6 tháng đầu năm, GDP Đà Nẵng tăng 7,23%. Vốn đầu tư FDI đạt 0,04 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số CPI tăng 1,91% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, cùng với đà phục hồi của ngành du lịch cả nước, kết quả hoạt động du lịch tại cũng Đà Nẵng đã khởi sắc mạnh mẽ.
Theo số liệu của Cục Thống kê và Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tổng lượt khách của các cơ sở lưu trú ước đạt 1,33 triệu lượt, tăng 33,7% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt 58 nghìn lượt, bằng 69,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt 2.544 tỷ đồng, vượt gần 19% so với tổng doanh thu của cả năm 2021.
Sự phục hồi du lịch đã góp phần thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và vùng phụ cận thức giấc sau thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh.
Theo báo cáo mới công bố của DKRA Việt Nam, lũy kế 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận ba dự án mở bán sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, trong đó có một dự án mới và hai dự án thuộc giai đoạn tiếp theo.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất thấp so với các tỉnh thành khác. 103 căn biệt thự đã được cung cấp ra thị trường, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 54%.
Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 8 - 10% so với cùng kỳ do chi phí đầu vào, lạm phát tăng tạo áp lực lên giá bán. Một số dự án ghi nhận giá bán lên đến 131 tỷ đồng/căn.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ hầu hết tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín và có mức giá bán dao động từ 15 - 30 tỷ đồng/căn.
Thị trường tiếp tục xu hướng chia sẻ lợi nhuận thay vì cam kết lợi nhuận như trước đây. Các dự án được vận hành bởi thương hiệu quốc tế vẫn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của khách hàng nhằm đảm bảo lợi nhuận.
6 tháng đầu năm 2022, khu vực Đà Nẵng và vùng lân cận có 138 căn nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng mở bán từ giai đoạn tiếp theo của một dự án hiện hữu tại Quảng Nam. Con số này gấp đôi năm 2021 và chiếm tỷ trọng khoảng 6% trong tổng nguồn cung mới của cả nước. Đáng chú ý, 100% số sản phẩm này đã được giao dịch.
Theo DKRA Việt Nam, mặt bằng giá bán sơ cấp ở mức thấp so với các tỉnh thành khác như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh,… Loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tại thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận vẫn còn khá mới, phải cạnh tranh gay gắt với nhà phố/shophouse thương mại sở hữu lâu dài.
Phân khúc condotel tại Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận 177 căn mở bán trong nửa đầu năm. Các sản phẩm đến từ hai dự án, bao gồm một dự án mới và một dự án thuộc giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất thấp so với giai đoạn trước năm 2019.
Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 24%, tương đương 43 căn. Lượng tiêu thụ tăng không đáng kể, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Thừa Thiên Huế tiếp tục không ghi nhận giao dịch phát sinh.
Mặt bằng giá bán dao động từ 22 - 120 triệu đồng/m2, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thanh khoản thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ phần lớn tập trung vào những dự án đã bàn giao nhà và khai thác vận hành.
Những dự án do đơn vị quốc tế quản lý vận hành vẫn là điểm sáng thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Qua số liệu khảo sát, DKRA Việt Nam thống kê một số dự án có thể sẽ được đưa ra thị trường trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tình hình thị trường không thuận lợi hoặc phát sinh những vấn đề pháp lý nên các chủ đầu tư có thể kéo dài thời gian công bố.
Dự kiến phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng có khoảng 400 - 500 căn được đưa ra thị trường. Số lượng condotel có thể tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm, dao động khoảng 500 - 600 căn. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Dự báo sức cầu thị trường tăng nhẹ so với giai đoạn đầu năm, tuy nhiên khó có sự đột biến. Mức giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng tăng do áp lực chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất,... ngày càng tăng. Những dự án được quản lý vận hành bởi thương hiệu quốc tế 4 - 5 sao tiếp tục được khách hàng ưu tiên lựa chọn.