Đề xuất cho Hà Nội, TP HCM mở cửa các loại hình kinh doanh đường phố

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đề xuất Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP HCM quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều nay, 22/4, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã đưa ra đề xuất một số quyết sách tiếp theo cho các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ sau ngày 22/4.

Đề xuất cho Hà Nội, TP HCM mở cửa các loại hình kinh doanh đường phố - Ảnh 1.

Chợ Bến Thành vẫn đóng cửa im ỉm sáng 22/4. (Ảnh: Phúc Minh).

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cho biết, tổng hợp các tiêu chí và phân tích tổng thể về dịch tễ học, đề xuất Hà Nội vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Kiến nghị Hà Nội tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm 1 tuần nữa, đến hết 30/4/2020. 

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch kiến nghị Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định theo thẩm quyền, việc mở cửa trở lại các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương, nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Nhóm nguy cơ gồm 3 tỉnh, thành phố là TP HCM, Bắc Ninh, Hà Giang.

Đối với nhóm có nguy cơ, Ban cũng kiến nghị Thủ tướng cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố, theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

59 tỉnh, thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp. Do đó, kiến nghị các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động. Tuy nhiên, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng.

Ngoài ra, các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các khu vực này.

UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm để phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch.

Đề xuất cho Hà Nội, TP HCM mở cửa các loại hình kinh doanh đường phố - Ảnh 2.

Nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP HCM đã bắt đầu mở cửa, dọn dẹp chuẩn bị cho ngày hoạt động trở lại. (Ảnh: Phúc Minh).

Chiều nay tại TP HCM, nhiều cửa hàng, hàng quán kinh doanh thời trang, sửa chữa xe, máy móc, nhà hàng, ẩm thực… cũng đã rục rịch dọn dẹp để sớm được mở cửa hoạt động trở lại. Các hàng quán này đã có đúng 3 tuần đóng cửa, thực hiện nghiêm việc cách li xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, riêng dịch vụ rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu vẫn chưa thấy có dấu hiệu sắp sửa hoạt động trở lại. Đây là nhóm dịch vụ mà TP HCM quyết định đóng cửa đầu tiên từ giữa tháng 3, để phòng chống dịch Covid-19.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.