Sẽ sớm có thuốc trị virus corona?

Cùng với các diễn biến nhanh chóng của đợt dịch cúm do một chủng mới của virus corona gây ra, cuộc đua tìm thuốc ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này cũng tăng tốc ở các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.
Sẽ sớm có thuốc trị virus corona? - Ảnh 1.

Sắp có thuốc đặc trị?

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đặt hi vọng vào một loại thuốc kháng virus mới có tên là remdesivir, do hãng dược Gilead Sciences, trụ sở tại California phát triển. Họ bào chế loại thuốc này là nhắm đến con virus ebola và đã được thử nghiệm ở người trong các năm 2014, 2015. Mặc dù kết quả trên bệnh ebola không khả quan, remdesivir được cho là an toàn ở người.

Do dịch Ebola được dập tắt, việc thử nghiệm trên người cũng kết thúc. Tuy nhiên, Gilead Sciences vẫn tiếp tục thử nghiệm trên chuột, và phát hiện thuốc có thể chặn đứng các chủng virus gây ra SARS, MERS và một số loại coronavirus trên động vật khác.

Trong đợt dịch lần này, remdesivir đã được đem ra thử nghiệm với một bệnh nhân ở bang Washington, từ Vũ Hán quay về Mỹ, là bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh ở Mỹ. Bệnh nhân được cho uống remdesivir vào ngày 26/1, sau khi nhập viện được 7 ngày. Ngay ngày hôm sau, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, và đến ngày 30/1, các triệu chứng đã biến mất trừ chuyện ho, đang thuyên giảm dần.

Trong một nghiên cứu công bố trên New England Journal of Medicine, người ta cho biết vào ngày bắt đầu uống thuốc của Gilead, thân nhiệt của bệnh nhân lên đến 39,4 độ, hôm sau giảm còn 37,3 độ và những ngày sau đó thì hết sốt hẳn. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị vẫn cho rằng, cần thử nghiệm remdesivir trên quy mô lớn hơn, mới xác định thuốc có phải là phương thức điều trị corona virus hay chưa.

Ngay sau đó, Gilead Sciences cho biết họ đã cung cấp một số liều thuốc cho Trung Quốc để điều trị thử nghiệm các ca bệnh do virus corona tại đây. Theo hãng tin Bloomberg, thuốc sẽ được nhóm nhân viên y tế của bệnh viện hữu nghị Nhật-Trung tại Bắc Kinh sử dụng, để điều trị cho các bệnh nhân ở ngay tâm dịch Vũ Hán.

Hiện nay thuốc remdesivir chưa được các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ cấp phép lưu hành, nên chỉ được sử dụng trong thử nghiệm. Tuy nhiên, với tình hình dịch lan rộng ở Trung Quốc như hiện nay, người ta kì vọng việc thử nghiệm sẽ được tiến hành với tốc độ đẩy nhanh, để sớm có kết quả sau cùng. 

Trước mắt vào ngày thông tin này được báo chí đăng tải, giá cổ phiếu của Gilead Sciences tăng vọt đến 13%.

Ngay từ năm 2003, các nhà nghiên cứu nhận thấy, kết hợp hai loại thuốc kháng virus được dùng để điều trị HIV là Lopinavir và Ritonavir lại có hiệu quả trên bệnh nhân nhiễm SARS. Cũng như trường hợp Ebola, một khi SARS được dập tắt, người ta cũng chấm dứt thử nghiệm dùng hai loại thuốc này.

Nay người ta lại đem bài thuốc cũ ra sử dụng.

Tại Thái Lan, hỗn hợp gồm lopinavir và ritonavir dùng kết hợp với thuốc trị cúm oseltamivir được cho là hiệu nghiệm trên bệnh nhân nhiễm virus corona mới. Bệnh nhân 71 tuổi được cho dùng thuốc, và trong vòng 48 tiếng sau, xét nghiệm cho kết quả âm tính với coronavirus.

Đích nhắm lâu dài: vaccin

Với các căn bệnh do virus gây ra, vaccin phòng ngừa là giải pháp tốt nhất. Thế nhưng chưa có một loại vaccin nào có thể ngăn chận chủng virus corona mới này; ngay cả vaccin cho cúm thông thường, dù đã được nghiên cứu hơn một thập niên qua nay vẫn ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, để xem chúng có an toàn cho người và có hiệu quả.

