Ngày 1/1/2017 vừa qua, Bộ luật dân sự sửa đổi về quyền chuyển đổi giới tính đã chính thức có hiệu lực. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Liệu người đã phẫu thuật chuyển giới đã có thể chuyển đổi giấy tờ chưa; Hay đối tượng người chưa phẫu thuật chuyển giới có thuộc nhóm được thụ hưởng quyền này không? Những thắc mắc, băn khoăn đó sẽ được Luật sư Lương Thế Huy (Giám đốc truyền thông dự án LGBT, Viện nghiện cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) giải đáp.
Luật sư Lương Thế Huy. |
- Chào Luật sư, thời gian vừa qua, thông tin về Bộ luật dân sự sửa đổi về quyền chuyển đổi giới tính chính thức có hiệu lực được rất nhiều người chuyển giới quan tâm và vui mừng. Anh đánh giá như thế nào về sự tiến bộ của Bộ luật Dân sự sửa đổi này.
Rõ ràng đây là bước ngoặt lịch sử đối với cộng đồng người chuyển giới Việt Nam. Thời gian rất lâu rồi, trong hàng chục thập kỷ mà chúng ta biết, họ phải sống ngoài vòng pháp luật với khao khát thay đổi về cơ thể mình. Trước đó, nhiều người chuyển giới phải long đong với cuộc sống mưu sinh để góp nhặt tiền bạc sang Thái Lan chuyển giới. Rồi khi về Việt Nam, họ lại phải đối mặt với thực tại, giấy tờ đã không thể hiện hết con người thực sự. Từ đó dẫn đến những khó khăn về pháp lý và đời sống dân sự hàng ngày của họ. Chính vì vậy, việc Bộ luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực là bước chuyển rất là lớn trong cộng đồng người chuyển giới.
- Vậy kể từ ngày 1/1, nhiều người đã phẫu thuật chuyển giới như ca sĩ Hương Giang Idol, Lâm Khánh Chi, hotgirl Bảo Anh,… sẽ được thực hiện chuyển đổi lại toàn bộ giấy tờ của mình phải không?
Bộ luật dân sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 nhưng điều đó không có nghĩa rằng từ ngày 1/1 là người chuyển giới đã thực hiện được ngay quyền này. Vì được thừa nhận quyền và thực hiện quyền là hai bước khác nhau. Và Bộ luật này cũng nêu rõ việc chuyển đổi giới tính sẽ thực hiện theo quy định của Luật. Trong vài năm tới, chúng ta có thể sẽ có Luật chuyển đổi giới tính. Lúc đó Luật sẽ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục. Còn bây giờ, các câu hỏi như ai được phép chuyển đổi giới tính, chuyển đổi thế nào, đến cơ quan nào thì cơ quan nhà nước cũng chưa thể trả lời được. Điều này cần một khoảng thời gian để Luật chuyển đổi giới tính ra đời hay ít nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành khác của Bộ Y tế.
Luật sư Lương Thế Huy từng được vinh danh trong danh sách 30Under30 của tạp chí Forbes Việt Nam. |
- Điều đó có nghĩa rằng, người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải đợi đến Luật chuyển đổi giới tính được ban hành thì mới có thể thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính?
Tốt nhất là khi luật ra đời thì kèm theo đó những văn bản hướng dẫn thi hành cũng sẵn sàng để đưa vào thực hiện. Tuy nhiên Bộ Y tế xác định đây là vấn đề cần tham vấn nhiều bên nên phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.
Chúng ta nên hiểu đây đây là một vấn đề rất phổ biến trong pháp luật Việt Nam. Vì vậy chúng ta cần có những văn bản hướng dẫn thi hành sau. Hiện tại, ai muốn xác nhận mình là người chuyển giới khi đến cơ sở y tế thì cũng sẽ nhận được câu trả lời là chưa có văn bản hướng dẫn. Còn khi một người chuyển giới đến cơ quan nhà nước làm lại giấy tờ cũng sẽ nhận được lời đáp là chưa có văn bản hướng dẫn. Điều này khác với thời điểm trước, khi đến các cơ quan này thì họ chỉ trả lời: “Pháp luật chưa quy định”.
- Chia sẻ với báo giới, nhiều người chuyển giới nổi tiếng cho rằng họ bất ngờ vì luật về quyền chuyển đổi giới tính là đến nhanh đến như vậy. Dưới góc độ của một người làm luật, anh suy nghĩ gì về quan điểm này?
Nhanh hay chậm là tùy từng người. Đối với một người chuyển giới trẻ khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thì rõ ràng là nhanh. Nhưng đối với những người chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam như chị Cindy Thái Tài, họ phải đợi cả nửa đời người thì lại cảm thấy rất lâu.
Dưới con mắt của người đang làm công việc này, tôi cho rằng bất kỳ cái gì xảy ra đều đúng thời điểm. Sự thay đổi này không chỉ phụ thuộc vào sự duy ý chí của con người mà còn cả sự thay đổi của xã hội và sự tự tin công khai công đồng… Phải có cả 3 yếu tố đó mới đưa tới sự ra đời của chính sách pháp luật. Khi kiến thức lan truyền rộng rãi dẫn tới những hình ảnh, câu chuyện hay thì thông tin cộng đồng đó mới tác động đến nhà làm luật. Tất cả đều diễn ra đúng thời điểm.
Luật sư Lương Thế Huy tại Mỹ. |
- Trong Bộ luật dân sự sửa đổi đưa ra đối tượng được thụ hưởng là người chuyển đổi giới tính. Liệu có phải nhóm người chuyển giới chưa phẫu thuật chuyển đổi sẽ không được thụ hưởng?
Bộ luật dân sự sửa đổi chưa hề đưa ra bất kỳ giới hạn nào về người chuyển đổi giới tính, chỉ ghi là người đã chuyển đổi giới tính không phải là người đã phẫu thuật chuyển đổi. Bộ luật dân sự cũng không định nghĩa thế nào đã chuyển đổi giới tính: là phẫu thuật một phần hay toàn phần, là đã tiêm hooc môn hay chưa. Theo trao đổi tiêng của mình với cơ quan nhà nước, Bộ luật dân sự muốn để mở cho những bộ luật trong tương lai. Còn định nghĩa nội hàm như thế nào, họ sẽ bàn sau.
Đây là câu hỏi của rất nhiều bạn chuyển giới: thế thì em chưa phẫu thuật có được chuyển đổi giấy tờ không. Còn trong suy nghĩ của mình rất lạc quan vào thời gian tới. Chưa bao giờ cộng đồng và cơ quan nhà nước lại tìm được tiếng nói chung trong vấn đề làm luật. Mình tin tưởng luật sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người chuyển giới còn đến mức độ nào mình cũng chưa dám nói.
- Cám ơn Luật sư Lương Thế Huy về cuộc trò chuyện này!
LGBT 07:23 | 14/06/2019
LGBT 17:33 | 11/06/2019
LGBT 07:42 | 11/06/2019
LGBT 18:23 | 10/06/2019
LGBT 18:00 | 06/06/2019
LGBT 16:01 | 05/06/2019
LGBT 14:31 | 05/06/2019
LGBT 16:28 | 04/06/2019