Cuộc đua ngăn chặn sự lây lan của virus corona có thể bị cản trở bởi tâm lí của người Mỹ lo sợ về các hóa đơn y tế đắt đỏ nếu họ được xét nghiệm. Những người lao động có thu nhập thấp sợ bị mất lương nếu họ nghỉ việc, và những tình huống khó xử tương tự khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước dịch bệnh hơn các quốc gia có bảo hiểm y tế và mạng lưới y tế dự phòng chắc chắn hơn.
Tờ Washington Post đưa tin, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe dự đoán rằng một số người đang bị cúm hoặc những người có thể bị phơi nhiễm corona, sẽ tránh chọn biện pháp đi xét nghiệm xem họ có bị nhiễm bệnh hay không. Lí do là vì họ không có bảo hiểm y tế. Người Mỹ không yên tâm với phần lớn chi phí chăm sóc sức khoẻ hiện hành.
Mặc dù nước Mỹ có các quỹ liên bang chi trả chi phí xét nghiệm virus corona nếu người xét nghiệm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm y tế công cộng liên bang, tiểu bang hoặc địa phương, nhưng điều này vô dụng khi các phòng thí nghiệm học thuật và thương mại tham gia.
Nếu chọn cơ sở y tế tư nhân, các hóa đơn phát sinh đều do người dân chi trả. Nếu có bảo hiểm, thì số tiền người đóng bảo hiểm phải trả trước khi được bảo hiểm thanh toán không hề thấp.
Ông Larry Levitt, Phó Chủ tịch điều hành chính sách y tế tại Kaiser Family Foundation, một tổ chức nghiên cứu về sức khỏe, cho biết: "Khấu trừ là thứ buộc người lao động phải suy đi nghĩ lại về quyết định đi khám khi bị bệnh. Khi một dịch bệnh bùng phát, việc người bệnh phải suy đi nghĩ lại về việc đi khám là điều cực kỳ nguy hiểm".
Hiệp hội kế hoạch bảo hiểm sức khỏe của Mỹ, cơ quan quản lí ngành bảo hiểm nước này, đã ban hành hướng dẫn có tên "Giữ cho người Mỹ an toàn khỏi virus corona". Tuyên bố nói rằng các công ty bảo hiểm đang theo dõi cẩn thận hệ thống và làm việc với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), để chia sẻ thông tin.
Nhưng tuyên bố trên không hề thúc giục các công ty bảo hiểm loại bỏ chi phí tự trả cho các xét nghiệm, hoặc thăm khám bác sĩ cho các bệnh về đường hô hấp.
Thomas Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết loại bỏ sự bất mãn về tài chính của người dân để được xét nghiệm corona cần phải đứng đầu danh sách các vấn đề mà các quan chức y tế liên bang cần phải giải quyết.
Theo ông Inglesby, ở các quốc gia khác, bao gồm phương Tây với các hệ thống chăm sóc sức khỏe do chính phủ tài trợ, đã không công khai đầy đủ các chiến lược thử nghiệm của họ. Nhưng ông nhấn mạnh: "Ở những nước mà chi phí xét nghiệm quá lớn như Mỹ, việc xác định người nhiễm bệnh là một thách thức lớn".
Ngay cả trước khi công tác xét nghiệm Covid-19 được phổ biến rộng rãi ở Mỹ, một vài trường hợp người bệnh hoặc có dấu hiệu phơi nhiễm kết thúc quá trình điều trị, xét nghiệm của mình với các hóa đơn y tế "cắt cổ" đã nổi đình nổi đám trên Twitter.
Ví dụ điển hình, một kĩ sư 29 tuổi ở Miami, Osmel Martinez Azcue, đã ở Trung Quốc để làm việc, trở về nhà trong một thời gian ngắn, sau đó bay đến Ý để nhận nhiệm vụ mới. Vào ngày 27/1, anh bị sốt ở sân bay Lisbon (Bồ Đào Nha). Về tới nhà, anh gọi điện cho một trung tâm y tế khẩn cấp và được thông báo chỉ 2 bệnh viện trong thành phố có thể thực hiện xét nghiệm.
