TP HCM công bố hơn 1.000 điểm bán khẩu trang kháng khuẩn tại 24 quận huyện

Hơn 1.000 điểm bán khẩu trang trong danh sách của Sở Công Thương TP HCM công bố là các siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Satrafoods, VinMart, VinMart+, Big C, Lotte Mart, Aeon…

Sở Công Thương TP HCM đã cung cấp danh sách 1.073 điểm bán khẩu trang vải trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố, để hỗ trợ người dân phòng dịch Covid-19.

Sở cho biết đây là danh sách các điểm bán khẩu trang vải đảm bảo chất lượng, phân phối các loại khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng giọt nước và khẩu trang vải thường.

TP HCM công bố hơn 1.000 điểm bán khẩu trang kháng khuẩn - Ảnh 1.

Các điểm bán khẩu trang TP HCM cho biết gồm Co.opmart, VinMart, VinMart+, Big C, Lotte Mart, Aeon… (Ảnh: Phúc Minh).

Hơn 1.000 điểm bán khẩu trang vải trong danh sách của Sở Công Thương TP HCM chủ yếu là các chi nhánh thuộc nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Satrafoods, VinMart, VinMart+, Big C, Lotte Mart, Aeon…

Trước đó, Sở Công Thương cũng đã có văn bản về việc cung ứng khẩu trang kháng khuẩn trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Văn bản nêu rõ trong trường hợp người dân phát hiện các hệ thống siêu thị như Co.op Mart, VinMart, Lotte Mart, Satra, Big C… không cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể thông tin về đường dây nóng của Phòng Quản lí thương mại, Sở Công Thương qua các số điện thoại 028 3829 1670 - 0909 495 868 - 0909 495 166, để kịp thời xử lí theo quy định.

Lãnh đạo TP HCM từng nhấn mạnh rằng thành phố sẽ đảm bảo không thiếu khẩu trang cung ứng cho người dân, nhằm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19. 

Phát hiện, tiêu huỷ 27.500 khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng

Sở Công Thương TP HCM khuyến cáo các điểm bán trên đảm bảo chất lượng, người dân có thể yên tâm mua để phòng dịch. Trong khi đó, nhiều điểm bán bên ngoài có thể không đảm bảo chất lượng hoặc giá quá cao.

Mới đây (26/3), Cục Quản lí thị trường TP HCM xử lí một cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star về hành vi sản xuất hàng giả.

TP HCM công bố hơn 1.000 điểm bán khẩu trang kháng khuẩn - Ảnh 2.

Phát hiện, tiêu huỷ 27.500 khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng. (Ảnh: QLTT).

Đội Quản lí thị trường số 3 của Cục Quản lí thị trường TP HCM tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star của ông Phạm Văn Quang làm chủ, trên địa bàn phường Phú Thạnh, quận Tân Phú.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng tịch thu 557 hộp khẩu trang y tế cao cấp hiệu Nice Star loại 4 lớp, 50 chiếc/hộp, tương đương 27.850 chiếc, hạn sử dụng đến tháng 1/2025. Toàn bộ số khẩu trang này chưa qua sử dụng, có giá niêm yết 28.000 đồng/hộp.

Sau khi lập biên bản tạm giữ, đem 300 chiếc đi kiểm nghiệm, kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm trên được gia công theo yêu cầu của khách đặt hàng dùng giấy thường, thay cho lớp giấy lọc kháng khuẩn, tức 3 lớp vải không dệt và 1 lớp giấy thường, thay vì 3 lớp vải không dệt và 1 lớp giấy lọc, nhằm giảm chi phí và giá thành sản phẩm.

Cục Quản lí thị trường TP HCM quyết định xử lí vi phạm hành chính với số tiền phạt 50 triệu đồng, đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng là trang thiết bị y tế. 

Đồng thời, lực lượng chức năng đã buộc tiêu hủy 27.550 chiếc khẩu trang giả, sau khi trừ số khẩu trang gửi kiểm nghiệm.

Không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị phạt đến 300.000 đồng

Chiều 27/3, UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo đến lãnh đạo các sở ngành và chủ tịch UBND quận, huyện, về việc xử lí các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, sẽ tập trung xử lí các hành vi tung tin sai sự thật gây hoang mang dư luận; các hành vi găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường; các hành vi vi phạm về cách li y tế, biện pháp phòng chống dịch...

Đáng lưu ý, việc không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 176/2013).

Chủ tịch UBND cấp xã, công chức, viên chức ngành y tế, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện kiểm tra, xử lí.

 

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.