Đàm Vĩnh Hưng
Trước khi gia đình gặp phải biến cố lớn khiến kinh tế tụt dốc không phanh, Đàm Vĩnh Hưng từng là một “cậu ấm” đích thực. Để mưu sinh, ba của anh phải đạp xích lô kiếm sống rồi mất vì bệnh gan. Cuộc sống của gia đình Mr. Đàm khốn khó đến mức không thể mua nổi chiếc quan tài. Mẹ “ông hoàng nhạc Việt” khi đó phải năn nỉ người bán đợi có tiền phúng điếu sẽ trả.
Nói về tuổi thơ của mình, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ: “Ngày xưa nhà tôi đã có đầy đủ các vật dụng trong nhà như tủ lạnh, máy hát, cuộc sống chẳng thiếu thứ gì, đến nỗi tiền xếp lớp từng tập phủ kín dưới đệm giường.Thế nhưng trời không thương lâu, bán nhà, ba mẹ bỏ nhau. Thời gian này, kinh tế gia đình tôi xuống dốc không phanh. Ông trời có cho ai mãi cái gì được đâu, chẳng phải lỗi của ba mẹ, mà do số trời đã định rồi”.
Nếm trải gian khổ từ khi còn nhỏ, Đàm Vĩnh Hưng có tính cách vô cùng tự lập. Nam ca sĩ từng có khoảng thời gian dài “lăn lộn” với nghề cắt tóc để kiếm tiền nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Bằng sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ, bao công sức, mồ hôi lẫn nước mắt của Mr. Đàm đã được đền đáp bằng vị trí “ông hoàng nhạc Việt” hiện tại.
Trường Giang
Với lối diễn duyên dáng, dí dỏm, Trường Giang luôn khiến khán giả phải bật cười đến nghiêng ngả mỗi khi xuất hiện. Thế nhưng, ít ai biết, đằng sau ánh hào quang sân khấu, anh đã phải trải qua một quá trình phấn đấu vô cùng gian khổ.
Trường Giang sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Đồng Nai. Điều quan trọng hàng đầu đối với “chàng hề xứ Quảng” khi đó không phải là nghệ thuật mà là mối lo miếng cơm manh áo. Bản thân Trường Giang cũng thừa nhận do tuổi thơ quá cơ cực, gia đình lại không có truyền thống nghệ thuật nên anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ. Chia sẻ về hình ảnh của mình thời nhỏ, Trường Giang miêu tả đó là một cậu bé đen nhẻm, đầu trần đi mót cao su và coi chuyện nhịn đói vì không có tiền đong gạo là điều quá đỗi bình thường.
Lớn hơn một chút, Trường Giang quyết định thi vào trường Sân khấu điện ảnh nhưng… trượt. Anh sau đó chọn hệ B, vừa học vừa làm. Thế nhưng, dù làm đủ các nghề từ bán nước suối đến chạy bàn quán nhậu nhưng quãng thời gian này đối với Trường Giang vẫn vô cùng khốn khó và khổ cực. Thậm chí, anh còn phải nghỉ học vì không có tiền đóng phí. Những tưởng, Trường Giang sẽ sớm nản lòng mà buông bỏ thì chính tuổi thơ cơ cực đã biến thành nguồn động lực giúp anh mạnh mẽ và cố gắng hơn bao giờ hết với ước mong được “đổi đời”. Sau gần chục năm kể từ ngày đầu bước chân vào Vbiz, giờ đây Trường Giang là một trong những danh hài hàng đầu với mức cát-xê cao ngất ngưởng.
Lý Nhã Kỳ
“Nữ hoàng kim cương” Lý Nhã Kỳ phải bươn chải và kiếm sống từ khi còn rất nhỏ. Từ bưng bê, rửa bát cho tới cọ toilet, không có gì mà cô chưa từng trải qua.
