TS. Vũ Đình Ánh: Tiền trong dân còn rất nhiều, dòng vốn từ chứng khoán sắp đổ sang BĐS

Nói về nguy cơ nợ xấu trong thị trường bất động sản, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tiền trong dân còn rất nhiều, dù tình hình kinh tế đi xuống thì lượng tiền vẫn vậy, hoặc thậm chí là tăng lên.

Tại hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19" do báo Tiền Phong tổ chức mới đây, một số ý kiến đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ nợ xấu và hệ lụy đối với thị trường bất động sản tương lai, khi dòng tiền đã chảy khá nhiều vào bất động sản và chứng khoán trong thời gian qua, bất chấp dịch bệnh.

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, dù nền kinh tế phát triển đi lên hay đi xuống thì lượng tiền vẫn vậy, thậm chí còn tăng lên. Tiền nằm ở nhiều bộ phận của nền kinh tế, trong đó có nằm trong dân.

"Câu nói "tiền trong dân còn rất nhiều" là hoàn toàn chính xác. Tiền còn rất nhiều, chỉ đi từ túi người này sang túi người khác", ông Ánh khẳng định.

TS. Vũ Đình Ánh: 'Chính xác là tiền trong dân còn rất nhiều' - Ảnh 1.

TS. Vũ Đình Ánh phát biểu tại hội thảo "Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19". (Ảnh: Tiền Phong).

Thời gian qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với nhiều tài khoản mở mới. Qua đó cho thấy tiền trong dân còn nhiều, cũng như nhu cầu đầu tư mạnh mẽ ở giai đoạn này.

Bất động sản cũng là kênh đầu tư để dòng tiền trú ngụ, trong bối cảnh các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bị "đóng băng" do dịch.

"Dòng tiền tới đây sẽ hiện thực hoá khoản lãi từ thị trường chứng khoán sang bất động sản", TS. Vũ Đình Ánh dự đoán.

Chuyên gia kinh tế cũng cho biết, thời gian qua các ngân hàng đã thực hiện việc cho vay rất tốt, trong đó có cho vay bất động sản. Thị trường bất động sản vẫn có dòng tiền đi vào. Chính sách cho giãn nợ, không chuyển nhóm nợ của các ngân hàng cũng đã tác động tích cực đến dòng tiền vào thị trường này.

"Tới đây, ngân hàng sẽ không báo lãi khủng, mà tăng trích lập dự phòng rủi ro. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã đưa ra dự báo, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên mức gần 8% đến cuối năm nay. Trong đó, hơn 15% nợ xấu là cho vay bất động sản. Nên nếu thị trường bất động sản năm 2022 phục hồi không tốt sẽ góp phần làm nợ xấu tăng lên".

Mặt khác, chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng nhìn nhận, thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ phát triển như thế nào không chỉ do chính sách vĩ mô mà còn phụ thuộc vào định hướng, phương án kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản (Cục Quản lý nhà ở và thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng), cũng nhìn nhận tích cực về sự phục hồi của thị trường bất động sản trong tương lai. 

Ông Dũng cho biết, thị trường bất động sản quý III đã có sự giảm phát rõ rệt so với hai quý đầu năm. Tuy nhiên, đây chỉ là sự giảm phát ngắn hạn do tác động của dịch bệnh chứ không phải giảm phát do cung cầu thị trường. 

"Chúng ta có cái nhìn khả quan là thị trường có thể phục hồi và sẽ phục hồi từng bước sau khi trở lại trạng thái bình thường mới", ông Dũng khẳng định.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.