Gameshow ca nhạc trên truyền hình: Hết vòng đầu là nhạt dần

Không khó nhận ra trong các cuộc thi ca nhạc trên truyền hình gần đây, vòng thi đầu tiên thường tạo sức hút lớn nhất với khán giả.

Showbiz Việt đang "nở rộ" game show ca nhạc nhưng phần nhiều trong số đó chỉ thực sự gây chú ý ở vòng đầu tiên. Khi yếu tố giải trí được đặt ngang hàng chuyên môn, vòng đầu tiên luôn có nhiều sự bất ngờ, thú vị hơn cả để thu hút khán giả.

HLV trổ tài ăn nói

Sau nhiều mùa giải giảm dần sức nóng, Giọng hát Việt nhí 2016 "thay máu" hoàn toàn đội hình huấn luyện viên (HLV). Động thái này khiến lượng khán giả của chương trình tăng vọt. Trong đó, góp công không nhỏ phải kể đến Noo Phước Thịnh và Đông Nhi.

Với quyết tâm có được thí sinh tiềm năng nhất trong đội của mình, Noo tận dụng triệt để khả năng ăn nói biến hóa, lanh lợi. Anh cùng Đông Nhi năng nổ "chặt chém" nhau khiến trường quay luôn vui nhộn, hài hước.

Nhiều khán giả cho rằng sự hài hước của Noo đã "cứu sống" chương trình.

Tìm kiếm về chương trình trên mạng, nhiều kết quả top đầu đều liên quan đến sự hài hước của Đông Nhi, Noo Phước Thịnh. Sau vòng Giấu mặt, đoạn clip ghi lại những biểu cảm, lời nói hài hước của cặp đôi cũng được chia sẻ rầm rộ và thu hút lượt xem lớn.

Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Phương, Mỹ Tâm… cũng cho thấy sự hoạt ngôn của một HLV quan trọng thế nào trong việc lôi kéo khán giả.

Đó cũng là lý do, "ghế nóng" các chương trình thực tế ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt có khả năng ăn nói hài hước, lưu loát. Và chỉ có vòng đầu tiên, nơi các HLV phải dùng mọi "thủ đoạn" để lôi kéo thí sinh về đội của mình, khả năng ăn nói của họ mới được vận dụng triệt để.

Khai thác những câu chuyện đời tư

Một lý do khác khiến vòng đầu tiên thường sẽ hot hơn cả, đó chính là "gia vị" của những câu chuyện đời tư. Vòng đầu tiên của hầu hết cuộc thi hiện nay đều dành một thời lượng khá lớn để các thí sinh tâm sự chuyện cá nhân.

Nhờ đó, không ít câu chuyện như Hương Giang chuyển giới, Loki Bảo Long từng muốn tự tử, Yasuy đi thi để mua lợn cho cha mẹ, cô bé Thu Hiền mồ côi bố từ năm 11 tuổi… mới đến được tới khán giả và gây xúc động mạnh, góp phần tăng tỷ suất người xem.

Hoàn cảnh của Hồ Văn Cường giúp cậu bé nhận được nhiều sự yêu mến.

"Quy tắc ngầm" này được áp dụng trong cả những chương trình dành cho độ tuổi nhí. Trong đó, không thể phủ nhận chính hoàn cảnh nghèo khó, phải đi hát đám cưới để kiếm tiền ăn học của cậu bé Hồ Văn Cường đã giúp sân chơi Vietnam Idol Kids được chú ý nhiều hơn.

Với Sing My Song vừa kết thúc, việc "đính kèm" thông tin cá nhân cũng không tránh khỏi. Lê Thiện Hiếu là một thí sinh vượt qua mặc cảm chuyển giới, Ưng Đại Vệ bán hết nhà cửa vì vỡ nợ, Cao Bá Hưng là cháu đời thứ bảy của cụ Cao Bá Quát… là những trường hợp như thế.

Lê Thiện Hiếu chuyển giới là chi tiết được khán giả chú ý sau vòng đầu tiên.

Nhìn chung, khán giả hiện giờ dễ bị mủi lòng trước những hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Bởi vậy, các chương trình luôn thực hiện phóng sự về cuộc sống của các thí sinh trước khi họ trình diễn trong vòng đầu tiên cũng là điều dễ hiểu.

