Người người, nhà nhà hát Bolero
Năm 2017 chứng kiến sự bùng nổ của dòng nhạc Bolero khi người người, nhà nhà hát Bolero. Trên khắp các sân khấu, các sàn diễn từ Bắc vào Nam, trên khắp các chương trình truyền hình… đâu cũng nghe thấy nhạc Bolero. Các ca sĩ, nhà tổ chức cũng bắt kịp với xu hướng để cho ra các album, ca khúc, liveshow… khiến Bolero có những thời điểm nắm giữ vị trí độc tôn trong làng nhạc Việt.
Có thể kể đến hàng loạt những chương trình, gameshow truyền hình như “Solo cùng Bolero”, “Tình Bolero”, “Kịch Bolero”, “Thần tượng Bolero”, “Cặp đôi hoàn hảo – Bolero và trữ tình”…
Hình ảnh trong buổi họp báo "Solo cùng Bolero".
Không chỉ gameshow, các đêm nhạc cũng được tổ chức dày đặc và phần nào phản ánh được thị hiếu với khán giả như “Những tình khúc Lam Phương”, “Mùa thu vàng” của Lệ Quyên, “Sài Gòn Bolero & Hưng” của Đàm Vĩnh Hưng… Một số ca sĩ chuyên theo dòng nhạc trẻ cũng cho ra mắt album Bolero, điển hình như Thủy Tiên với album “Đôi mắt người xưa”, Việt Tú với “Mộc – nhạc vàng muôn thuở”…
Sự quay trở lại của dòng nhạc Bolero một cách mạnh mẽ như vậy không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi nói như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vòng xoay âm nhạc luôn thay đổi, cứ vài năm xoay theo chiều hướng mới. Nếu như 2016 là sự chiếm lĩnh của EDM – nhạc điện tử thì 2017 là Bolero.
Nhìn từ khía cạnh tích cực, việc Bolero được khán giả biết đến rộng rãi đã trả lại cho nó giá trị đích thực trong thị trường âm nhạc mà bấy lâu nay nó bị lãng quên. Theo nhạc sĩ Vinh Sử, Bolero được yêu thích không chỉ bởi chất nhạc du dương, man mác buồn, với lời ca giản dị và gần gũi mà nó còn kể chuyện đời, chuyện người. Khán giả ở độ tuổi nào, hay địa vị ra sao đều có thể tìm thấy thấp thoáng cuộc đời mình trong những bản nhạc Bolero.
Chính vì vậy, rất nhiều ca khúc Bolero trở nên nổi tiếng và được khán giả yêu thích như “Về đâu mái tóc người thương”, “Sầu tím thiệp hồng”, “Sương lạnh chiều đông”, “Kiếp cầm ca”… Trong năm 2017, Bolero trở lại cũng có những khía cạnh mới, với những bản phối mới, giọng ca mới (trong đó có nhiều giọng ca trẻ)… đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với khán giả.
Hình ảnh liveshow "Sài Gòn Bolero và Hưng" của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Tuy nhiên, chính sự trở lại ồ ạt, tràn lan của Bolero lại khiến khán giả bội thực. Bolero bị khai thác quá nhiều khiến nó dần mất đi chất riêng, bị “thương mại hóa”, thậm chí bị biến tướng.
Trong một cuộc phỏng vấn, ca sĩ Tùng Dương thẳng thắn cho rằng: Bolero có giá trị về mặt hoài niệm nhưng nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc. Hay những nghệ sĩ như Quốc Trung, Huy Tuấn, Thanh Lam đều không đồng tình với sự trở lại quá tràn lan của Bolero.
Song, sau thời kỳ đỉnh cao sẽ là thoái trào. Đến nửa cuối năm 2017, Bolero đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Khi thị trường gần như đã bão hòa, khi khán giả đã chán ngấy một dòng nhạc thì điều tất yếu là sẽ có dòng nhạc khác lên ngôi.
Dấu ấn của những dòng nhạc nằm ngoài xu hướng
Bên cạnh sự bùng nổ của Bolero, năm 2017 cũng có những điểm sáng riêng biệt và sâu đậm. Sự trỗi dậy của dòng nhạc cách mạng, thính phòng, cổ điển hay sự “phá xác”, thay đổi hình ảnh của chính ca sĩ đã mang lại những món “giải khát” thơm ngon với khán giả khi đang “ngấy” Bolero.
