Từ 1/4 đến nay, ngay sau lệnh cách li xã hội, việc đình chỉ các dịch vụ taxi truyền thống cũng như taxi công nghệ để ngăn chặn lây lan dịch bệnh đã khiến hầu hết các tài xế rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất.
Nhiều tài xế mua xe trả góp nay không có doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo trả lãi, gốc với số tiền lớn mỗi tháng buộc họ phải đi đến quyết định bán xe để tránh nơi vào tình cảnh nợ xấu.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, 39 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội hiện đang là tài xế taxi Grab, cho biết anh vay 575 triệu đồng mua chiếc xe Toyota Innova đời 2017 bản 2.0E được hơn 2 năm nay, anh "cày ngày cày đêm" trả góp được 30% khoản vay.
Mỗi tháng anh phải góp hơn 8 triệu đồng, song từ giữa tháng 1 khách vắng dần và giờ là cấm hoạt động. Không có thu nhập trong khi bao nhiêu khoản tiền phải lo, tiền nuôi các con và nặng nhất là tiền lãi ngân hàng thời điểm này đã trở thành gánh nặng quá sức với anh.
“Tính khó khăn 1-2 tuần thì có thể xoay sở được, nhưng với tình trạng này dù Chính phủ có dỡ lệnh giãn cách xã hội thì chắc taxi cũng vắng khách, chẳng ai đi. Doanh thu không có, nợ thì vẫn phải trả, không xoay đâu được tiền nên tôi quyết định bán xe. Cũng may lúc vay không thế chấp tài sản bằng chiếc xe, nên giờ bán cũng dễ và không bị mất giá lắm”, anh Tuấn ngậm ngùi chia sẻ.
Được biết, anh Tuấn bán xe được gần 600 triệu, sau khi trả nốt khoản nợ còn lại anh dư được khoảng 100 triệu đồng.
"Hiện tại thời gian nghỉ tôi phụ vợ đưa cơm hộp cho công nhân công trình gần nhà. Tính sau đợt này cũng bỏ hẳn lái taxi, kiếm việc gì khác làm công ăn lương nhưng ổn định hơn cũng được", anh tâm sự.
Dù không phải là tài xế taxi nhưng lại chứng kiến cảnh một anh bạn của mình cùng phải bán "cần câu cơm" dịp này vì không lo được tiền trả nợ, anh Quân Nguyễn ở Long Biên, Hà Nội cho biết: "Qua 15/4 TP HCM, Hà Nội vẫn cấm xe công nghệ, taxi, xe khách hoạt động, thì xác định ngân hàng tha hồ đi kéo xe, mấy ai trụ nỗi nữa đâu. Nếu tài xế chỉ chạy dịch vụ dạng kết hợp với một nghề khác, hoặc có thâm niên, tài chính ổn định hơn thì có thể 'gắng gượng' qua dịch".
Theo anh Quân, với anh em làm nghề Grab thì 20-30% doanh thu tăng thêm thì để lo cho gia đình là chính. Phần doanh thu trước đó thì đã nằm hết trong chi phí, trả ngân hàng. Bạn anh là một ví dụ điển hình, khi chạy taxi công nghệ là nghề chính, gia đình đang ở hoàn cảnh rất khó khăn, không cầm cự được nên đành phải bán xe.
"3 năm trước bạn tôi mua xe Hyundai Grandi10 mới, thủ tục xong vào khoảng gần 500 triệu. Vậy mà đợt này bán được có 230 triệu - lí do xe mất giá hàng năm và càng ngày ô tô càng rẻ. Vậy là 3 năm chạy mỗi tháng trừ chi phí được lãi 10-11 triệu thì đập vào tiền bán xe bị lỗ gần 300 triệu sau 3 năm. Đấy là chưa kể khoản trả lãi ngân hàng hàng tháng nữa", anh Quân nói thêm.
Không chỉ những trường hợp cụ thể nói trên, dạo qua một số diễn đàn mạng, vào các nhóm hội lái xe taxi thông tin các tài xế rao bán xe vì khó khăn đợt dịch này cũng được đăng tải khá nhiều. Đơn cử như thông tin rao bán xe xe Hyundai Avante đời 2015 của một tài xế taxi chuyên chạy tuyến sân bay Nội Bài-Hà Nội cũng đặc biệt gây chú ý.
Ngoài rao bán xe qua các kênh mạng, nhiều chủ xe chọn showroom xe cũ để trao đổi bán lại vì bán ở đó thủ tục nhanh, tiền mặt cầm tay và đặc biệt là giá xe có thể được niêm yết theo thị trường xe cũ nên ít bị hớ giá.
Anh Nguyễn Phú, chủ một showroom chuyên mua bán ô tô cũ ở đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội cũng cho biết: "Từ giữa tháng 3 đến nay, chỗ tôi đã mua lại 4 chiếc xe thuộc trường hợp xe chạy dịch vụ bán lại. Đang thời điểm khó khăn, thị trường xe cũ chững lại nên giá mua vào cũng thấp hơn trên dưới 10% so với trước đó. Đang sẵn tiền tích lũy nên tôi cũng tranh thủ mua hy vọng sau bán lại được giá hơn".
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020