Không vượt qua cái bóng của vòng đầu tiên

Mỗi thí sinh khi đến với các sân chơi hầu hết là những nhân tố mới, do đó họ dễ dàng tạo tâm lý tò mò cho khán giả. Tuy nhiên, bước vào các vòng trong, khi sự mới mẻ đã nhạt đi, vượt qua được cái bóng của chính mình và tạo nên màu sắc mới là một thử thách khó khăn.

Những số phát sóng đầu tiên của Sing My Song được khán giả và truyền thông hết sức chú ý nhờ dàn thí sinh cá tính, mang hình tượng riêng, đột phá so với thị trường âm nhạc.

Thế nhưng, bắt đầu từ vòng 2, cuộc thi tỏ ra đuối sức. Những ca khúc ra đời sau này, hay cả tiết mục trong đêm chung kết đều gây thất vọng vì không giữ được hiệu ứng, thậm chí bị chê mờ nhạt, không còn mới mẻ.

Ngay cả tiết mục trong đêm chung kết của quán quân Cao Bá Hưng cũng không được đánh giá cao.

Vòng đầu tiên các thí sinh có nhiều cơ hội chuẩn bị kỹ càng, tư tưởng thoải mái. Nhưng bước vào vòng sau, họ thường bị áp lực hơn về mặt thời gian và tinh thần. Đó có thể xem như một phần lý do giải đáp tình trạng "đầu voi đuôi chuột".

Với Sing My Song, người chơi phải sáng tác ca khúc mới theo chủ đề có sẵn trong vòng 24h. Khán giả cho rằng thời gian hạn hẹp khiến việc sáng tác trở nên công nghiệp hóa, thiếu tính sáng tạo.

Thí sinh bị HLV lấn áp

Định hướng của các "bộ tứ quyền lực" cũng là điều đáng nói và là một trong trong những nguyên nhân hạn chế tư duy của thí sinh, từ đó dẫn đến tình trạng những vòng thi sau không còn hấp dẫn bằng phần đầu tiên.

Bước vào vòng thi thứ 2 đồng nghĩa với việc các thí sinh sẽ chịu sự dẫn dắt của các HLV mà họ chọn. Hầu hết HLV cũng là người chọn bài, dàn dựng toàn bộ tiết mục cho học trò.

HLV Thu Phương từng vấp phải khá nhiều chỉ trích về phía chọn bài chưa phù hợp trong Giọng hát Việt 2015. Sở hữu nhiều nhân tố mạnh như rapper Kimmese, ca nương Kiều Anh, Anh Duy… nhưng team Thu Phương không thể phát huy hết thế mạnh.

Có nhiều năm kinh nghiệm nhưng Thu Phương không được đánh giá cao khi đảm nhận vai trò HLV.

Kimmese bị đánh giá là mờ nhạt, không còn sự cá tính, mạnh mẽ ban đầu. Kiều Anh từ một ca nương nổi tiếng với khả năng hát ca trù làm say lòng người lại để lộ nhiều nhược điểm như hát nốt cao chói tai khi thể hiện một ca khúc không thuộc sở trường lại khá khó mang tên Huế thương ở đêm liveshow 1.

Đã nhiều lần khán giả đặt ra câu hỏi về vai trò của HLV khi không ít thí sinh có cá tính âm nhạc nhưng bước vào các vòng thi trong lại giảm dần phong độ, đánh mất màu sắc riêng.

Nhiều trường hợp thậm chí còn mang phong cách giống người dẫn dắt mình, ví dụ như các học trò của Đàm Vĩnh Hưng thường được dàn dựng sân khấu, trang phục màu mè, quá nhiều chi tiết giống hệt các đêm nhạc của nam ca sĩ.

Chia sẻ của HLV Lê Minh Sơn sau đêm chung kết Sing My Song cũng là một nhận định đáng chú ý. Theo anh, cuộc thi này đã kết thúc sau khi ca khúc Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu xuất hiện bởi không thể có ca khúc nào vượt qua được hiện tượng này. Và quả thực, dấu ấn của Thiện Hiếu đã dần mờ nhạt trong những vòng thi sau.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.