Hạnh phúc vẹn toàn của cô gái vừa lấy chồng vừa lấy bạn gái

Với những phụ nữ đồng tính, thì kết hôn giả được coi là cách tốt nhất để xoa dịu gia đình và từ đó sống chung với giới tính thật.

Những cuộc “kết hôn đôi bên cùng có lợi” của người đồng tính

Ở Trung Quốc, những cô gái đến tuổi lấy chồng bị áp lực rất lớn từ phía gia đình. Vậy với những phụ nữ đồng tính, áp lực đó khủng khiếp đến mức nào? Ou Xiaobai, một phụ nữ đồng tính, 32 tuổi đến từ Bắc Kinh đã chia sẻ về cuộc kết hôn giả giúp cô làm vừa lòng bố mẹ, vừa bảo vệ được sự tự do của mình.

Ou kể lại, vì muốn bảo vệ và chung sống trọn đời với bạn gái nên Ou đã kết hôn với một người đàn ông vào năm 2012. Cô cho biết thời điểm đó cô đang sống rất hạnh phúc với bạn gái ở thủ đô Bắc Kinh, tuy nhiên bố mẹ ở thành phố Đại Liên liên tục gây áp lực buộc cô phải lấy chồng.

Cô nói trường hợp của cô có lẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu ở vào thời điểm 10 năm trước. Khi đó các thông tin về đồng tính luyến ái chưa nhiều, do đó người ta cũng ít quan tâm và bàn tán về điều này.

Bố mẹ Ou luôn hỏi cô đã bắt đầu hẹn hò với ai chưa. Tình hình trở nên tồi tệ khi bố Ou mất, mẹ cô quyết định chuyển đến ở cùng con gái vài tháng trong năm.

hanh phuc ven toan cua co gai vua lay chong vua lay ban gai
Cô Ou Xiaobai (phải) và bạn gái, cô Yi. (Ảnh: BBC)

Nhận ra không cách nào giải quyết vấn đề, Ou đến nhờ bạn gái giúp đỡ và sau đó cô mới biết đến khái niệm “hôn nhân đôi bên cùng có lợi”.

Ou gặp gỡ chồng thông qua một người bạn. Cô gái mô tả anh là một người đàn ông lịch thiệp và anh ấy cũng đang chung sống với bạn trai nhiều năm mà vẫn chưa thể công khai giới tính.

“Kết hôn giả là quyết định đúng đắn”

Ou đã nói như vậy khi được hỏi về chuyện kết hôn giả nhằm che mắt bố mẹ. Tại đám cưới của Ou, bạn gái cô làm phù dâu kiêm trang điểm và tư vấn chọn váy cưới cho cô.

“Bạn gái của tôi và bạn trai của chồng tôi đều rất vui vẻ và ủng hộ quyết định này. Mặc dù đây là cuộc hôn nhân vì lợi ích cá nhân, nhưng cả 4 người chúng tôi đều rất hòa hợp và cùng nhau tổ chức đám cưới”, Ou kể lại.

Nhìn thấy nét mặt hạnh phúc, rạng rỡ của gia đình, Ou mới hiểu rằng cô đã quyết định đúng đắn. Chỉ có cách kết hôn giả, mới có thể làm vừa lòng mọi người. “Gia đình tôi mãn nguyện vì biết rằng sẽ có một người chăm sóc tôi khi họ qua đời, và chồng tôi cũng không bị các đồng nghiệp hối thúc đi hẹn hò với cô gái khác nữa”, Ou nói.

hanh phuc ven toan cua co gai vua lay chong vua lay ban gai
Cô Yi làm phù dâu kiêm trang điểm và chọn váy cưới cho cô Ou. Cả hai đều rất hạnh phúc với quyết định kết hôn giả này. (Ảnh: BBC)

Ban đầu, vợ chồng cô Ou cùng nhau đến thăm gia đình 2 bên vào những dịp lễ truyền thống. Ou cũng luôn đi cùng chồng trong những bữa tiệc của công ty. Vài năm sau đó, khi gia đình và đồng nghiệp 2 bên đều tin vào cuộc sống yên ấm của vợ chồng cô, họ hiếm khi buộc phải đối xử với nhau như một cặp vợ chồng đúng nghĩa. Cả cô Ou lẫn người chồng đều quay lại sống chung với người yêu. Thỉnh thoảng, cả 4 người cùng nhau đi ăn tối và trở thành những người bạn tốt.

Sau khi Ou kết hôn, một vài người bạn đồng tính đến gặp Ou hỏi xin lời khuyên. Khi đó, Ou cùng bạn gái mới biết rằng ngoài kia có rất người đồng cảnh ngộ với họ và cần sự giúp đỡ. Không chỉ là 70 triệu người đồng tính ở Trung Quốc mà cuộc sống của hàng triệu phụ nữ bình thường có nguy cơ bị hủy hoại khi kết hôn nhầm đàn ông đồng tính.

Sau đó, cô Ou và người yêu cùng nhau thành lập một dịch vụ trên mạng xã hội với tên gọi iHomo. Trong suốt một năm, họ tổ chức hơn 80 sự kiện và giúp khoảng 100 cuộc hôn nhân giả diễn ra. Hiện tại, họ đang chuẩn bị cho ra mắt ứng dụng này trên điện thoại.

Ou cho biết cô hiểu rằng, đối với nhiều người “hôn nhân đôi bên cùng có lợi” có thể biến thành cơn ác mộng. Đặc biệt là khi người thân, gia đình sống cùng thành phố, bất ngờ đến thăm và phát hiện ra sự thật.

hanh phuc ven toan cua co gai vua lay chong vua lay ban gai
Cả hai tin rằng xã hội Trung Quốc sẽ có cái nhìn khoan dung hơn với cộng đồng LGBT. (Ảnh: BBC)

Một áp lực khác nặng nề không kém là câu hỏi: “Khi nào 2 người có con?”. Nếu vợ chồng “giả” quyết định thụ tinh trong ống nghiệm thì những vấn đề phức tạp khác lại xuất hiện. Khi đó hai người buộc phải chung sống với nhau và cùng nuôi dạy con cái. Như thế thì chỉ càng làm cho mọi chuyện phức tạp thêm.

Đến nay, vợ chồng cô Ou vẫn có thể xoay sở để né tránh vấn đề này. Hiện tại, họ đang tập trung tìm chồng cho cô Yi (bạn gái của cô Ou).

Thực ra, gia đình Yi đã biết giới tính của con gái cũng như mối quan hệ giữa Yi và Ou. Tuy nhiên, họ vẫn sợ những họ hàng khác biết được.

Hai người phụ nữ hiểu rằng đến một lúc nào đó, sự thật sẽ phơi bày. Nhưng cô Ou tin rằng xã hội Trung Quốc sẽ có cái nhìn khoan dung hơn với cộng đồng LGBT (người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới). Từ đó mẹ cô sẽ chấp nhận sự thật về giới tính của con gái trong tương lai.

Cô Ou và bạn gái muốn xã hội thấu hiểu họ nhiều hơn, nhưng không phải bằng cách lên tiếng và thể hiện. Hai người muốn dùng hôn nhân giả để xoa dịu những xung đột và giúp những người đồng tính sống cuộc sống mà họ muốn. Dù biết rằng đây là điều cực kỳ khó khăn nhưng hai người phụ nữ trẻ khẳng định họ sẽ chiến đấu cho những gì họ tin tưởng và tiếp tục bước về phía trước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.