Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không

Bộ Tài chính đề xuất quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện hành, tức giảm 30% đến hết ngày 31/12/2020, để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không.

Bộ Tài chính gửi công văn lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện hành, tức giảm 30% đến hết ngày 31/12/2020.

Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay - Ảnh 1.

Đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. (Ảnh: Tri thức trực tuyến).

Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít, đảm bảo nằm trong khung thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường.

Theo tính toán, số giảm thu ngân sách nhà nước ước tính khoảng 87,33 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế này sẽ giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 vẫn khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài.

Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí và được áp dụng đến hết ngày 31/12. 

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu có ý kiến tham gia gửi về Bộ Tài chính trước ngày 10/6/2020 để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay được quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế Bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít. Khoản thuế này tương đương 22% chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không. Tỉ lệ này có thể lên tới 50% nếu giá xăng dầu giảm sâu như thời gian qua.

Báo cáo của Cục Hàng không cho biết trong kì tháng 5, số chuyến bay của các hãng hàng không trong nước đều tăng mạnh so với tháng 4. Vietnam Airlines thực hiện tổng cộng 3.440 chuyến bay, tăng 126%, Vietjet tăng 95% với 3.584 chuyến. Bamboo Airways khai thác 1.007 chuyến, Jetstar Pacific 313 chuyến và Vasco 279 chuyến.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kì năm ngoái thì số chuyến bay của một số hãng vẫn giảm đến 70%, do người dân vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh và các đường bay quốc tế chưa được mở lại.

Vì vậy, ngành hàng không vẫn đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh Covid-19, nhất là khi các đường bay quốc tế chưa được nối trở lại do dịch vẫn phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết các hãng hàng không của Việt Nam đang phải hứng chịu tổn thất nặng nề, với thiệt hại dự tính 30.000 tỉ đồng. Ông Thắng dự báo thị trường hàng không trong nước sẽ cơ bản khôi phục và khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021. Và hiện nay là giai đoạn quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.