Thị trường giải trí Việt những năm gần đây đang bị “bão hoà” khi hàng loạt gameshow ca nhạc, hài kịch, tài năng… xuất hiện ào ạt với nhiều tham vọng từ các “ông trùm” sản xuất. Thế nên, bằng cách này hay cách khác, ngoài việc chiêu mộ tài năng mới thì việc tìm sức hút mới là “bài toán” không dễ dàng với các nhà sản xuất nếu muốn giữ rating trên giờ vàng, nâng cao việc doanh thu.
Chương trình Giọng hát Việt đang nằm trong tình cảnh tìm “chiêu bài” để giữ được sức hút sau 3 mùa. Nếu như mùa 1 được đánh giá là thành công nhất về mọi mặt, từ thí sinh, dàn HLV, sức hút truyền thông, thì mùa 2 và mùa 3 dường như “tụt dốc không phanh” khi không để lại ấn tượng gì. Điều này dẫn đến mùa thứ 4 đang theo tâm lý chung của số đông khán giả, sẽ lại trôi qua nhanh chóng.
4 Huấn luyện dù có đủ độ hot về truyền thông nhưng vẫn khó lòng cứu cánh cho chương trình đang có dấu hiệu nhạt dần. (Ảnh: CATS) |
Rõ thấy dù đã trải qua vòng Giấu mặt và những tập đầu tiên của vòng Đối đầu nhưng hiệu ứng trên cộng đồng mạng không nhiều so với mùa đầu tiên. Mặc dù năm nay dàn Huấn luyện viên có sự “trẻ hoá”, đều là những ngôi sao lớn có chất lượng về chuyên môn, lượng fans đông đảo và đủ sức tạo rating trên các trang báo, nhưng khán giả đang cảm giác “đuối” khi tìm ra điểm để ghi nhớ hay níu kéo họ bật tivi theo dõi chương trình.
1.Thiếu những hiện tượng mới
Mùa 1 được đánh giá rất thành công về truyền thông và hiệu ứng mạng xã hội, một phần do The Voice khi đấy là gameshow ca nhạc lần đầu du nhập về Việt Nam và là một trong những show truyền hình thực tế đầu tiên. Vì vậy, không ít gương mặt mới nhanh chóng tận dụng cơ hội để thực hiện ước mơ làm ca sĩ. Từ đấy, nhiều gương mặt tạo nên hiện tượng như “hoàng tử Ballad” Bùi Anh Tuấn, giọng ca 16 tuổi Hương Tràm, “bản sao Taylor Swift” Bảo Anh… Sang mùa 2, sân chơi này tiếp tục chiêu mộ và đánh mạnh về việc tìm ra những câu chuyện để “giật tít” trên báo chí như “hoàng tử R&B” Hoàng Tôn, ca nhạc sĩ Vũ Cát Tường, “bản sao Hương Tràm” Ngọc Trâm…
Bùi Anh Tuấn là một trong số ít các thí sinh để lại ấn tượng rất mạnh trong mùa The Voice đầu tiên, gây ảnh hưởng lớn với truyền thông, nhờ đó kéo được rating chương trình lên đỉnh. (Ảnh: CATS) |
Sang mùa 3, dường như câu chuyện tìm “hiện tượng” trở nên khó khăn, vì thế ngoại trừ chàng trai mũm mĩm Đức Phúc giành Quán quân, hầu như khán giả đều không gợi nhớ tới thí sinh nào.
Giọng hát Việt 2017 cũng đang lao theo vết xe đổ ấy khi thiếu những thí sinh đủ tầm gây ảnh hưởng đến cộng động mạng. Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài giọng ca phi giới tính Tùng Anh, khán giả khó lòng nhớ tên thí sinh nào, ngoại trừ những gương mặt cạ cứng được các HLV quyết liệt giành giựt và hứa hẹn đi sâu như Hiền Hồ, Ali Hoàng Dương…
2.Khán giả khó tính hơn với gameshow truyền hình
Khi đời sống tinh thần tăng cao, đồng nghĩa khán giả sẽ càng có ý thức tiếp nhận thông tin giải trí một cách văn minh, sạch sẽ và khó khăn hơn. Mùa đầu tiên thành công nhất vì chương trình vẫn còn mới toanh với đời sống khán giả, nhưng sau đó kém dần vì có quá nhiều “đối thủ cạnh tranh” với format mới, na ná hoặc có chút khác biệt. Lượng thí sinh gần như bị “khai thác” triệt để khiến khán giả ngao ngán khi họ tham gia liên tục các gameshow khác nhau. Chưa kể, trào lưu Bolero nở rộ trên mọi mặt trận, tạo món ăn tinh thần mới nên các chương trình âm nhạc trẻ kén khán giả theo dõi.
