Ông Trần Bắc Hà (ảnh nhỏ) tiếp tục được triệu tập tới tòa xét xử đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 (ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH - THÁI SƠN) |
Thông tin từ TAND TP.HCM, từ ngày 24/7, cơ quan này sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đối với bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng 43 đồng phạm.
Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 15/8, do Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản làm chủ tọa.
Các bị cáo bị đề nghị đưa ra xét xử về hành vi cho 29 công ty do Phạm Công Danh đứng sau vay tiền tại Sacombank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), tài sản bảo lãnh khoản vay là tiền của VNCB gửi tại 3 ngân hàng trên, gây thiệt hại của VNCB hơn 6.126 tỉ đồng.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, có 64 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho bị cáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh có 7 luật sư: Phan Trung Hoài, Trương Quốc Hòe, Hà Hải, Trần Minh Hải, Bùi Phương Lan, Chu Mạnh Cường, Bùi Thị Hồng Giang; 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Trầm Bê: Nguyễn Thị Mai Hồng, Phạm Ngọc Trung, Trần Quốc Khánh; bị cáo Phan Huy Khang thì có 2 luật sư bào chữa.
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập 235 cá nhân, tổ chức đến tòa với 1 trong 2 tư cách tố tụng: người có quyền lời, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Trong đó có những cái tên như: ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV), ông Trần Lục Lang (Phó tổng giám đốc BIDV), ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank), ông Phạm Công Trung (em trai Phạm Công Danh), ông Đặng Văn Thảo (Phó vụ trưởng Vụ ổn định tiền tệ NHNN)…
Liệu ông Trần Bắc Hà có đến tòa?
Tháng 1.2018, khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1, HĐXX cũng đã triệu tập các ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang đến tham dự phiên tòa với tư cách tố tụng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Tuy nhiên, xuyên suốt phiên xử, ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt vì sang Singaphore nhập viện điều trị bệnh từ ngày 7.1.2018 (trước thời điểm khai mạc phiên tòa 1 ngày - PV) và được HĐXX đồng ý.
Trong phiên xử lần nay, HĐXX một lần nữa triệu tập ông Hà đến tòa nhưng ông Hà có đến hay không vẫn đang là dấu hỏi.
Liên quan đến 3 cái tên: ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang, chiều 30.6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang.
Theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng đã có nhiều vi phạm trong quá trình công tác tại BIDV, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 12 công ty liên quan đến Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng, tài sản bảo lãnh khoản vay là tiền của VNCB gửi tại BIDV, gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỉ đồng.
Những sai phạm này đều được đề cập trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 chuẩn bị đưa ra xét xử.
Đề nghị tiếp tục điều tra các lãnh đạo liên quan
Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, tháng 2.2017, HĐXX TAND TP.HCM quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, đề nghị Viện KSND tối cao làm rõ 6 vấn đề.
Đến ngày 20.6, Viện KSND tối cao bổ sung tài liệu và chuyển hồ sơ vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 qua lại TAND TP.HCM.
Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra và điều tra bổ sung, Viện KSND tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án đã nêu theo cáo trạng năm 2017.
Qua đó, kết quả điều tra bổ sung khẳng định, Trầm Bê, Phan Huy Khang có hành vi trực tiếp bàn bạc thống nhất cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng nhưng yêu cầu Danh dùng tiền của VNCB để bảo lãnh cho khoản vay, sau đó chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện việc cho vay.
Khi cho vay, 2 bị cáo biết rõ Danh là Chủ tịch VNCB, là đối tượng mà theo quy định tại luật Các tổ chức tín dụng thì không được phép dùng tiền của VNCB để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình, nhưng vẫn cố ý bỏ qua các quy định bắt buộc, tạo điều kiện để Danh vay tiền, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.835 tỉ đồng.
Vì thế, Trầm Bê, Phan Huy Khang phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình đối với hậu quả thiệt hại đã xảy ra.
Đối với các cá nhân là lãnh đạo chủ chốt của TPBank (liên quan đến gói vay tín dụng 1.666,8 tỉ đồng tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.740 tỉ đồng) và BIDV, theo Viện KSND tối cao, quá trình điều tra xác định một số đối tượng có hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay nhưng chưa đủ căn cứ xác định hành vi đồng phạm với Phạm Công Danh về tội cố ý làm trái…
Vì vậy, Viện KSND tối cao không khởi tố và đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ đối tượng này tại phiên tòa, nếu có đủ cơ sở thì xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Trần Bắc Hà: Một thời ngang dọc, cuối đời éo le
Hiếm có doanh nhân nào có sức ảnh hưởng như ông Trần Bắc Hà, và cũng không nhiều doanh nhân hơn 1 lần khiến thị ... |
Sau tin xấu về ông Trần Bắc Hà, cổ phiếu BID sẽ ra sao?
Dù không còn là chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực từ trong quá khứ của ... |
Pháp luật 03:20 | 12/12/2018
Pháp luật 07:32 | 06/08/2018
Pháp luật 23:57 | 05/08/2018
Pháp luật 08:42 | 01/08/2018
Pháp luật 00:13 | 01/08/2018
Pháp luật 06:41 | 31/07/2018
Pháp luật 00:12 | 31/07/2018
Pháp luật 04:36 | 30/07/2018