Zing trích dịch bài đăng từ Time, đề cập đến dự đoán của nhà virus học Nathan Wolfe về những thay đổi của thế giới hậu đại dịch Covid-19 nhằm đối phó với những hiểm họa mới trong tương lai.
Thật đáng lo ngại khi chúng ta nhận ra rằng Covid-19 không phải là đại dịch tệ nhất và cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. Đây mới chỉ là lời cảnh báo tới nhân loại để thay đổi lối sống và tìm cách khác bảo vệ bản thân hiệu quả hơn.
Nếu loài người chấp nhận thay đổi cách sống trong tương lai, việc buôn bán động vật hoang dã sẽ được loại bỏ nhằm ngăn chặn phần lớn dịch bệnh ngay từ bước đầu. Đa số các dịch bệnh bắt nguồn từ chúng. Lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã sẽ hạn chế sự xuất hiện của chúng tại các thành phố lớn dày đặc người.
Việc ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã không loại bỏ được hoàn toàn sự tiếp xúc của loài người với virus đến từ vùng hoang dã. Tuy nhiên, các nhà virus học đang tìm kiếm và nghiên cứu nhiều dịch bệnh nhất có thể. Họ ước tính rằng những loài động vật hoang dã mang khoảng 750.000 loại virus có khả năng lây nhiễm cho người.
Nhiều dự án quốc tế đã được triển khai và bước đầu có những kết quả nhất định. Nhờ đó, loài người có thể chủ động phòng ngừa và chống lại dịch bệnh.
Dự án toàn cầu Virome (GVP), được hình thành từ năm 2016 tại Mỹ, cam kết sẽ cung cấp kiến thức chi tiết về các loại virus có thể gây ra đại dịch trong tương lai, giống như những gì Dự án nghiên cứu bộ gen người đã cống hiến cho ngành y học.
Liên minh Sáng kiến Phòng chống dịch bệnh (CEPI), được thành lập năm 2016, sẵn sàng huy động hàng trăm triệu USD để phát triển các vaccine sẵn sàng cho tương lai. Đồng thời, CEPI sẽ lưu trữ bộ thông tin di truyền của 750.000 loại virus gây bệnh nhằm rút ngắn thời gian chế tạo vaccine khi bất kỳ đại dịch nào xuất hiện.
Không chỉ vaccine mà tiền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Trong tương lai mới của nhân loại, chỉ cần xuất hiện một vài trường hợp nhiễm bệnh mới, ngay lập tức tiền sẽ được “giải phóng” để kiểm soát dịch bệnh từ bước đầu tiên, thông qua các chính sách bảo hiểm. Đồng thời, các quỹ chuyên dụng được kích hoạt và đáp ứng nhanh những phương án phòng, chống dịch bệnh.
Nhìn lại hiện tại, những hạn chế tài chính nghiêm trọng sẽ khiến lãnh đạo các quốc gia khó có thể ứng phó kịp thời với sự bùng phát dịch bệnh. Chính sự chần chừ này khiến đại dịch càng khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, đa phần các công ty ngày nay phụ thuộc vào môi trường làm việc tại trụ sở, văn phòng. Vì vậy, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, họ hoàn toàn bị động và mất kiểm soát, khiến tình trạng thất nghiệp diễn ra tràn lan.
Ở tương lai sau này, nhiều công ty sẽ có đội ngũ an ninh chuyên về dịch bệnh. Họ sẽ kiểm tra sức khỏe của nhân viên, đánh giá và xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro nếu dịch bệnh tác động. Đối với một số thảm họa tự nhiên khác như bão, động đất, sóng thần… các công ty có sẵn bảo hiểm và kế hoạch phục hồi. Họ biết cách bảo vệ mình khỏi những sự kiện thảm khốc.
Trong thời gian tới, hộ chiếu điện tử sẽ được đưa vào sử dụng. Chúng ta không cần e ngại về độ bảo mật của nó. Nếu loài người tin tưởng một vài ứng dụng trên điện thoại đủ an toàn để lưu trữ và sử dụng thông tin thẻ tín dụng, hộ chiếu điện tử chỉ là chuyện nhỏ.
Ngoài ra, hộ chiếu điện tử sẽ được liên kết với các kết quả xét nghiệm, tình trạng bệnh lí của mỗi cá nhân, và kiểm tra những loại vaccine họ đã tiêm phòng. Hệ thống mới này sẽ giúp xã hội trở lại trạng thái bình thường, đồng thời cung cấp cho quan chức y tế mọi quốc gia thông tin nhanh nhất để khoanh vùng cách ly hoặc nơi cần tăng cường tiêm vaccine.
Thật khó để nhân loại có thể lạc quan vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta có thể thử đặt dịch Covid-19 vào bối cảnh xã hội cách đây 20 năm để thấy điểm tích cực.
Thời đó, Internet bị hạn chế, không có dịch vụ thương mại điện tử hay giao hàng tận nhà. Khái niệm làm việc từ xa cũng chưa được biết đến. Thế giới thì chưa được trang bị đầy đủ khả năng phát hiện ổ dịch và chủng virus trong vài ngày, hay tạo ra vaccine chỉ trong vài tháng.
Hiện nay, nhờ những phát minh tân tiến, nhân loại hoàn toàn có cơ hội nhận diện các rủi ro, đồng thời tăng khả năng thích nghi với dịch bệnh. Từ đó, chúng ta nhận ra rằng thế giới cần tiếp tục đổi mới để tránh khỏi các đại dịch trong tương lai. Đấy cũng là tương lai duy nhất của loài người và cần tiến hành ngay từ bây giờ.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020