Ngành may mặc Việt Nam và Đông Nam Á thấm đòn vì virus corona, Uniqlo dời lịch ra mắt sản phẩm mới vì thiếu nguồn cung

Virus corona đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng hàng may mặc của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đe dọa đến hàng tồn kho của nhiều thương hiệu quốc tế như Uniqlo, Gap và Nike.

Uniqlo lùi kế hoạch ra mắt của một số sản phẩm mới vì thiếu nguồn hàng

Theo Nikkei Asian Review, nhiều lô hàng nhập từ các nhà cung ứng Việt Nam của thương hiệu thời trang Uniqlo đã bị trì hoãn trong khoảng hai tuần qua.

Tình trạng này nhiều khả năng sẽ khiến hãng thời trang Nhật Bản thiếu nguồn hàng vào tháng 3. Hiện tại, Uniqlo đã lùi kế hoạch ra mắt của một số dòng sản phẩm mới.

Ngành may mặc Việt Nam và Đông Nam Á thấm đòn vì dịch virus corona, Uniqlo cũng phải dời lịch ra mắt sản phẩm mới vì thiếu nguồn cung - Ảnh 1.

Ngày 6/12, cửa hàng Uniqlo đầu tiên của Việt Nam chính thức khai trương tại trung tâm thương mại Parkson Saigontourist Plaza, quận 1, TP HCM. (Ảnh: Yên Khê).

Uniqlo đã thông báo trên trang web tại Nhật Bản về "sự chậm trễ trong hoạt động sản xuất và logistics, do virus corona".

Thương hiệu thời trang này đã tạm hoãn ra mắt một số sản phẩm, bao gồm áo khoác Uniqlo U cho bộ sưu tập Xuân - Hè vốn dự kiến lên kệ từ hôm 21/2. Các sản phẩm mới đã được dời lịch ra mắt đến đầu tháng 3.

Các nhà cung ứng Đông Nam Á, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả Campuchia và Myanmar, ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các thương hiệu thời trang toàn cầu.

 Fast Retailing - chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo, bố trí đến 50% trong tổng số nhà máy của họ tại Trung Quốc, số lượng nhà máy trọng điểm của tập đoàn Nhật Bản ở Việt Nam xấp xỉ 20%.

Các cơ sở sản xuất hàng may mặc ấy phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô của nền kinh tế lớn nhất châu Á. Chẳng hạn, 60% nguyên liệu được sử dụng cho các sản phẩm may mặc của Việt Nam đến từ Trung Quốc.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và vận tải tại Trung Quốc đang bắt đầu lan sang Đông Nam Á.

Phát ngôn viên của Fast Retailing cho biết: "Nếu các nhà máy Trung Quốc tiếp tục lùi thời điểm sản xuất trở lại, chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn". Ngoài ra, người này cũng cho hay Fast Retailing đang "theo dõi chặt chẽ" tình hình dịch virus corona.

Việt Nam vẫn có thể tự sản xuất nguyên liệu thô

Báo Công Thương từng nêu tên một số nhà máy chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu ở Việt Nam.

May 10, một nhà cung ứng cho các thương hiệu như GAP và Tommy Hilfiger, nhập khẩu 50% nguyên liệu thô từ Trung Quốc, và đang lâm vào thế khó với số đơn hàng giao vào tháng 3 và tháng 4.

Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, chuyên cung ứng hàng may mặc cho Uniqlo và Nike, chỉ có đủ nguyên liệu để sản xuất cho đến tháng 3.

Ngành may mặc Việt Nam và Đông Nam Á thấm đòn vì dịch virus corona, Uniqlo cũng phải dời lịch ra mắt sản phẩm mới vì thiếu nguồn cung - Ảnh 3.

Ngành may mặc Đông Nam Á thấm đòn từ dịch virus corona. (Ảnh: Nikkei Asian Review).

Theo Nikkei, dệt là hoạt động sản xuất thâm dụng vốn hơn may mặc. Dù các thương hiệu đã đa dạng hóa cơ sở sản xuất sang các quốc gia và khu vực khác, Trung Quốc hiện vẫn chiếm ưu thế về sản xuất hàng dệt may.

"Việt Nam có thể tự sản xuất hàng dệt may và có thể duy trì sản lượng ở một mức độ nhật định.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác như Campuchia có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, vì phụ thuộc nhiều hơn vào sản phẩm dệt may của Trung Quốc", Nikkei dẫn nguồn tin thân cận với Uniqlo cho hay.

Nguồn tin cho biết thêm rằng thủ tục thông quan đang bị trì hoãn, trong khi công suất của nhiều nhà máy tại Trung Quốc đang giảm so với thông thường vì thiếu hụt nguồn lao động. Nguyên nhân xuất phát từ các lệnh hạn chế di chuyển mà chính quyền Bắc Kinh ban hành.

Các nhà cung ứng hàng may mặc tại Campuchia đang cực kì lo lắng

Ông Ken Loo - Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia, chia sẻ với Nikkei, rằng hơn 60% nguồn nguyên liệu thô phục vụ cho ngành may mặc Campuchia đến từ Trung Quốc.

Tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa nhà máy là "một kịch bản sắp sửa xảy ra", ông Loo nói.

Ông  cũng Loo lí giải rằng dù hơn một nửa các nhà máy sản xuất nguyên liệu thô ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại, nhưng sẽ mất một thời gian để họ trở về công suất tối đa. Nhưng đây chưa phải là trở ngại duy nhất.

"Khi các biện pháp kiểm soát dịch virus corona của chính phủ Trung Quốc còn hiệu lực, không chỉ việc vận chuyển hàng hóa mà hoạt động di chuyển người lao động từ tỉnh này sang tỉnh khác, hay thậm chí là từ thị trấn này sang thị trấn khác, đều cực kì khó khăn", ông Loo nói thêm.

Theo ông, tìm nguồn cung ứng khác vào lúc này không phải là một giải pháp có tính thực tế.

Ông Heng Sour, phát ngôn viên Bộ Lao động Campuchia, chia sẻ với tờ Khmer Times tuần trước, rằng 90.000 công nhân tại hơn 200 nhà máy sẽ phải dừng hoạt động nếu nguồn cung mới không đến kịp vào tháng 3.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.