng, tình trạng khai thác cát chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng sạt lở này.

Quá trình trò chuyện với nhiều người dân xã Bình Bộ và An Đạo về tình trạng khai thác cát khiến chúng tôi nhớ tới chia sẻ của ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị (hiện là Bí thư Thành ủy TP HCM) khi ông còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Cụ thể, ngày 5/4/2017, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp tại trụ sở UBND huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình giám sát chuyên đề về nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn toàn quốc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc đến sự việc chống “cát tặc” tại một tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, tại một địa phương của tỉnh này, “cát tặc” gây sạt lở đất đai, khiến nhân dân bức xúc.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại không xử lý. Vậy là, người dân địa phương phải tự lập thành từng nhóm để xua đuổi, ngăn chặn cát tặc, bảo vệ đất đai ven sông.

“Mặt trận chúng tôi thấy rất buồn khi thấy nhân dân phải tự tổ chức thành các đội tự vệ ra ‘chiến đấu’ với cát tặc. Tôi đã phát biểu để cả nước nghe thấy. Ở nơi đó thì Mặt trận phải vào cuộc, không thể để người dân đơn độc làm việc đó. Bây giờ có phải thời chiến tranh đâu mà để người dân phải tự tổ chức như thế.

Nhưng chính quyền địa phương không làm gì mà nhân dân phải làm. Người dân tay không ra thì làm sao ‘chiến đấu’ được với cát tặc? Nhưng họ vẫn phải làm vì đất thì lở, ruộng thì mất, ngủ không được, mà tình trạng kéo dài mãi, nói mãi không ai nghe,” ông Nhân nói.

Cũng liên quan đến nạn khai thác cát trái phép, ngày 21/5 vừa qua, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm của Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng và thể hiện sự bất bình trước nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép tiếp tục hoành hành ở một số địa phương; việc chặt phá, hủy hoại rừng tự nhiên vẫn diễn ra công khai ở một số nơi.

Cử tri và nhân dân cho rằng, những vụ việc trên xảy ra trong thời gian dài mà không được xử lý triệt để là có dấu hiệu của sự bao che, tiếp tay của một số cán bộ ở địa phương, là biểu hiện của ‘lợi ích nhóm’ và đề nghị cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV từ năm 2013 đến năm 2017, nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt.

"Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch một lần nữa đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm; xử lý nghiêm, kiên quyết hơn đối với những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, bao che cho các đối tượng vi phạm," báo cáo nêu rõ.

dan dung keng bao dong chong cat tac cong khai cay xoi song lo MTTQ Việt Nam vào cuộc, đại công trường bất thường trên sông Lô giảm công suất khai thác cát

Sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo làm rõ thì ...

dan dung keng bao dong chong cat tac cong khai cay xoi song lo MTTQ Việt Nam đề nghị tỉnh Phú Thọ làm rõ ‘đại công trường ma’ khai thác cát trên sông Lô

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị làm rõ ...

dan dung keng bao dong chong cat tac cong khai cay xoi song lo 'Đại công trường ma' khai thác cát trên sông Lô, chính quyền không hay biết?

Hàng chục phương tiện bao gồm tàu cuốc, tàu chở hàng, thiết bị nổi chở máy xúc... rầm rộ khai thác cát giữa sông Lô, ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.