ĐHĐCĐ CII: Sắp nhận gói tín dụng gần 10.000 tỷ, tham gia đấu thầu dự án Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2

CII đặt kế hoạch năm nay với tổng doanh thu 5.155 tỷ đồng, tổng chi phí 4.673 tỷ đồng và lợi nhuận ròng (chưa trừ lợi thế thương mại) 469 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này đã đi lùi so với 731 tỷ đồng đạt được năm 2022.

Sáng nay (ngày 24/5), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII, mã chứng khoán: CII) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 lần 2, sau lần đầu tổ chức bất thành do không đủ số cổ đông tham dự.

 CII tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào sáng ngày 24/5. (Ảnh: HM).

Tập trung gia tăng dòng thu từ các dự án cầu đường và bàn giao BĐS

Tại đại hội, cổ đông CII đã thông qua kế hoạch tài chính năm nay với tổng doanh thu 5.155 tỷ đồng, tổng chi phí 4.673 tỷ đồng và lợi nhuận ròng (chưa trừ lợi thế thương mại) 469 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này đã đi lùi so với 731 tỷ đồng đạt được năm 2022.

Riêng với mảng bất động sản, CII dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 1.300 tỷ đồng trong năm nay, giảm 64% so với kết quả năm 2022. 

Công ty khẳng định hầu như sẽ không bị ảnh hưởng bởi các khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay do phần lớn các sản phẩm đã hoàn tất việc kinh doanh và sẽ bàn giao trong năm nay, tiến độ thu tiền cũng được thực hiện theo kế hoạch.

Năm nay, công ty sẽ bàn giao phần còn lại thuộc các dự án tại TP HCM như D'Verano (lô 3.2), The River (lô 3.15) tại khu Thủ Thiêm và khối căn hộ thuộc dự án 152 Điện Biên Phủ tại quận Bình Thạnh. 

Ngoài ra, sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công dự án Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) và bán hàng trong năm nay, cũng như giải phóng mặt bằng và san nền, thi công các trục đường chính tại dự án De Lagi (Bình Thuận).

 Danh mục BĐS của CII công bố tại đại hội. (Ảnh: HM).

Đối với mảng cầu đường, doanh thu từ mảng thu phí cho năm nay đạt khoảng 1.950 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022. Phần tăng thêm chủ yếu đến từ việc hợp nhất dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1), dự kiến từ quý III. 

CII cho biết sẽ tập trung triển khai thi công các dự án cầu đường như BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, BOT DT741 (giai đoạn 2), đồng thời hoàn tất thủ tục tăng giá vé các trạm thu phí Cà Ná (Ninh Thuận 2), Cổ Chiên và Rạch Miễu theo lộ trình trong hợp đồng BOT, dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng mức phí mới từ quý II và quý III. 

Công ty cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu các dự án mới có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng - 10.000 tỷ đồng, như dự án Đường trên cao, dự án Các nút giao trong TP HCM, dự án Cầu Thủ Thiêm 4,...

Đó cũng là các hoạt động chính trong kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2023 - 2028 của doanh nghiệp, bên cạnh việc nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực liên quan để có thể tận dụng lợi thế trong phát triển cơ sở hạ tầng, như vận tải, kho bãi, khu công nghiệp, trạm xăng dầu. 

Mục tiêu kinh doanh giai đoạn 2023 - 2032 của CII. (Nguồn: CII). 

 Nguồn: CII. 

Lên kế hoạch tăng vốn, giảm nợ

Tại đại hội, cổ đông công ty cũng thông qua các kế hoạch tài chính của công ty, trong đó có phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần, phát hành trái phiếu 4.500 tỷ đồng để nhằm đầu tư vào các đơn vị thành viên và đảo nợ trái phiếu .

Đối với gói 1, tổng giá trị phát hành là hơn 2.522 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện là 10:1, tức cứ mỗi cổ phần phổ thông mà cổ đông sở hữu sẽ có một quyền mua, cứ 10 quyền mua sẽ được mua một trái phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm nay.

