Những ‘hạt sạn’ trong vụ li hôn nghìn tỉ của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên

Phán quyết mà thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đưa ra đối với vụ li hôn nghìn tỉ giữa vợ chồng nhà sáng lập “đế chế Trung Nguyên” được nhiều người đánh giá là “hợp tình, hợp lí”. Song, quá trình xét xử vẫn tồn tại một số điểm được cho là bất cập.

9.000 lượng vàng "bốc hơi"

Tại phiên xử sáng qua, 27/3, HĐXX bất ngờ trở lại phần xét hỏi và tranh luận để làm rõ yêu cầu phản tố của ông Vũ, quanh số tiền chung của hai người do bà Thảo đứng tên tại 3 ngân hàng Eximbank, Vietcombank và BIDV.

Trước đó, phía ông Vũ đưa ra con số 2.102 tỉ đồng , gồm: 654,2 tỉ đồng; 9,3 triệu Euro; 2,3 triệu GBP (bảng Anh); 28,9 triệu USD; 5,1 triệu AUD (đô la Australia) và 10.000 lượng vàng. Song, đại diện bị đơn sau đó xác nhận tại tòa rằng số tiền này còn 2.098 tỉ đồng do tỉ giá ngoại tệ biến đổi.

Những ‘hạt sạn’ trong vụ li hôn nghìn tỉ của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên - Ảnh 1.

Số vàng trong tài khoản ngân hàng bà Thảo đứng tên được Eximbank xác nhận là 1.000 lượng thay vì 10.000 lượng như trước đó.

Tiếp đó, VKS đề nghị phía Eximbank xác định lại số vàng thực tế mà bà Thảo gửi tại ngân hàng này có đúng 10.000 lượng không. Lúc đầu, vị đại diện nhà băng cho biết không mang theo tài liệu nên không trả lời được. Tuy nhiên sau đó, phía ngân hàng bất ngờ thông số vàng bà Thảo đứng tên chỉ là 10.000 chỉ (tương đương 1.000 lượng).

Sau khi hội ý tại chỗ, phía ông Vũ đồng ý xác định lại số vàng tranh chấp là 10.000 chỉ, và đề nghị HĐXX xem xét theo kết quả xác minh mới. Sau khi có sự thay đổi này, đại diện bị đơn tính toán lại tổng số tiền yêu cầu phản tố của họ là 1.764 tỉ đồng.

Phía bà Thảo cho rằng: "Trong yêu cầu phản tố đó có 10.000 lượng vàng, sau tranh cãi, tòa thận trọng hỏi đại diện Eximbank là lượng hay chỉ, thì hóa ra là 10.000 chỉ. Lúc này phía ông Vũ mới nói tính toán điều chỉnh lại. Điều này làm dư luận hiểu không đúng. Đó chỉ là 10.000 chỉ vàng chứ không phải 10.000 lượng. Chính sự không chắc chắn trong yêu cầu phản tố cho thấy sự không rõ ràng trong việc yêu cầu phân chia tài sản tại ngân hàng. Điều này có nghĩa là chưa đủ cơ sở chứng minh đây là tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân".

Tuy nhiên, luật sư Trương Thị Hòa (đại diện quyền phía ông Vũ) khẳng định thân chủ không sai sót gì trong yêu cầu phản tố liên quan đến số tiền, vàng gửi tại ngân hàng.

"Không có sự sai sót, vì tài liệu Eximbank không ghi lượng hay chỉ, bây giờ đại diện mới xác định là chỉ. Ông Vũ chấp nhận sự thua thiệt là chấp nhận số vàng này 10.000 chỉ, tức chấp nhận mất 9.000 lượng vàng, để mong vụ án nhanh chóng kết thúc. Bị đơn hoàn toàn không có ý đồ gì trong 10.000 lượng hay chỉ, đây là sai sót của ngân hàng. Thực tế bây giờ ông Vũ cũng không quan tâm đến những con số", luật sư Hòa trình bày.

Thẩm phán "đọc nhầm" án phí với con số tăng gấp 10 lần

Theo bản tuyên của tòa án, án phí mà bà Thảo và ông Vũ phải nộp cho tòa án là gần 81 tỉ đồng. Cụ thể, bà Thảo phải chịu án phí li hôn 300.000 đồng; án phí cho phần tài sản 34,2 tỉ đồng, ông Vũ phải đóng 48,7 tỉ đồng án phí tài sản. Cấn trừ vào tiền án phí đã tạm ứng trước đó, HĐXX thông báo bà Thảo phải nộp 32,6 tỉ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn 47,4 tỉ đồng.

