Hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh Kinh thành Huế được xây dựng từ năm 1832. Bờ kè này được đắp bằng đá núi, theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính. Để có được những viên đá gan gà này, ngày xưa, cha ông đã đưa từ trên núi xuống để xây dựng hộ thành hào.
Một góc Kinh thành Huế với bờ kè hộ thành hào không cần vữa đã 200 năm tuổi. (Ảnh: Khải Tuấn).
Nhờ bàn tay khéo léo của người thợ xếp đặt thành bờ hào mà không cần vữa. Những tảng đá ăn khớp và tồn tại qua thời gian. Đây là một phần trong quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Tuy nhiên, trải qua gần 200 năm, công trình bị xuống cấp nên được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế" với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỉ đồng.
Những tảng đá ăn khớp và tồn tại qua thời gian trước khi bảo tồn. (Ảnh: Khải Tuấn).
Trong đó có hạng mục "Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè hộ thành hào" có tổng chiều dài gần 20km (gồm 2 mặt hào).
Theo hồ sơ dự án, phương án tu bổ là "Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ".
Thế nhưng, khi dự án bắt đầu, nhiều ý kiến người dân phản ánh việc đơn vị thi công đã đưa các phương tiện cơ giới phá bờ kè gốc của hào nước, rồi xây kè gần như mới bằng bê tông, cốt thép.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những phản ánh của người dân có cơ sở. Bờ kè hào được tu bổ nhưng lại xây mới bằng đá granit, vữa xi măng, phần chân móng đúc bằng bê tông cốt thép.
Xây mới bờ kè. (Ảnh: Khải Tuấn).
Nói về vấn đề này, họa sĩ Trần Thanh Bình (nguyên giảng viên trường đại học Nghệ Thuật – ĐH Huế, thành viên Hội đồng Tham vấn các nhiệm vụ Khoa học của Trung tâm BTDTCĐ Huế) cho hay, việc áp dụng những công nghệ hoặc cơ giới ở một số công trình di tích là phải hạn chế tối đa, dù biết một số việc phải cần đến những phương tiện này.
Cũng theo ông Bình, trong khi bờ kè còn nguyên, không nên dùng cơ giới phá, không được làm như thế với di tích. Việc tác động trực tiếp vào bờ kè đang có để phá ra và xây lại là điều không ai chấp nhận được.
Ông Phan Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (đơn vị chủ đầu tư dự án), kiêm Giám đốc ban quản lí dự án thừa nhận, việc thi công khi diễn ra đảm bảo tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế, bản vẽ, nhưng đúng là đã có một số sơ suất.
Cụ thể, chọn lựa những viên đá còn có thể tái sử dụng, phần còn lại nằm dưới lòng hào, cách bờ trên 3m thì mới bắt đầu can thiệp bằng máy móc theo quy trình và định mức cho phép. Nhưng yêu cầu đó chưa được thực hiện một cách triệt để nên tạo phản ứng trong dư luận.
Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tạm ngừng thi công. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại các thủ tục, quá trình đánh giá, quy trình thi công để báo cáo lên UBND tỉnh.
Đô thị 13:41 | 04/02/2020
Đô thị 13:36 | 04/02/2020
Nhà đất 11:29 | 28/11/2019
Nhà đất 14:04 | 04/10/2019
Đô thị 15:56 | 26/09/2019
Đô thị 16:21 | 25/09/2019
Đô thị 11:43 | 24/09/2019
Đô thị 11:59 | 21/09/2019