Đối với gói 2, tổng giá trị phát hành là gần 1.978 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện là 20:1, tức cứ mỗi cổ phần phổ thông mà cổ đông sở hữu sẽ có một quyền mua, cứ 20 quyền mua sẽ được mua một trái phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến không quá 24 tháng kể từ ngày được ĐHĐCĐ phê chuẩn.

Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tập trung thu hồi vốn và lợi nhuận các khoản đầu tư thông qua việc bán cổ phiếu quỹ, thoái vốn tại CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII), đồng thời tập trung thanh toán các khoản vay đến hạn và trước hạn để tiết giảm chi phí lãi vay. 

Theo CII, nhu cầu góp thêm vốn chủ sở hữu vào các dự án đang triển khai sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước, do đó sẽ có thặng dư nguồn vốn lớn để hoàn trả toàn bộ các khoản nợ tài chính tại công ty mẹ. 

Việc gia tăng vốn chủ và giảm nợ nói trên cũng là bước chuẩn bị để tham gia vào các dự án mới với quy mô lớn, từ 10.000 tỷ đồng - 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn sau năm 2024.

 Tổng Giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình phát biểu tại đại hội. (Ảnh: HM). 

Đối với gói tài trợ gần 10.000 tỷ đồng mà công ty đã tiết lộ vào lần tổ chức Đại hội cổ đông thường niên lần 1, Tổng Giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình cho biết, hiện công ty đã nhận được quyết định chính thức đối với gói 2.400 tỷ đồng, còn gói 6.950 tỷ đồng còn lại, công ty hy vọng đến tuần sau sẽ có quyết định chính thức. 

Ông Bình cho biết thêm, tổ chức tài chính này nằm thuộc top 3 thị trường tài chính Việt Nam. Đến tuần sau khi có quyết định chính thức, công ty sẽ công bố tên tổ chức này.

Thảo luận: 

- Kế hoạch doanh thu năm 2023 trên 5.000 tỷ, ngoài doanh thu BOT 2.000 tỷ, còn lại 3.000 tỷ là từ đâu?

Ông Lê Quốc Bình: Riêng về BOT đã có 3.200 tỷ do hợp nhất dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, ngoài ra còn một ít dự án bất động sản sẽ bàn giao vào năm 2023, doanh thu khoảng 1.000 tỷ, phần còn lại là doanh thu xây dựng, hạ tầng nước.

- Việc cổ đông xem được tiền thu phí của CII online khi nào mới thực hiện được?

Ông Lê Quốc Bình: Đã triển khai rồi, tuy nhiên phải làm sao kết nối hệ thống với VETC mới đưa lên được. Sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất.

- Trung lương Mỹ thuận là một mình hay có hợp tác?

Ông Lê Quốc Bình: Công ty sở hữu 89%.

- Về việc cổ tức, cổ phiếu thưởng, đề nghị nhanh chốt danh sách chia cổ tức. 

Ông Lê Quốc Bình: Đối với việc chia cổ phiếu thưởng, Ban điều hành công ty cũng đang nỗ lực cho xong. Riêng vấn đề chia cổ tức bằng tiền, trong thời gian qua tập trung đưa các dự án về đích, do đó nguồn tiền của công ty cực kỳ khó khăn, dẫn đến khó khăn trong chia cổ tức. 

Ông Bình nói, công ty muốn chia nhưng nếu chia cổ tức tiền mặt lập tức thì được câu chuyện trước mắt nhưng hỏng câu chuyện lâu dài, thành ra áp lực đưa công trình về đích và giải ngân cho công trình đầu tư. 

Hiện các dự án đã về đích nên đã giảm bớt áp lực dòng tiền.  

- Tiền tri ân khách hàng, tại sao có người có, có người không có?

