Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (17/8 - 23/8): Đề xuất quy hoạch 2 cao tốc mới, cần hơn 151 tỷ USD xây đường sắt trong 6 năm tới

Đề xuất bổ sung cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và Quảng Ngãi - Kon Tum; cần hơn 151 tỷ USD cho các dự án đường sắt đến năm 2030; hình hài cao tốc đi qua KKT Vân Phong sắp hoàn thành... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Cần hơn 151 tỷ USD cho các dự án đường sắt đến năm 2030

Theo thông tin từ báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hệ thống đường sắt là phương thức có ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường nên sẽ là một trong các ưu tiên đầu tư.

Do đó, Bộ GTVT tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM để giảm ùn tắc giao thông, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước.

Cần hơn 151 tỷ USD cho các dự án đường sắt đến năm 2030. (Ảnh: Báo Đầu tư). 

Theo tính toán, riêng lĩnh vực đường sắt, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 151,2 tỷ USD (bao gồm cả đường sắt đô thị); đến năm 2050 vào khoảng 312 tỷ USD.

Hình hài cao tốc đi qua KKT Vân Phong sắp hoàn thành

Cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư có chiều dài 83 km, đi qua thị xã Ninh Hòa và 3 huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 1/2023. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện nay cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tiến độ tốt nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc đang triển khai trên cả nước. Dự án dự kiến đi vào hoạt động vào dịp 30/4/2025.

Thi công cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành phần tuyến chính cao tốc. Tuy nhiên, còn khoảng 2,4 km chưa thi công hoàn thiện được do vướng hạ tầng kỹ thuật và vướng mắc giải phóng mặt bằng một số vị trí cục bộ.

Bình Dương đề xuất hơn 2.000 tỷ làm 1,8 km đường ven sông Sài Gòn

Vừa qua, lãnh đạo đã đi khảo sát tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn TP Thủ Dầu Một.​

Theo báo cáo của UBND TP Thủ Dầu Một, Dự án đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn thành phố có chiều dài khoảng 4,8 km (từ cầu Phú Cường đến rạch Bà Lụa).

 Thi công đường ven sông Sài Gòn. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương).

Trong đó, 3 km đã hoàn thành xây dựng, còn 1,8 km (từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa) đang triển khai các bước đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 2.133 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.447 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 409 tỷ đồng. Hiện, UBND TP Thủ Dầu Một đã hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Tây Nguyên được đầu tư gần 1.900 km cao tốc

Theo VnExpress, tại lễ phát động kết nối trực tuyến với 10 tỉnh có cao tốc phải hoàn thành trong năm 2025, Thủ tướng thông tin về việc thời gian tới, Tây Nguyên cần được đầu tư để hoàn thành mục tiêu xây dựng gần 1.900 km cao tốc.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc. Trong đó, một tuyến trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây với tổng chiều dài 495 km từ Ngọc Hồi - Chơn Thành (đoạn cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 140 km dự kiến khởi công cuối năm nay; đoạn Ngọc Hồi - Gia Nghĩa 355 km đang nghiên cứu đầu tư). Ngoài ra, còn có 8 tuyến trục ngang khác dài khoảng 1.400 km.

Xem cụ thể các tuyến cao tốc khu vực Tây Nguyên TẠI ĐÂY.

Hợp long cầu hơn 1.500 tỷ đồng qua sông Hương

Theo VnExpress, Sau 20 tháng khởi công, cầu vượt Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương, TP Huế đã thành hình. Ngày 14/8, nhà thầu hợp long dựng vòm thép dài 380 m.

Cầu vượt Nguyễn Hoàng và đường Nguyễn Hoàng mở rộng khởi công xây dựng tháng 12/2022 với tổng vốn đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây cầu hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo thiết kế, cầu vòm thép gồm 5 nhịp, rộng 43 m, 6 làn xe, làn đi bộ rộng 3 m, đường dẫn hai đầu dài 210 m. Kết cấu khả năng thông thuyền tối thiểu rộng 30 m, cao 6 m.

Loạt cao tốc được đề xuất điều chỉnh quy mô

Theo TTXV, Cục Đường bộ Việt Nam vừa qua đã trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các tuyến cao tốc được điều chỉnh quy mô gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Pháp Vân - Phú Thứ (Hà Nam), đoạn Bến Lức (Long An) - Trung Lương (Tiền Giang), đoạn Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long.

Theo đó, điều chỉnh quy mô đoạn Pháp Vân - Phú Thứ từ 8 làn xe thành 10 - 12 làn xe; đoạn Bến Lức - Trung Lương từ 6 làn xe thành 10 - 12 làn xe; đoạn Cần Thơ - Cà Mau từ 4 làn xe thành 6 làn xe; cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long được điều chỉnh quy mô từ 4 lên 6 làn xe.

Ngoài ra, một số tuyến cao tốc được điều chỉnh phạm vi gồm: cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và cao tốc TP HCM - Mộc Bài. 

Đề xuất bổ sung quy hoạch mới hai tuyến cao tốc dài 196 km

Bên cạnh việc điều chỉnh quy mô các đoạn tuyến cao tốc, tờ trình điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bổ sung quy hoạch mới 2 tuyến cao tốc là Cà Mau - Đất Mũi và Quảng Ngãi - Kon Tum. 

Theo đó, dự thảo bổ sung quy hoạch mới tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi, chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, chiều dài khoảng 136 km, quy mô 4 làn xe. Cả hai tuyến cao tốc này có tiến trình đầu tư trước năm 2030.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.