Lỗ 3,2 tỉ USD vì Covid - 19, Starbucks vẫn lên kế hoạch mở gần 1.000 cửa hàng mới để kéo khách quay trở lại

Song song với việc đóng cửa hàng trăm địa điểm kinh doanh truyền thống do làm ăn không hiệu quả, Starbucks bắt tay xây dựng thêm 800 cửa hàng kiểu mới, với hi vọng kéo khách trở lại sau dịch Covid - 19.

Starbucks dự tính đại dịch Covid - 19 có thể khiến doanh thu trong quý này sụt giảm tới 3,2 tỉ USD, kéo theo hiệu suất của chuỗi cửa hàng cà phê xuống thấp và sự phục hồi sớm nhất là trong năm sau.

Starbucks cũng giống như những doanh nghiệp khác, đang loay hoay tìm đường đi trong dịch Covid - 19. Chuỗi đồ uống nhấn mạnh vào những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, từ sự bùng phát Covid - 19 và tình trạng phong toả trên toàn thế giới.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư 11/6, cổ phiếu của Starbucks đã giảm 4,7%, mức giảm cao nhất trong hơn 1 tháng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Starbucks đã giảm tới 6,3%.

Chuỗi cà phê toàn cầu cũng đã hạ thấp triển vọng cho năm tài khoá 2020, với lí do chịu những tác động từ cuộc khủng hoảng Covid - 19. 

Doanh số bán hàng trong cả năm 2020 dự đoán sẽ chỉ tăng từ 3- 4% so với cùng kì năm ngoái.

Lỗ 3,2 tỉ USD vì Covid - 19, Starbucks vẫn lên kế hoạch mở thêm gần 1.000 cửa hàng mới để kéo khách quay trở lại - Ảnh 1.

Starbucks bắt tay xây dựng thêm 800 cửa hàng kiểu mới với hi vọng kéo khách trở lại sau dịch Covid - 19. (Ảnh: Thiên Trường).

Theo Starbucks, tại Mỹ - thị trường quan trọng nhất, doanh số đã giảm 43% trong tháng 5, mặc dù mọi thứ đang được cải thiện qua mỗi tuần.

Một thị trường trọng điểm khác của Starbucks là Trung Quốc cũng ghi nhận mức doanh số giảm 21% trong tháng 5, mặc dù 99% cửa hàng tại đây đã hoạt động trở lại, phục hồi sau đại dịch.

Trong bối cảnh đó, ông trùm bán lẻ cà phê đang xây dựng những mô hình kinh doanh mới để kích thích nhu cầu của khách hàng, khiến họ phải sẵn lòng rời khỏi nhà và mở ví mua cà phê khi đại dịch giảm.

Theo dữ liệu được công bố, mặc dù doanh số giảm tuy nhiên khách hàng đến với Starbucks trong đại dịch đang chi nhiều tiền hơn so với bình thường, bởi một hoá đơn hiện tại đang bao gồm nhiều loại đồ uống hơn.

Tuy nhiên, đó không phải là động lực tăng trưởng hay thông tin tích cực, và tình trạng đột biến này sẽ trở lại bình thường theo thời gian.

Do vậy, Starbucks đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc triển khai mô hình cửa hàng "pickup" (tạm dịch: mua trực tuyến nhưng nhận tại cửa hàng), với các cơ sở kinh doanh nhỏ hơn và hoàn toàn không có chỗ ngồi dành cho khách hàng.

Tại Mỹ, để duy trì hoạt động trong đại dịch, hơn 15.000 cửa hàng Starbucks đã chuyển sang kinh doanh bằng các dịch vụ như giao hàng tại nhà, bán đồ uống mang đi, bán hàng bằng xe tải lưu động,…

"Lúc đầu chúng tôi đã lên kế hoạch thực hiện chiến lược này trong khung thời gian từ 3-5 năm, việc thay đổi thói quen của khách hàng đã thúc đẩy nhu cầu về loại hình cửa hàng mới này", đại diện Starbucks cho biết.

Tuy nhiên, đại dịch Covid - 19 đã buộc Starbucks suy nghĩ lại về mô hình mà hãng luôn theo đuổi, đó là biến Starbucks trở thành một nơi chốn thứ ba, ngoài nhà và văn phòng làm việc, để giúp khách hàng thư giãn.

Theo đó, Starbucks dự kiến sẽ mở thêm 300 cửa hàng theo mô hình mới ngay trong năm tài chính này tại châu Mỹ, chiếm một nửa so với ước tính trước đó.

Tại Trung Quốc, công ty cũng cho biết họ đang đi đúng hướng để mở thêm 500 cửa hàng mới, bất chấp tác động từ dịch bệnh.

Song song với việc mở thêm các cửa hàng theo mô hình mới, hãng cũng sẽ đóng 400 cửa hàng truyền thống trong 18 tháng tiếp theo.

Tại Canada, Starbucks cũng đang lên kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh ở đây trong vòng 2 năm tới, với việc 200 cơ sở bán hàng sẽ phải dừng hoạt động.

Có thể thấy, ông lớn ngành đồ uống đang thực hiện các bước đi cần thiết để phục hồi và tìm lại cảm giác tăng trưởng, sau một thời gian dài các hoạt động kinh doanh bị đóng băng và chịu tổn thất nặng nề trong đại dịch.

"Tất cả các dấu hiệu đều rất tích cực và chúng tôi vẫn lạc quan", CEO Kevin Johnson viết trong một bức thư gửi các bên liên quan.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến về về phía trước, cho dù các hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều điều không chắc chắn, và bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bên ngoài, như những biện pháp cách li xã hội của chính quyền địa phương".

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.