Theo thống kê, Tik Tok hiện có 26 triệu người dùng ở Mỹ và trung bình mỗi ngày những người dùng này bỏ ra 46 phút để sử dụng mạng xã hội này. (Ảnh: EuroNews).
Cách đây không lâu, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố đưa ứng dụng Tik Tok vào tầm ngắm, khi nghi ngờ mạng xã hội này thu thập dữ liệu người dùng và gửi chúng cho chính phủ Trung Quốc.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang leo thang, sau khi Huawei và một loạt công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bị áp đặt lệnh cấm vận từ chính quyền tổng thống Donald Trump.
Công ty công nghệ ByteDance đang thử nghiệm một ứng dụng âm nhạc mới tại các thị trường mới nổi với hy vọng tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới, điều mà Tik Tok đã làm được trước đó. (Ảnh: Reuters).
Được ra mắt cách đây sáu tháng, Resso hiện đã có mặt ở Ấn Độ và Indonesia, hai quốc gia có dân số đông nhất ở châu Á, đồng thời là những nơi mà Tik Tok phát triển mạnh. Hiện ứng dụng này đã có 27.000 người dùng trên App Store và Google Play.
Với việc phát triển Resso, chủ sở hữu Tik Tok đã gửi một lời thách thức tới Spotify và Apple Music, hai ứng dụng âm nhạc hàng đầu thế giới khi mà dịch vụ âm nhạc trả tiền của các ứng dụng này không thu hút được lượng lớn người dùng ở các quốc gia. (Ảnh: CNET).
Không giống như Spotify, Resso hiển thị lời bài hát theo thời gian thực và cho phép người dùng bình luận bên dưới các bài hát.
Resso cũng có tính năng tạo ảnh GIF và video kèm nhạc, mô phỏng một tính năng được yêu thích trên Tik Tok. Ứng dụng cung cấp dịch vụ trả phí hàng tháng với giá 1,7 USD giống như Spotify. (Ảnh: IndiaShopps).
Theo Bloomberg, Resso đã có chứng nhận từ T-Series và Times Music, các hãng giải trí của Ấn Độ.
Tuy nhiên, ByteDance vẫn chưa thể thỏa thuận với ba công ty âm nhạc lớn nhất thế giới là Warner, Universal và Sony, những công ty kiểm soát phần lớn dữ liệu âm nhạc mà Resso bắt buộc phải dùng đến.
"Ứng dụng hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm", đại diện của Resso cho biết, "Đây là dự án đầy triển vọng, tuy nhiên nó chỉ mới bắt đầu và chưa có lượng lớn người dùng ở các thị trường phát triển."
Hiếm có một công ty công nghệ Trung Quốc nào lại có tầm ảnh hưởng đến toàn cầu như Tik Tok. Ứng dụng này đã nhận được 1,5 tỉ lượt tải xuống kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017. (Ảnh: CNET).
Tại Mỹ, sự tăng trưởng về số lượng người dùng Tik Tok trong quí thứ ba là 11,6 triệu người, tăng 38% so với con số 8,4 triệu cùng kì năm ngoái theo thống kê của Sensor Tower.
Tuy nhiên, những con số này lại trở thành cơ sở hứng chịu sự chỉ trích từ chính phủ Mỹ, vô tình làm chất xúc tác gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia.
Chính phủ Mỹ và người dùng quốc gia này đã bày tỏ quan ngại về việc dữ liệu người dùng của họ bị sử dụng cho những mục đích riêng của chính phủ Trung Quốc.
Chưa thể có một lời khẳng định về một Tik Tok thứ hai, nhưng với Resso, ByteDance chắc chắn hy vọng sẽ có thể giảm bớt ánh mắt chú ý của chính phủ Hoa Kỳ ở thời điểm hiện tại.