Thế Giới Di Động vượt qua mùa dịch Covid-19 như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi, trong đó có Thế Giới Di Động.
Thế Giới Di Động ứng phó với đại dịch: Cắt gọt hàng tồn kho và nợ vay hàng nghìn tỉ đồng, thúc đẩy mua bán online - Ảnh 1.

Thế Giới Di Động khuyến khích khách hàng mua online trong thời gian có dịch COVID-19. Ảnh: Song Ngọc.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các biện pháp giãn cách xã hội gây ra nhiều thay đổi trong hoạt động, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã phải thực hiện loạt biện pháp để thích ứng với môi trường mới.

Điều kiện hiện nay có cả những khó khăn và thuận lợi. Câu hỏi đặt ra là làm sao để tận dụng những lợi ích và giảm thiểu thiệt hại.

Thế Giới Di Động tạm đóng hàng trăm cửa hàng điện tử, điện máy

Khách hàng đến với các cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh hay Bách Hóa Xanh của MWG những ngày này sẽ thấy tất cả nhân viên đều đeo khẩu trang phòng dịch. Bản thân khách hàng cũng phải đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi bước vào. Những biện pháp này chắc hẳn kéo theo nhiều chi phí liên quan.

Thực tế, một nhân viên siêu thị Điện Máy Xanh tại Đà Nẵng đã dương tính với COVID-19 sau khi tiếp xúc với một du khách người Anh nhiễm bệnh.

Thế Giới Di Động ứng phó với đại dịch: Cắt gọt hàng tồn kho và nợ vay hàng nghìn tỉ đồng, thúc đẩy mua bán online - Ảnh 2.

Thông báo tại một siêu thị Thế Giới Di Động Điện Máy Xanh trong thời dịch. Ảnh: Song Ngọc.

Trong tháng 3, để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, MWG đã đóng cửa khoảng 10% tổng số cửa hàng ở các chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (chủ yếu tại Hà Nội) theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Tại ngày 31/3, MWG có khoảng 2.000 cửa hàng thuộc hai chuỗi nói trên, tức là khoảng 200 cửa hàng phải tạm đóng cửa.

Lãnh đạo MWG từng tuyên bố sẽ thương lượng với chủ nhà để giảm 50% hoặc miễn phí tiền thuê trong thời gian phải đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền. Nếu đối tác quá cứng nhắc, không chia sẻ cùng công ty, MWG sẽ cân nhắc chuyển sang địa điểm có chi phí hợp lí hơn.

Trong hoàn cảnh nhiều cửa hàng điện thoại – điện máy phải đóng cửa, nhu cầu với các mặt hàng này cũng không cao trong thời gian giãn cách xã hội, MWG đã cắt giảm hàng tồn kho thiết bị điện tử hơn 1.500 tỉ đồng, tồn kho điện thoại di động giảm gần 2.900 tỉ đồng.

Tổng cộng hàng tồn kho của MWG giảm khoảng 4.800 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm 2020.

Thế Giới Di Động ứng phó với đại dịch: Cắt gọt hàng tồn kho và nợ vay hàng nghìn tỉ đồng, thúc đẩy mua bán online - Ảnh 3.

Trích báo cáo tài chính hợp nhất quí I của MWG.

Bách Hóa Xanh đắt hàng trong mùa dịch

Số lượng cửa hàng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Thoại Siêu Rẻ giảm từ 1.015 thời điểm cuối tháng 1 xuống còn 1.009 thời điểm cuối tháng 3. Cùng khoảng thời gian trên, số cửa hàng chuỗi Điện Máy Xanh nhích nhẹ từ 1.028 lên 1.030.

Trong khi đó, số cửa hàng Bách Hóa Xanh từ 1.041 vọt lên 1.158, tức là có thêm 117 cửa hàng. Sự mở rộng này cho thấy nhu cầu rất lớn của người dân đối với các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu trong những tháng dịch bệnh.

Về doanh thu quí I, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Thoại Siêu Rẻ giảm khoảng 6%, chuỗi Điện Máy Xanh tăng 13% trong khi Bách Hóa Xanh bứt phá tăng 178%.

Lãnh đạo MWG cho biết kế hoạch chuyển đổi hay mở mới cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ bị hoãn lại cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngược lại, hoạt động mở mới của Bách Hóa Xanh vẫn được thực hiện như kế hoạch, tương đương với khoảng 700-1.000 cửa hàng mới trong năm nay.

Số lượng khách hàng đến mua sắm tại Bách Hóa Xanh tăng đột biến nên MWG đã phải điều chuyển, bổ sung thêm nhân sự phục vụ tại cửa hàng và các kho để đảm bảo hoạt động vận hành an toàn, đồng thời tuân thủ các theo khuyến cáo của cơ quan quản lí. Yêu cầu cung ứng các sản phẩm tươi sống và tiêu dùng nhanh của Bách Hóa Xanh cũng phức tạp hơn so với hàng điện tử, điện máy.

Những nhân tố trên khiến cho tỉ lệ chi phí vận hành trên doanh thu của MWG tăng so với cùng kì năm trước.

Cụ thể, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp của MWG trong quí I/2020 là hơn 4.562 tỉ đồng, tương đương 15,5% doanh thu thuần. Trong quí I/2019, các con số lần lượt là 3.079 tỉ đồng và 12,3%.

Để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng trong và sau thời gian giãn cách xã hội, MWG đã xây dựng giải pháp "đi chợ giùm bạn" trên trang www.bachhoaxanh.com.

Như vậy, ngoài mua sắm trực tiếp tại cửa hàng và mua sắm trên kênh Bách Hóa Xanh online, khách hàng có thêm lựa chọn yêu cầu nhân viên MWG "đi chợ hộ" tại cửa hàng Bách Hóa Xanh gần với rổ khoảng 200 sản phẩm thiết yếu bao gồm cả thực phẩm tươi sống. Giải pháp này được triển khai thử nghiệm tại TP HCM từ tháng 4. 

Cắt nợ vay, thêm tiền mặt

Báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 cho thấy trong ba tháng đầu năm, MWG đã giảm gần 6.100 tỉ đồng. Trong đó phải trả người bán ngắn hạn sụt 4.354 tỉ đồng và vay ngắn hạn giảm hơn 2.500 tỉ đồng so với cuối năm 2019.

Thế Giới Di Động ứng phó với đại dịch: Cắt gọt hàng tồn kho và nợ vay hàng nghìn tỉ đồng, thúc đẩy mua bán online - Ảnh 4.

Trích báo cáo tài chính hợp nhất quí I của MWG.

Chi phí lãi vay được kiểm soát ở mức 178 tỉ đồng. Tỉ lệ khả năng trả lãi (Thu nhập trước thuế và lãi vay/Lãi vay) được cải thiện từ 8,56 lần vào quí IV/2019 lên 9,67 lần trong quí I/2020.

Tiền và tương đương tiền thời điểm 31/3 là hơn 3.273 tỉ đồng, tăng 158 tỉ đồng. Tỉ trọng tiền/tổng tài sản tăng từ 7,5% cuối năm ngoái lên gần 9% vào cuối quí I năm nay.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.