Thanh Hóa phát triển huyện Quảng Xương thành thị xã vào năm 2030

Đó là một trong những mục tiêu tỉnh Thanh Hóa đặt ra trong quy hoạch xây dựng vùng huyện Quảng Xương đến năm 2045.

UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Quảng Xương đến năm 2045.

Thanh Hóa này cho biết quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được nghiên cứu thực hiện, trong đó có nhiều định hướng mới tác động đến địa bàn huyện Quảng Xương về phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Các đơn vị hành chính lân cận Quảng Xương là TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, đang tổ chức lập quy hoạch phân khu, huyện Nông Cống đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng, TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đang được lập điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung đô thị.

Việc nghiên cứu để kết nối tổng thể không gian phát triển đô thị, nông thôn, khu chức năng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của huyện Quảng Xương với với các đơn vị hành chính lân cận hiện nay là cần thiết.

Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quảng Xương lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đến năm 2030 huyện Quảng Xương phát triển thành thị xã.

Thanh Hóa phát triển huyện Quảng Xương thành thị xã vào năm 2030 - Ảnh 1.

Trung tâm huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. (Nguồn: Hội Khuyến học huyện Quảng Xương).

Các định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật liên vùng qua huyện Quảng Xương và khu vực lân cận bao gồm: Tuyến đường ven biển, tuyến đường Thái Bình kết nối huyện Quảng Xương với huyện Nông Cống, tuyến đường Thanh Niên kéo dài kết nối từ quốc lộ 1A đến quốc lộ 45, tuyến đường nối đại lộ Võ Nguyên Giáp với Khu công nghiệp Lưu Bình đang được nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng.

Vùng huyện Quảng Xương có diện tích lập quy hoạch khoảng 171,26 km2, bao gồm toàn bộ địa giới huyện Quảng Xương (25 xã và một thị trấn).

Việc lập quy hoạch sẽ tận dụng tối đa cơ hội do sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn, TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; đặc biệt là đối với dải ven biển và dọc trục quốc lộ 1A.

Về tính chất và chức năng, Quảng Xương là vùng phát triển đa ngành tập trung phát triển kinh tế biển; thương mại; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Đây cũng là địa bàn chiến lược, khu vực kết nối, hỗ trợ phát triển cho tam giác tăng trưởng TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn qua hành lang kinh tế hành lang kinh tế dọc tuyến quốc lộ 1A và dọc tuyến đường ven biển.

Dân số hiện trạng khu vực lập quy hoạch khoảng 199.943 người. Trong đó dân cư đô thị khoảng 20.952 người (thị trấn Tân Phong), tỷ lệ đô thị hóa đạt 10,48%.

Dự báo đến năm 2030 dân số toàn huyện là 220.000 người, dân số nội thị khoảng 140.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 63,6%, tốc độ đô thị hóa trung bình 7,48%/năm.

Đến năm 2045, dân số toàn huyện là 240.000 người, dân số nội thị khoảng 170.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 70,8%, tốc độ đô thị hóa trung bình 0,48%/năm.

Dự báo đến năm 2030 đất xây dựng đô thị khoảng 3.000 – 3.500 ha, đến năm 2045, đất xây dựng đô thị khoảng có quy mô khoảng 5.000 – 6.000 ha.

Không gian vùng sẽ phát triển dọc theo các tuyến giao thông quan trọng: theo hướng bắc nam (dọc quốc lộ 1A, quốc lộ 1A0, đường ven biển); theo hướng đông tây (dọc đường nối quốc lộ 47C kéo dài đến đường Thái - Bình, đường nối quốc lộ 45 với đường ven biển.

Đối với các khu vực phát triển du lịch, địa phương sẽ tập trung khai thác tối đa tiềm năng về du lịch biển; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng.

Quảng Xương sẽ phát triển khu công nghiệp tập trung tại khu vực xã Quảng Nhân, Quảng Đức, Quảng Lưu, Quảng Bình nhằm đón đầu các dự án tại khu vực ven biển. Huyện xác định các loại hình ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp.