Tâm sự về tuổi thơ của mình, Lý Nhã Kỳ nghẹn ngào cho biết: “Hồi nhỏ, tôi cũng có tuổi thơ không được vui khi ba mẹ đều bị bệnh trong cùng một thời điểm. Và thời gian ba bệnh kéo dài tới 17 năm. Và từ khi sinh ra, tôi cũng đã là một cô bé rất nhạy cảm nên khi mình có một điều kiện nào đó thì luôn ưu tiên chia sẻ cho con người Việt Nam trước, những người gặp khó khăn trước. Đặc biệt hơn là vì tôi từng trải qua những tuổi thơ không vui, không hạnh phúc, mình khổ nên vẫn luôn ghi nhớ điều đó.
Chính những điều đó làm cho tôi phải biết sống tốt và phấn đấu, và mình trải qua sẽ hiểu được cảm giác khi những người gặp khó khăn hay kém may mắn. Nếu họ không nhận được sự giúp đỡ, hay không một ai mang đến cho họ cơ hội để có thể thay đổi cuộc đời thì họ sẽ dễ dẫn đến những sự bế tắc. Và sự bế tắc đó nhiều khi sẽ gây ra những điều không tốt”.
Ngọc Trinh
Ngọc Trinh sinh năm 1988 tại một vùng quê nghèo tỉnh Trà Vinh. Mẹ người đẹp qua đời khi cô mới chỉ được vài tháng tuổi. Sau khi vợ mất, bố Ngọc Trinh chạy xe ôm, làm “gà trống” nuôi 4 đứa con thơ. Suốt khoảng thời gian thơ ấu, cái nghèo luôn đeo bám “nữ hoàng nội y” và gia đình. Còn nhớ cách đây không lâu, Ngọc Trinh khiến nhiều người không khỏi xót xa khi tiết lộ, từ năm cô 3 tuổi, bố cứ pha sẵn 5 bình sữa quấn trong chăn bông để dưới chân mùng. Lúc thức giấc Ngọc Trinh sẽ tự bò xuống chân mùng lấy sữa uống.
Chưa dừng lại ở đây, Ngọc Trinh còn bị chính những người thân ruột thịt hắt hủi, đánh đập: “Tôi còn nhớ, nhà tôi khi ấy nghèo, thiếu thốn tới mức không có đồ ăn. Nhưng chính những người ruột thịt lại nỡ lòng bỏ mặc anh chị em tôi. Họ cho đồ ăn hàng xóm chứ nhất định không cho chúng tôi. Cho nên, đến bây giờ dù họ có chết, cần tiền tôi cũng không giúp. Cùng lắm chỉ mủi lòng 1-2 lần, lần thứ 3 tôi không quan tâm”.
Thuỷ Tiên
Tuổi thơ của Thuỷ Tiên không êm đềm như những đứa trẻ cùng trang lứa. Năm Thuỷ Tiên lên 9, ba cô mất vì bệnh lao phổi và cũng từ đây, chuỗi ngày bất hạnh bắt đầu. Thời đó, lao phổi là một căn bệnh nhiều người e ngại. Chính vì thế, hai mẹ con Thuỷ Tiên phải chịu rất nhiều sự ghẻ lạnh, thậm chí từ chính hai bên gia đình nội ngoại. Đến tận bây giờ, nữ ca sĩ vẫn ám ảnh bởi những lời nói cay nghiệt từ chính ông bà, rằng cô là đứa trẻ không cha, là đồ lì lợm.
“Tôi còn nhớ những lần ông nội tôi phát kẹo cho các cháu. Ông kêu mấy đứa xếp hàng lại rồi lần lượt phát cho từng đứa. Nhưng đến lượt tôi, ông lạnh nhạt quát mày đi chỗ khác chơi rồi bỏ qua tôi không một chút thương xót, không cần biết tôi bẽ bàng như thế nào, đau đớn như thế nào khi bị đối xử như thế. Năm mới tết đến, cả nhà quây quần, ông ngoại tôi phát bao lì xì cho các cháu. Tôi cũng xếp hang để đợi lì xì, nhưng đến lượt tôi ông cũng đuổi mắng, bảo mày đi chỗ khác, vì mày là đứa lì lợm, ương bướng” - Thuỷ Tiên đau đớn chia sẻ.