Theo tờ Washing Post, hiện nay các phòng thí nghiệm ở nhiều địa điểm trên nước Mỹ gồm Boston, Houston, San Diego đang chạy nước rút để sản xuất vaccin, được kì vọng sẽ ngăn chặn con virus mới xuất hiện. 

Báo này trích lời Barney Graham, Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu vaccin của Viện Y tế quốc gia Mỹ, cho rằng các nỗ lực chế tạo vaccin trước đây tính bằng năm thì nay được tính bằng tháng.

Ông hi vọng đến tháng 4 năm nay sẽ có vaccin sẵn sàng thử nghiệm trên người. Các phòng thí nghiệm này hoạt động hết công suất, nhằm tìm vaccin cho cúm corona mới, nhưng đồng thời cũng chạy thử quy trình bào chế vaccin khẩn cấp cho mọi mầm bệnh trong tương lai.

Các hãng dược không mặn mà lắm chuyện sản xuất vaccin, vì nhiều lí do. Một mặt họ tập trung vào các loại thuốc trị ung thư và bệnh lạ, nhằm bán với giá cao, lợi nhuận nhiều. Tổng cộng 20 doanh nghiệp dược lớn chi tiêu 2 tỉ đô la để nghiên cứu các loại thuốc mới trong năm qua, nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp là có các đơn vị nghiên cứu vaccin.

Mặt khác, mỗi lần có một loại dịch mới bùng phát thì mối quan tâm đến vaccin phòng ngừa tăng vọt lên, tiền đầu tư cũng như tiền tài trợ được hứa hẹn thật sôi động. Thế nhưng, khi dịch qua đi, mối quan tâm nhanh chóng xẹp xuống. Các kết quả ban đầu về vaccin cho dịch trông rất hứa hẹn, nhưng sau đó bị trôi vào quên lãng.

Cách đây 8 năm, Peter Jay Hotez, Giám đốc Trung tâm phát triển vaccin tại bệnh viện Nhi Texas, nhận được tài trợ để phát triển vaccin cho bệnh SARS. Đến năm 2016, họ sản xuất đủ vaccin để tiến hành thử nghiệm trên người, nhưng lúc đó tiền tài trợ lại hết, chỉ cần thêm 2 triệu đô la là có thể nghiên cứu hoàn thiện vaccin này, nhưng không tìm đâu ra.

Đến khi thông tin về con virus corona mới được công bố, Hotez nhận ra sự giống nhau với căn bệnh SARS ngày trước. Giả sử ông đã có tiền nghiên cứu tiếp, thì giờ đã có thể có ngay vaccin gửi đi Trung Quốc, ông kể với tờ Washington Post.

Dĩ nhiên các nghiên cứu trước đó vẫn rất hữu ích, nên mới có chuyện các phòng thí nghiệm chạy đua để sớm có vaccin trong vài tháng tới, chứ không cần chờ đến vài ba năm như trước nữa. Đích nhắm lâu dài của giới nghiên cứu, vì thế, là một loại vaccin chống được mọi chủng virus corona.

Mục tiêu này thật ra không phải là bất khả thi, vì hầu hết các loại virus corona đều có một ít protein ở bề mặt mà chúng sử dụng, để gắn chặt với các tế bào chúng lây nhiễm. Người ta có thể dựa vào đặc điểm này để phát triển một loại vaccin chung.

Trong một tuyên bố mới đây, hãng Johnson & Johnson cũng nhảy vào cuộc đua sản xuất vaccin, và cho biết họ cần từ 8-12 tháng để đưa vaccin của họ vào thử nghiệm trên người. Peter Jay Hotez cho biết thật ra về mặt công nghệ, sản xuất một loại vaccin đặc hiệu cho chủng virus mới này không khó lắm. Vấn đề là không thể rút ngắn thời gian đến một mức nào đó, vì còn phải thử nghiệm bảo đảm an toàn cho người được chủng ngừa nữa.

Có lẽ trong tình hình hiện nay, một khi có vaccin người ta sẽ cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch chủng ngừa trước, chứ chưa cần đợi cấp phép sử dụng đại trà. Khi dịch Ebola tàn phá Tây Phi vào năm 2014, thế giới chưa có vaccin. Nhưng khi bệnh xuất hiện trở lại ở Congo vào năm 2019, hơn 200.000 người được tiêm chủng phòng ngừa chứng bệnh đáng sợ này ngay lập tức.

chọn
Nhiều ông lớn cập bến Ninh Thuận
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận lần lượt đón các doanh nghiệp bất động sản lớn tìm về đầu tư như Ecopark, Hà Đô, T&T, Hoàng Quân...