Đối với phát triển hệ thống đô thị, trên cơ sở định hướng quy hoạch hệ thống đô thị toàn tỉnh, Thanh Hóa yêu cầu rà soát đánh giá, xác định lại quy mô, tính chất sự phù hợp của các đô thị trên địa bàn toàn huyện: thị trấn Tân Phong, đô thị Cống Trúc, đô thị Tiên Trang.

Thị trấn Tân Phong hiện là huyện lỵ, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của huyện Quảng Xương. Đây là đầu mối giao thương, dịch vụ thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có vai trò kết nối, hỗ trợ TP Thanh Hóa và vùng phụ cận.

Thanh Hóa phát triển huyện Quảng Xương thành thị xã vào năm 2030 - Ảnh 2.

Nhiều khu đô thị, biệt thự shophouse đã xuất hiện tại thị trấn Tân Phong. (Nguồn: Báo Thanh Hóa).

Dân số hiện trạng năm 2020 khoảng 20.603 người, dự báo quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 36.000 người. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung thị trấn khoảng 1.463 ha, trong đó, đất xây dựng đô thị là 1.030,16 ha, còn lại là các loại đất khác.

Thị trấn Tân Phong sẽ được ưu tiên phát triển trên cơ sở các trục không gian chủ đạo như quốc lộ 1, đường tránh phía đông, đường tránh phía tây quốc lộ 1, đường Thanh Niên và các tuyến đường bắc nam, đông tây qua đô thị.

Một số hạng mục được ưu tiên đầu tư gồm dự án đầu tư cụm công nghiệp thị trấn Tân Phong quy mô khoảng 65 ha; đầu tư các khu đô thị mới trên địa bàn thị trấn; xây dựng mới đường Thanh Niên kéo dài đoạn qua thị trấn khoảng 2 km; mở rộng và kéo dài tuyến Bắc Nam 1, chiều dài khoảng 6 km; xây dựng mới tuyến Bắc Nam 2, chiều dài khoảng 4,5 km; mở rộng và kéo dài đường Tân Định chiều dài khoảng 2,7 km,...

Đối với đô thị Tiên Trang, đây sẽ là là đô thị phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, công nghiệp. Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Tiên Trang, diện tích tự nhiên 1.033 ha, dân số hiện trạng khoảng 11.550 người. Dân số dự báo đến năm 2025 khoảng 15.000 người. 

Đến năm 2030, đô thị Tiên Trang có phạm vi ranh giới bao gồm các xã Tiên Trang, Quảng Nham và Quảng Thạch với tổng diện tích 1.772 ha, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 42.500 người.

Định hướng đến năm 2035, đô thị Tiên Trang là khu vực nội thị của thị xã Quảng Xương tương lai.

Quảng Xương là đơn vị hành chính cấp huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Thanh Hóa; phía bắc giáp TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn, phía nam giáp thị xã Nghi Sơn, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Nông Cống và huyện Đông Sơn; có diện tích tự nhiên 17.422 ha, chiếm 1,56% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.

Quảng Xương hiện có mạng lưới giao thông thuận lợi, trên địa bàn huyện có các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 45, tỉnh lộ 504, tỉnh lộ 511 và tuyến đường bộ ven biển kết nối các khu kinh tế động lực của huyện với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối giao thông chính của tỉnh như: TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn, KCN Lam Sơn Sao Vàng, Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng biển nước sâu Nghi Sơn,…

Đặc biệt, tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Quảng Xương đã và đang được đầu tư hoàn thiện, tạo điều kiện khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển, bờ biển còn hoang sơ, có độ thoải với nhiều bãi tắm đẹp ở các xã Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái, Tiên Trang và mũi đất Quảng Nham, vùng triều Lạch Ghép tại xã Quảng Trung và Quảng Chính.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.