Những ‘hạt sạn’ trong vụ li hôn nghìn tỉ của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên - Ảnh 2.

Chủ tọa phiên tòa đã đọc nhầm mức án phí lên gấp 10 lần.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu theo công thức tính án phí thì số tiền không chính xác. Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản trên 4 tỉ đồng, mỗi bên đương sự sẽ phải nộp tiền án phí cho nhà nước 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản được hưởng vượt 4 tỉ đồng.

Trong vụ án này, khối tài sản chung của vợ chồng người sáng lập Trung Nguyên được xác định trị giá 8.229 tỉ, gồm cả bất động sản. Như vậy, bà Thảo phải đóng tương ứng phần giá trị tài sản được nhận, sẽ là: 112 triệu + 0,1% của (3.364 tỉ đồng- 4 tỉ) là khoảng 3,3 tỉ đồng. Tương tư, mức án phí ông Vũ phải nộp là: 112 triệu + 0,1% của (4.864 tỉ - 4 tỉ) là khoảng 4,8 tỉ đồng.

Về việc này, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân (chủ tọa phiên tòa) cho biết vì quá mệt nên ông đã đọc nhầm số tiền án phí trên. Thực tế, số tiền án phí ông Vũ và bà Thảo phải đóng được tính theo đúng công thức theo luật quy định.

Theo chủ tọa, bản án sẽ được phát hành trong khoảng một tuần tới. "Khi phát hành bản án, tòa sẽ phát hành con số chính xác dựa vào cách tính theo luật định", ông cho biết.

Tòa có nhiều sai sót trong quá trình thụ lí vụ án

Phát biểu quan điểm vào chiều 27/3, VKS đánh giá HĐXX khi thụ lí vụ án có một số sai sót, như chưa mở phiên họp công khai chứng cứ chứng minh yêu cầu phản tố của bị đơn.

Ngoài ra, khi có xác minh tài khoản ngân hàng, thẩm phán không mở phiên hòa giải. Yêu cầu chia tiền, vàng trị giá 2.100 tỉ đồng là yêu cầu mới phát sinh tại tòa. Bị đơn rút yêu cầu phản tố nhưng chủ tọa không đình chỉ nên 2 bên phải trình bày ý kiến về nội dung này.

Những ‘hạt sạn’ trong vụ li hôn nghìn tỉ của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên - Ảnh 3.

VKS cho rằng tòa có nhiều sai sót trong quá trình thụ lí vụ kiện li hôn của ông Vũ - bà Thảo.

Bên cạnh đó, đại diện cơ quan công tố cũng cho rằng tòa thiếu sót khi không triệu tập đúng người đại diện của ngân hàng để làm rõ giá trị tài sản tranh cãi. 

Tuy nhiên, HĐXX khẳng định việc giao hồ sơ cho cơ quan công tố là đúng quy định của pháp luật; VKS cho rằng đưa hồ sơ chưa đủ 15 ngày là không có căn cứ.

Bên cạnh đó, tòa thừa nhận có thiếu sót khi không tống đạt luật sư trong quá trình đưa vụ án ra xét xử. Nhưng đến lúc phiên tòa mở ra, các luật sư đều có mặt, các đương sự đều không vắng mặt nên tòa xét xử là có căn cứ.

Đối với biên bản hòa giải, phía tòa cho biết đã cung cấp thông tin xác minh tài khoản của các ngân hàng, các bên xem xét và đã ký. VKS cho rằng tòa không hòa giải đối chất, vi phạm là không có cơ sở pháp luật.

Đồng thời, HĐXX xét thấy việc chấp nhận thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự là không vượt quá phạm vi vụ án.

Năm 2015, sau thời gian dài mâu thuẫn, bà Thảo đơn phương li hôn, đề nghị được nuôi các con và hưởng 51% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên. Tòa sau đó đã tiến hành hòa giải 10 lần, song bất thành. Và sau nhiều lần hoãn xét xử vì các bên liên quan vắng mặt, đến ngày 20/2, vụ kiện được TAND TP HCM đem ra xử công khai.

Chiều 27/3, TAND TP HCM quyết định công nhận thuận tình li hôn cho ông Vũ và bà Thảo, giao người 4 con cho bà Thảo chăm sóc; ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ mỗi năm cho đến khi các con trưởng thành. Thời gian cấp dưỡng tính từ năm 2013.

Đối với cổ phần trong 7 công ty của tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ được sở hữu 60%, bà Thảo 40%. Do được giao quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ có trách nhiệm thanh toán số tiền chênh lệch cho bà Thảo.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.