Ông Lê Quốc Bình: BTC làm việc với cổ đông để tìm hiểu lý do

- Khoản phải thu lãi suất là bao nhiêu? Có hiệu quả so với chi phí lãi vay mà công ty vay hay không?

Ông Lê Quốc Bình: Chắc chắn cao hơn, nhìn vào doanh thu tài chính cao hơn chi phí tài chính nên không có chuyện đi vay đắt và hỗ trợ rẻ.

- Cơ chế quản lý các công ty con, công ty liên kết đã hiệu quả chưa? Có chiến lược thoái vốn hay đầu tư thêm hay không?

Ông Lê Quốc Bình: Từ năm 2012, công ty xác định chiến lược, chuyển thành mô hình thành “holdings”. 

Công tác tổ chức quản lý các doanh nghiệp thành viên thông qua bổ nhiệm nhân sự chủ chốt đều là người của CII. 

Về dòng tiền, sau khi CII trở thành holdings, CII trở thành trung tâm điều phối dòng tiền giữa các đơn vị thành viên và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ như Năm Bảy Bảy không bị nợ quá hạn do được điều phối dòng tiền từ CII. Các đơn vị thành viên khác thông qua CII để hỗ trợ cho các công ty con. 

Ông Bình cho biết công ty sẽ thoái vốn SII do công ty đã đầu tư 10 năm nhưng nhận thấy thị trường hiện tại không tốt lắm.

Ngược lại, công ty sẽ đầu tư thêm vào Năm Bảy Bảy thông qua mua lại số cổ phần đã bán. Bên cạnh đó, công ty sẽ đầu tư tiếp tục vào các doanh nghiệp dự án. 

Hiện, công ty cũng đang đàm phán thương vụ đầu tư với một doanh nghiệp niêm yết trong cùng ngành hạ tầng. 

 

 Cổ đông tham gia thảo luận tại đại hội. (Ảnh: HM). 

- Kế hoạch kinh doanh đã bao gồm lỗ thoái vốn SII chưa?

Ông Lê Quốc Bình: Thoái vốn SII có lãi, bên mua đã trả 50%, trong năm nay sẽ thanh toán 50% còn lại. 

- Số tiền 9.500 tỷ dùng để làm gì, mỗi năm tiết kiệm được bao nhiêu chi phí lãi vay?

Ông Lê Quốc Bình: Mục đích của khoản vay này là để tái cấu trúc vốn của hai dự án quy mô lớn của CII. Việc vay tín dụng này được hai việc, thứ nhất là giảm chi phí lãi vay, thứ hai là được phép rút tiền song song với khoản vay ngân hàng theo tỷ lệ giữa nợ vay ngân hàng và vốn góp của CII. 

Trong đó, đối với việc thứ hai, ông Bình nhất mạnh, quan trọng là công ty sẽ có cơ hội làm Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 bằng nguồn vốn được chia từ dự án này giai đoạn 1. 

Dự án giai đoạn 2 có trị giá 5 tỷ USD, ông Bình cho rằng CII là doanh nghiệp duy nhất đủ khả năng tham dự đấu thầu dự án này. Tuy nhiên, nhu cầu gói thầu này đang rất cấp bách, nhanh lắm phải cuối năm 2024 mới bắt đầu tham gia dự thầu dự án này.

- Chia sẻ thêm về dự án 4.000 tỷ. 

Ông Lê Quốc Bình: Công ty không thi công, chỉ đầu tư. Hiện còn sớm quá để đề xuất dự án BOT mới và còn quá sớm để tiết lộ tên dự án.

- Công ty còn bao nhiêu đất ở Thủ Thiêm?

Ông Lê Quốc Bình: Công ty có 9,6 ha, đã khai thác 4,3 ha, còn 5,3 ha. Hiện đất đã là của công ty rồi, nhưng khi nào nhận được đất thực tế mà xây nhà ở để bán thì chưa thể trả lời

- Thời gian chốt đợt mua trái phiếu là khi nào? 