3.Khán giả “sính ngoại”, so sánh gameshow Việt
The Voice du nhập về Việt Nam chỉ mới 4 mùa, nhưng ở Mỹ đã trải qua 12 mùa với sức hấp dẫn riêng. Khán giả trẻ mê nhạc ngoại cũng bị ảnh hưởng bởi văn hoá nghe nhạc Âu Mỹ, đó là lý do vì sao dù đã 12 mùa trải qua nhưng The Voice USA vẫn có lượng khán giả trung thành theo dõi trên nhiều đất nước.
The Voice Mỹ chưa bao giờ hạ nhiệt dù đã trải qua 12 mùa. (Ảnh: Bustle) |
Tại Việt Nam, hầu như mỗi mùa The Voice Mỹ đều đón nhận sự chú ý lớn từ dân mạng, họ chuyền tay nhau những clip ngắn dự thi của các thí sinh với sự tán thưởng cho giọng hát.
Với phiên bản Việt, khán giả khó tính hơn khi tiếp nhận, đặt ra những so sánh với phiên bản gốc, từ cách chọn HLV đến cách hát của các thí sinh. Ở mùa đầu, Giọng hát Việt từng tạo ra nhiều tranh cãi khi có quan điểm thí sinh Việt tham gia sân chơi thuần Việt nhưng sử dụng nhạc ngoại quá nhiều, thấy rõ lỗ hổng trong cách phát âm, dễ so sánh với nhiều ngôi sao ngoại quốc… Những năm sau đó, chương trình có sự tiết chế trong cách chọn bài nhưng vẫn không khỏi cái bóng so sánh của phiên bản gốc.
4.Văn hoá bầy đàn và cái nhìn cứng nhắc với chiếc “ghế nóng”
Năm nay, chương trình có dấu hiệu nhạt dần một phần do cách tạo ra dư luận của BTC khi đặt để những chiếc ghế nóng cho nghệ sĩ trẻ như Đông Nhi, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh. Nhiều sự tranh cãi khi nghệ sĩ trẻ lại “cầm trịch” việc huấn luyện cho nhiều giọng hát tiềm năng, thậm chí còn được đánh giá là vượt trội về kỹ thuật so với HLV. Chính những luồng thông tin đầu tiên gây tranh cãi, những tưởng tạo hiệu ứng tốt cho mùa 4, nhưng hoá ra khiến khán giả e dè khi chọn lựa chương trình theo dõi. Dư luận trên mạng xã hội đã có ý kiến “tẩy chay” chương trình khi vừa đón nhận thông tin về dàn HLV đậm chất giải trí, đưa ra quan điểm họ thiếu chuyên môn đánh giá.
Các HLV năm nay có sự đầu tư hình ảnh rất mạnh cho các thí sinh nhưng khán giả vẫn khó tiếp nhận. (Ảnh: NVCC) |
Xét một cách khách quan, việc mang làn gió mới cho Giọng hát Việt 2017 cho thấy sự tiếp cận của nhà sản xuất đến các đối tượng khán giả trẻ hơn, khám phá giọng ca trẻ phù hợp tính chất giải trí của mùa năm nay. Nhưng có lẽ việc cứng nhắc vì sự ưa thích của khán giả khiến sự trẻ hoá của The Voice năm nay kém hiệu quả.
Giải trí 23:02 | 04/06/2017
Giải trí 16:04 | 04/06/2017
Giải trí 01:20 | 03/06/2017
Giải trí 04:26 | 10/05/2017
Giải trí 07:00 | 04/04/2017
Giải trí 08:30 | 03/04/2017
Giải trí 23:00 | 20/03/2017
Giải trí 23:48 | 15/03/2017