Hà Nội ban hành qui định mới về đấu giá đất

Qui định mới về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP Hà Nội chính thức có hiệu lực từ ngày 30/11/2020.
Hà Nội có qui định mới về đấu giá đất - Ảnh 1.

Hà Nội ban hành qui định mới về đấu giá quyền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 30/11/2020. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định về Ban hành qui định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2020.

Theo qui định mới, việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc theo qui định tại Điều 117 Luật Đất đai.

Cụ thể: Đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá theo qui định tại Điều 6 Luật Đấu giá tài sản.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản.

Quĩ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất là quĩ đất theo qui định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 14 ngày 4/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp qui định về tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

Cụ thể, gồm: Đất Nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo qui định tại Điều 62 Luật Đất đai; thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai theo qui định tại khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai; thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất theo qui định tại các điểm a, b, с và d khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai.

Đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; Đất do UBND xã, phường, thị trấn; Tổ chức phát triển quĩ đất được giao quản lí mà Nhà nước chưa giao hoặc cho thuê để sử dụng theo qui định của pháp luật,...

Quyết định mới của UBND TP Hà Nội cũng qui định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.

Cụ thể, Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các trường hợp theo qui định tại khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai; Việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện đối với từng thửa đất. 

Thửa đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo qui định tại khoản 1 Điều này phải có từ hai người đăng kí tham gia đấu giá, hai người tham gia đấu giá và hai người trả giá trở lên.

Trường hợp đưa ra đấu giá nhiều thửa đất trong cùng một đợt được thực hiện theo qui định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp thửa đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo qui định tại khoản 1 Điều này mà không có người đăng kí tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người đăng kí tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người trả giá hoặc đấu giá ít nhất là hai lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Thửa đất được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải bảo đảm các điều kiện qui định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai, khoản 1 Điều 8 Luật Đấu giá tài sản.

Cụ thể: Thửa đất đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của quận, huyện, thị xã được UBND TP phê duyệt; Đã hoàn thành công tác GPMB, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước; Đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.

Được biết, Quyết định này thay thế Quyết định số 4 ngày 24/2/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành Qui định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP Hà Nội.

Xem chi tiết: Thông tin mới nhất về đấu giá đất ở Hà Nội

Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tham gia đấu giá?

Chia sẻ tại tọa đàm "Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Xu hướng dẫn dắt dòng tiền" diễn ra sáng 25/11, ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Flamingo Land cho biết, trước đây, việc phát triển dự án dựa trên hình thức chủ trương chấp thuận đầu tư, sau đó là quyết định giao đất và doanh nghiệp sẽ song hành cùng phát triển dự án.

Nhưng hiện nay, theo các qui định mới, bắt buộc phải có đấu giá, bắt buộc doanh nghiệp phải bỏ ra một lượng tiền lớn để đấu giá. Đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm đối với các công ty phát triển dự án.

Cụ thể, theo ông Quý, đối với các doanh nghiệp có dòng vốn rất lớn thì việc đấu giá rất tốt, ưu điểm là đất sạch, chính quyền địa phương sẽ giúp giải phóng mặt bằng và đấu giá. 

Nhưng nhược điểm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tham gia vào thị trường phát triển các dự án thì lại gặp khó khi không có dòng tài chính tốt để tham gia đấu giá các dự án. 

"Vì vậy, hiện nay các hành lang phát luật, hành lang liên quan đến phát triển đầu tư các dự án đang rất vướng, dẫn đến khó khăn cho các chủ đầu tư phát triển các dự án mới. Đây là một trong những vấn đề chúng ta cần nhìn nhận. Hầu hết các doanh nghiệp đều vấp phải các thủ tục liên quan tới xúc tiến đầu tư", ông Quý cho hay.

Cũng theo vị này, có nhiều dự án mà chủ đầu tư đã tiến hành phát triển trước đó nhưng đến nay vẫn vấp phải những luật về đấu giá. "Đây là trở ngại lớn trong phát triển bất động sản trong vài năm tới nếu như không có sự thay đổi trong Luật đầu tư", Giám đốc Flamingo Land nói

Xem thêm: Danh sách chi tiết 1.484 dự án đấu giá đất tại Hà Nội trong 3 năm tới

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.