Biếng ăn luôn là “căn bệnh” của trẻ khiến không ít các mẹ bỉm sữa cảm thấy đau đầu và khó giải quyết. Cùng với xu hướng du nhập các phương pháp ăn dặm mới, vấn đề biếng ăn ở trẻ đã không còn nặng nề trong tâm lý của một số mẹ như trước. Nhiều mẹ cho rằng, trẻ sẽ ăn theo nhu cầu, cơ thể tự điều chỉnh. Song bên cạnh đó, một số mẹ vẫn cảm thấy lo lắng, sốt ruột khi phải đối mặt với tình trạng con biếng ăn.
Chị Kate và 2 con trai kháu khỉnh. |
Kate McCargar (tên Việt Nam là Trang, hiện sống tại Mỹ), một bà mẹ trẻ đã có 2 cậu con trai Bô (4 tuổi) và Bug (3 tuổi), đã nhiều lần trải qua khoảng thời gian con biếng ăn. Mẹ Trang cũng đã có những bài viết hữu ích chia sẻ với các mẹ bỉm sữa về vấn đề biếng ăn ở trẻ nhỏ. Cùng trò chuyện với bà mẹ 2 con về câu chuyện muôn thuở: biếng ăn ở trẻ.
- Chào chị Trang, ở thời điểm 2 bé ăn dặm, chị đã lựa chọn phương pháp nào cho Bô và Bug?
Mình áp dụng phương pháp ăn dặm chỉ huy cho bé thứ hai và phương pháp ăn dặm truyền thống cho bé thứ nhất.
- Chị có bao giờ trải qua thời kỳ phải đối mặt với khoảng thời gian biếng ăn của bé không?
Bé nhà mình cũng có lúc lười ăn. Gần đây nhất là bé thứ 2 cả 3 tuần trước cũng không ăn gì. Cả 3 tuần bé gần như bỏ bữa chính. Thời điểm đó hôm nào bé vui thì ăn 1-2 thìa xong là thôi, không ăn nữa, mẹ hỏi thì trả lời rằng không muốn ăn. Mình cũng cho nghỉ ăn luôn. Nhưng tới giờ ăn vặt hay uống sữa thì vẫn cho con ăn uống bình thường. Mấy hôm nay bé đã ăn uống trở lại cả bữa chính.
Trước đấy, mình hỏi con ăn không? Con ăn thì tốt. Không ăn thì thôi. Nhưng lúc nào bé không ăn cũng phải nói thêm với bé rằng, không ăn thì sau đói ráng chịu.
Mình chia sẻ một chút về bé Bug trước kia. Bé lớn nhà mình ăn nhuyễn đến 18 tháng. Sau đó bỏ bữa, không ăn. Thấy chén cháo hay cái gì nhuyễn là bé lắc. Quát doạ hay dụ dỗ gì cũng không hào hứng. Trong khi đó ăn vặt và uống sữa thì bình thường. Cứ như vậy đến khi 2 tuổi, mình chuyển qua cho ăn thô bữa chính. Bé chỉ ăn 1-2 miếng cơm nắm, rồi ăn trái cây. Rau củ và thịt cá không bao giờ đụng đến.
Hai bé nhà chị Kate có thời điểm biếng ăn kéo dài đến 3 tuần. |
- Khi bé vẫn rơi vào tình trạng biếng ăn, cảm xúc lúc đó của chị như thế nào?
Mình cũng sốt ruột. Nhưng mình không ép con ăn. Vì mình biết ngay từ đầu con không đói sẽ không muốn ăn. Bé đói sẽ đòi ăn những thứ bé thích.
- Phản ứng của người thân trong gia đình chị ra sao?
Bé gầy trơ hết xương sườn ra, họ hàng Việt Nam ai cũng chê mẹ không biết nuôi con, bỏ con đói. Nhưng khi mình nói chuyện với mẹ chồng và chồng thì cả 2 người kêu: “Nó có đói đâu, nó không ăn thịt cá như mình nhưng nó uống sữa đủ đạm đủ năng lượng rồi, nó cần gì thịt cá nữa. Kệ nó đi, khi nào có nhu cầu thì nó ăn, không phải lo.” Bữa mình vẫn mình vẫn nấu đủ món nhưng ăn thế nào thì tùy bé. Rồi một bữa mình hỏi con ăn thịt không? Bé chịu và lúc ấy thường xuyên ăn thịt nhưng không ăn rau.
- Theo chị, nguyên nhân khiến bé biếng ăn là gì?
Ở tuổi này thì chủ yếu là không đói không muốn ăn hoặc không thích món ăn đó, hoặc do cơ thể ngừng phát triển tạm thời nên không có nhu cầu nạp dinh dưỡng liên tục. Dù là kiểu gì thì cũng vẫn tuân theo nguyên tắc, đói là ăn, không ăn thì nhịn.
Chị Kate tuân theo nguyên tắc, đói là ăn, không ăn thì nhịn. |
- Chị nghĩ thế nào về việc ở Việt Nam, bé mà ăn ít, bỏ ăn dẫn tới còi khiến các mẹ đều sốt ruột, khủng hoảng tinh thần khi họ hàng gia đình nói "sao mẹ không ép cho con ăn"?
Mình không đồng ý. Trước mình cũng bị nói nhiều lắm nhưng mình quan điểm rằng con mình mình nuôi. Giờ cả hai bé đều được tự do trong ăn uống, đói thì ăn, cũng không ai dám nói mình nữa.
Bé Bug và mẹ Kate. |
- Chị có lời khuyên nào dành cho các bà mẹ Việt Nam khi đang phải đối mặt với việc con biếng ăn? Theo chị, các mẹ nên xử lý việc con biếng ăn như thế nào?
Các mẹ nên kiên nhẫn, chịu khó quan sát thói quen sở thích ăn uống của con. Để biết được thói quen ăn uống sở thích của con thì mình phải thay đổi theo chu kỳ, thỉnh thoảng mỗi chu kỳ mình thêm 1 thứ mới xem con phản ứng sao. Chỉ cần nhớ được tâm lý phát triển của trẻ nhỏ là được.
Cứ nhớ là bọn trẻ đang lớn, tâm lý không ổn định nên lúc thích lúc không. Nhiệm vụ làm mẹ là phải kiên nhẫn và tiếp tục thử đến khi nắm được cái lúc thích hoặc không thích của con. Không ép con ăn. Mình ép được một lúc nhưng không ép được cả đời.
- Định cư ở Mỹ đã lâu, chị thấy phương pháp chăm sóc trẻ ở Việt Nam và Mỹ khác nhau như thế nào?
Nếu nói về phương pháp ăn dặm thì không khác nhau nhiều lắm. Cho ăn thô sớm cũng có, cho ăn nhuyễn cũng có. Nếu nói về thái độ của cha mẹ khi con lười ăn lại khác. Cũng như ban đầu mình đã chia sẻ, các bé đói là ăn, không ăn nhịn, không ai ép hết.
- Cám ơn chị rất nhiều về cuộc trò chuyện này!