Tòa đọc 'nhầm' án phí li hôn gấp 10 lần, ‘vợ chồng’ tập đoàn Trung Nguyên phải làm gì để lấy lại hơn 72 tỉ đồng?

HĐXX thông báo số tiền án phí li hôn ông Vũ phải đóng hơn 47 tỉ đồng, bà Thảo 33 tỉ đồng.

Chiều qua, 27/3, bên cạnh việc thuận tình cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ li hôn, TAND TP HCM thông báo mức án phí mà họ phải đóng lên đến hơn 80 tỉ đồng. Số tiền án phí "kỉ lục" này thu hút sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia về luật.

HĐXX tính nhầm án phí gấp 10 lần

Sáng 28/3, trao đổi với báo chí, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân - Chủ tọa phiên tòa cho biết vì quá mệt do đọc bản án suốt 3 giờ nên ông đọc nhầm số tiền án phí trên từ hơn 8.1 tỉ đồng thành hơn 81 tỉ đồng, gây hiểu nhầm cho dư luận.

Cụ thể, ngoài án phí xét xử sơ thẩm là 300.000 đồng, tòa buộc bà Thảo phải có trách nhiệm thanh toán hơn 33 tỉ đồng án phí tài sản. Còn ông Vũ phải đóng hơn 48 tỉ đồng. Như vậy, tổng mức án phí mà cặp đôi sáng lập Trung Nguyên phải nộp trong vụ tranh chấp tài sản li hôn này là hơn 81 tỉ đồng.

Về lệ phí kiểm toán tài sản, bà Thảo phải đóng 98 triệu đồng. Về lệ phí định giá tài sản, ông Vũ nộp hơn 2,1 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Thảo phải nộp cho công ty thẩm định giá Sài Gòn 2,1 tỉ đồng.

Tòa đọc nhầm án phí li hôn gấp 10 lần, ‘vợ chồng’ tập đoàn Trung Nguyên phải làm gì để lấy lại hơn 72 tỉ đồng? - Ảnh 1.

HĐXX thông báo số tiền án phí li hôn ông Vũ và bà Thảo phải đóng hơn 81 tỉ đồng

Đối chiếu với án phí được quy định cụ thể tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, số tiền mà ông Vũ, bà Thảo phải đóng chỉ hơn 8,1 tỉ đồng.

Cụ thể, pháp luật quy định đối với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản trên 4 tỉ đồng, mỗi bên đương sự sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước gồm: 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản được hưởng vượt 4 tỉ đồng.

Trong vụ án này, khối tài sản chung vợ chồng trị giá 8.229 tỉ đồng, trong đó ông Vũ sở hữu 4.864 tỉ đồng, phần còn lại của bà Thảo.

Căn cứ vào công thức tính theo luật, án phí ông Vũ phải nộp tương ứng phần giá trị tài sản được nhận sẽ là: 112 triệu + 0,1% của (4.864 - 4 tỉ đồng) = khoảng 4,8 tỉ đồng.

Tương tự, số tiền án phí bà Thảo phải đóng tương ứng phần giá trị tài sản được nhận sẽ là: 112 triệu + 0,1% của (3.364 - 4 tỉ đồng) = khoảng 3,3 tỉ đồng.

Từ đó, cấn trừ vào tiền tạm ứng đã đóng trước đó thì tổng số tiền án phí mà hai người phải nộp chỉ khoảng 8 tỉ đồng (thấp hơn 10 lần so với mức án phí tòa đưa ra).

Đương sự có thể kháng cáo

Liên quan vấn đề này, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, trong trường hợp nhận thấy mức án phí này không đúng, nguyên đơn và bị đơn có quyền kháng cáo riêng về phần án phí.

Tòa đọc nhầm án phí li hôn gấp 10 lần, ‘vợ chồng’ tập đoàn Trung Nguyên phải làm gì để lấy lại hơn 72 tỉ đồng? - Ảnh 2.

Các bên có quyền đưa ra yêu cầu kháng cáo về án phí

"Bên cạnh đó, nếu HĐXX nhận thấy bản án có sai sót nhỏ như sai chính tả, tính toán nhầm lẫn... thì có thể ra quyết định đính chính bản án. Và kể cả khi HĐXX tuyên án nhưng chưa phát hành bản án thì vẫn phải đính chính bản án kịp thời", luật sư Tuyền nói thêm.

Đồng thời, căn cứ điều 238 Bộ luật tố tụng dân, VKS cùng cấp và cấp trên nếu phát hiện sai sót này cũng có quyền kháng nghị, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét xử lý.

Chấp nhận cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo li hôn, TAND TP HCM giao 4 con chung cho người vợ chăm sóc; ông Vũ phải cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm.


Về tài sản, tòa quyết định cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%. Tòa chấp nhận đề nghị của ông Vũ, cho rằng việc chia cổ phần cho cả hai sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp nên để ông Vũ sở hữu các cổ phần của bà Thảo. Ông Vũ sẽ trả lại bằng tiền cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu. Phương án này sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với hàng chục bất động sản, tòa tuyên giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỉ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỉ đồng. Theo đó, bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỉ đồng.

Đối với số tiền 1.764 tỉ đồng tại các ngân hàng mà bà Thảo đang đứng tên, HĐXX giao bà Thảo tiếp tục quản lý tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.