Có thể kể đến liveshow đầu tiên trong 22 năm sự nghiệp của ca sĩ Đăng Dương. Vẫn trung thành với dòng nhạc thính phòng, cổ điển nhưng với cách thể hiện, phối hợp với dàn nhạc, cách dàn dựng đặc biệt - liveshow “Mặt trời của tôi” nhận được rất nhiều lời khen từ cả khán giả và giới nghệ sĩ. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – người phối khí toàn bộ cho liveshow “Mặt trời của tôi” tự tin khẳng định: “Buổi hòa nhạc của Đăng Dương là một dấu son trong lịch sử phát triển ca hát thính phòng Việt Nam!”.
Đăng Dương trong liveshow "Mặt trời của tôi"
Trong thời điểm các chương trình Bolero bùng nổ, việc Trọng Tấn và Anh Thơ bắt tay vào làm một đêm nhạc cách mạng là một sự liều lĩnh. Song, chính vì việc “đi ngược dòng”, khẳng định những giá trị của nhạc cách mạng đã tạo nên thành công và cảm xúc cho “Tình ta biển bạc đồng xanh 2”. Liveshow cũng có thể coi là một sự đột phá của cả Trọng Tấn và Anh Thơ trong việc làm mới mình bằng âm nhạc và thời trang.
Trong liveshow “Thập kỷ hoan ca”, Tùng Dương khiến nhiều người bất ngờ khi tự làm mới bản thân bằng sự ngẫu hứng. Liveshow không cố định trong một dòng nhạc cụ thể như Pop, Rock, Ballad, World music… mà có một sự “nhảy nhót” như dạo chơi giữa các dòng nhạc và dòng cảm xúc. Tùng Dương cũng giới thiệu dòng nhạc Future music một cách đầy ấn tượng trong liveshow này.
Tùng Dương trong "Thập kỷ hoan ca".
Tháng 5/2017, nữ ca sĩ Phạm Thu hà cho ra mắt album mới có tên “Đường em đi” với phong cách classical crossover (cổ điển giao thoa). Đây là đĩa nhạc tuyển chọn 8 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy. Một đĩa nhạc không giống với bất kỳ ai, khi Phạm Thu Hà sắp xếp các bài hát một cách chặt chẽ và tung tẩy từ cổ điển, thính phòng đến pop, jazz.
Gần cuối năm 2017, Khánh Linh cho ra mắt mini album “Ngài” pha trộn giữa các phong cách khác nhau, bao gồm cả semi classic, rock trên nền điện tử độc đáo và khác lạ. Khánh Linh “tạm biệt” với những ca khúc êm đềm, ca từ về tình yêu dịu dàng để thể hiện sự “dữ dội” trong âm thanh, và ca từ trở nên sâu sắc, đa tầng đa nghĩa hơn.
Tựu chung, dù không quá rực rỡ nhưng 2017 vẫn là một năm đầy màu sắc của làng nhạc Việt với những dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng.
Hát bolero kiểu 'không giống ai'
Ngày càng nhiều ca sĩ tên tuổi ở nhiều dòng nhạc quyết định thử sức với bolero bằng cách hát 'không giống ai', tạo nên ... |
Phát ngấy vì từ già đến trẻ đều cuồng bolero
"Hiện nay không thể kể hết tên những cuộc thi, show game đang khai thác bolero một cách thái quá. Người ta phát ngấy khi ... |
Chê Bolero là sến sẩm, lạc hậu mà sao vẫn nghe?
Phát biểu gây ầm ĩ của Tùng Dương 3 tháng trước về nhạc Bolero có lẽ khiến người ta phải nghiệm lại ở thời điểm ... |
Giải trí 10:00 | 31/12/2017
Giải trí 08:09 | 29/12/2017
Giải trí 13:15 | 28/12/2017
Giải trí 08:57 | 28/12/2017
Giải trí 01:11 | 28/12/2017
Giải trí 11:00 | 27/12/2017
Giải trí 07:39 | 27/12/2017
Giải trí 07:01 | 27/12/2017