Mẹ anh là thuyết phục anh cần phải đi xét nghiệm. Azcue lập tức đến bệnh viện công của Miami, Jackson Memorial. Tại đây, các nhân viên phòng cấp cứu đã đưa anh vào phòng cách li. Một y tá mặc đồ bảo hộ đã hỏi anh về những nơi anh từng lui tới, và một bác sĩ nói với anh rằng cần chụp CT.
Azcue thừa biết rằng gói bảo hiểm rẻ tiền mà anh đổi sang vào mùa thu năm ngoái sẽ yêu cầu anh phải trả trước 5.000 USD (hơn 116 triệu đồng). Vì vậy, Azcue yêu cầu bác sĩ trước tiên hãy cho anh xét nghiệm cúm thông thường, mà không tiến hành điều trị và nếu anh chàng bị nhiễm thì hãy gửi anh về nhà.
Chưa đầy hai giờ sau, anh chàng này rời bệnh viện với chẩn đoán nhiễm cúm thường và đơn thuốc Tamiflu trong tay.
Vào ngày lễ tình nhân, một hóa đơn đến từ Công ty bảo hiểm tổng hợp quốc gia (NGI) đã khiến Azcue sốc đến mức anh không đưa bạn gái của mình ra ngoài để ăn mừng. Hoá đơn này thông báo anh kĩ sư trẻ đang nợ 3.270,75 USD (gần 76 triệu đồng) trừ khi chứng minh được rằng anh không có tiền sử bệnh cúm.
Sau khi câu chuyện của anh xuất hiện trên trang Miami Herald, công ty bảo hiểm đã rút các yêu cầu hồ sơ vào cuối tuần trước, và thông báo rằng anh sẽ chỉ nợ 1.400 USD (32,5 triệu đồng) mà thôi!
Từ câu chuyện của Azcue, chuyên gia Inglesby nhận định chính phủ Mỹ cần phải miễn phí xét nghiệm virus corona chủng mới cho người dân, bao gồm các công đoạn xét nghiệm khác nhau.
Cho đến nay, các bác sĩ không nhận được quá nhiều cuộc gọi từ các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Đây là điều mà Robert McLean, Giám đốc y tế của một nhóm bác sĩ 400 bác sĩ ở miền nam Connecticut liên kết với Yale, ngày đêm lo lắng. Hệ thống y tế ở khu vực này được thiết kế các giao thức sao cho nếu ai đó bị ho, mọi người đều được hỏi liệu họ đã đến Trung Quốc hay các ổ dịch khác.
Nếu có bất cứ dấu hiệu gì, các bác sĩ sẽ nhận được cuộc gọi ngay lập tức.
Nhưng Scott Becker, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các phòng thí nghiệm y tế công cộng, cho biết ông đã suy nghĩ về khả năng của hệ thống y tế, khi vợ ông cảm thấy không khỏe. Họ đã đi đến một phòng khám chăm sóc khẩn cấp ở ngoại ô Maryland.
Khi đến nơi, ông chia sẻ: "Tôi nghĩ trong bụng: Sao mà lại đông thế này! Vợ tôi phải chờ tới hơn 90 phút để được khám bệnh. Điều gì sẽ xảy ra nếu dịch virus corona chủng mới bùng phát tại đây. Chắc chắn các trung tâm y tế sẽ quá tải nghiêm trọng".
Trong khi đó, giáo sư Cor Muff của Đại học Georgetown cho biết, những lo lắng liên quan đến công việc cũng có thể ngăn cản mọi người nghỉ làm để đi kiểm tra hoặc tự cách li ở nhà, nếu họ bị bệnh. Bà lưu ý rằng gần 1/3 số người lao động và hơn 2/3 số người lao động có thu nhập thấp, không được trả tiền cho những ngày bị bệnh.
"Các công nhân phục vụ thức ăn, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, cô văn thư… của chúng ta đều có thể đang nhiễm dịch mà lại không dám đi khám. Những mối lo ngại đó khiến họ mất ngủ hàng đêm", bà nói.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020