Ông Lê Quốc Bình: Dự kiến tháng 5 năm sau mới đóng tiền lần 2. 

- Nếu chuyển trái phiếu thành cổ phiếu, vốn điều lệ công ty sẽ lên 7.000 tỷ, kế hoạch kinh doanh 2024 - 2025 là bao nhiêu?

Ông Lê Quốc Bình: Lợi nhuận sẽ tăng lên tương ứng. Song, nếu ngày 2/11 không chốt được danh sách chuyển đổi thì sẽ dừng luôn để kế hoạch không bị vỡ. 

- Chốt phát hành trái phiếu chuyển đổi có điều chỉnh giá không?

Ông Lê Quốc Bình: Không điều chỉnh giá.

- Ban lãnh đạo có kế hoạch mua thêm cổ phiếu CII không?

Ông Lê Quốc Bình: Do quy định, từ đầu, Ban điều hành không ai có cổ phiếu CII. Nếu nói cá nhân có tiền để mua cổ phiếu CII thì khẳng định là không. Nếu có tiền tích tích lũy thì thỉnh thoảng mua, Ban lãnh đạo muốn mua thêm thì cũng lực bất tòng tâm.

- Công ty con CEE hủy niêm yết, cổ đông xin mua lại cổ phiếu CEE nhưng không được mua lại.

Ông Lê Quốc Bình: Đề nghị lên ban điều hành CEE, nếu không được, ông Bình sẽ đứng ra giải quyết trực tiếp cho cổ đông.

- Giá trị sổ sách CII tính thế nào? 

Ông Lê Quốc Bình: CII là đơn vị đầu tiên và duy nhất của cả nước xung phong áp dụng chuẩn mực IFIS, nhưng hiện chuẩn mực này chưa áp dụng, vẫn đang áp dụng theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. 

Cái của mình thì không được ghi vô của mình, nhưng cái không phải của mình thì ghi vô của mình, do đó báo cáo không thể hiện được hết giá trị doanh nghiệp, đơn cử như việc ghi nhận khoản lợi nhuận của cổ đông thiểu số, hay tại báo cáo không ghi nhận đất Thủ Thiêm nào của công ty. 

Việc chênh lệch giữa sổ sách và giá trị công ty báo cáo với cổ đông là do công ty báo cáo số “của mình”. 

- Tính khả thi dự án đường trên cao.

Ông Lê Quốc Bình: Quá khó, đường trên cao đi qua 5 quận và 1 huyện, khối lượng đền bù giải tỏa không dưới 20.000 tỷ, công ty có thể bỏ ra 28.000 - 29.000 tỷ để làm đường nhưng không thể bỏ ra 20.000 tỷ để đền bù giải tỏa vì tính rủi ro cao. 

Đối với các dự án PPP, CII chỉ tham gia dự án đã đền bù giải tỏa xong rồi mới đảm bảo chắc chắn được công trình về đích, còn nếu ôm giải tỏa thì không biết khi nào mới về đích. 

- Tổng nợ ngắn hạn và dài hạn khoảng 20.000 tỷ và sắp tới thêm khoảng 10.000 tỷ thì số, thêm phát hành trái phiếu nợ có thể lên 35.000 tỷ. Doanh thu chủ yếu từ thu phí thì so với nợ phải trả lãi thì có rủi ro nào tiền lãi ăn mòn lợi nhuận và doanh thu không đủ tiền trả lãi khong? Và có tiền chia cổ tức cổ đông không?

Ông Lê Quốc Bình: Về bản chất là không tăng nợ. Công ty có nguồn thu từ doanh thu BOT và không đầu tư gì cả nên dư sức để trả lãi

Bên cạnh đó, lưu lượng xe tăng trưởng theo thời gian, sau 3 năm điều chỉnh giá vé một lần, trong khi nợ vay giảm xuống. Do đó, càng ngày nợ phải trả sẽ càng giảm và giảm càng nhanh. 

Tag: