Vòng quanh châu Á, khám phá ẩm thực dịp Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch

Tết Đoan Ngọ là ngày lễ gắn với sự tuần hoàn thời tiết trong năm của người Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc... Ở một số nước, Tết Đoan Ngọ được coi là ngày lễ, tết lớn trong năm.

Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc

Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ được xem là xuất phát từ Trung Hoa cổ đại khi ngày 5/5 Âm lịch hàng năm được xem là ngày giỗ của vị đại thần thời nhà Sở tên là Khuất Nguyên. 

Vì thế, vào ngày này, người Trung Quốc được nghỉ làm, nghỉ học để đi thăm hỏi, biếu quà và cùng thưởng thức các món truyền thống như bánh chưng, trứng mặn…

Điểm đặc biệt nhất là tại quốc gia này, bánh chưng được gói thêm lá ngải cứu để có mùi vị độc đáo, đặc trưng.

Vòng quanh châu Á, khám phá ẩm thực dịp Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch - Ảnh 1.

(Ảnh: VietNamNet).

Bánh chưng trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc có hình củ ấu nhỏ hơn bình thường. Nhân bánh có rất nhiều loại gồm nhân táo đỏ, nhân đậu, nhân thịt và nhân lạc. 

Tuỳ vào đặc điểm mỗi vùng miền mà người vùng đó sẽ chọn ra một loại nhân đại diện. Người miền Bắc Trung Quốc chủ yếu thích ăn loại bánh nhân ngọt như táo đỏ hay long nhãn, còn ở miền Nam thì người ta lại chuộng bánh chưng nhân mặn với thịt hay trứng muối.

Tương tự như người Việt ăn bánh ú tro thì người Trung Quốc coi bánh chưng là món "không thể thiếu" vào Tết Đoan Ngọ. 

Theo quan niệm của người Trung Quốc, họ ăn bánh chưng để mong muốn có sự khoẻ mạnh, tránh các dịch bệnh, thông minh và học giỏi hơn. Đêm trước ngày tết, mỗi nhà đều gói bánh chưng, cho vào nồi nấu, để chuẩn bị cho ngày đặc biệt trong năm. 

Ngoài ra, trẻ em Trung Quốc còn được người lớn tặng cho những vật trừ tà như chỉ năm màu, túi thơm, giày hình đầu hổ, yếm thêu hình con hổ. Trước nhà treo các loại lá thuốc để xua đuổi bệnh tật, trừ ruồi muỗi.

Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc

Là một trong ba ngày lễ lớn nhất của Hàn Quốc, bên cạnh Tết Nguyên Đán (Seol), Tết Trung Thu (Chuseok), Tết Đoan Ngọ ở xứ Hàn có tên là Dano, có lịch sử hơn 1.000 năm, bắt nguồn từ tỉnh Gangneung.

Theo quan niệm của người Hàn, số 5 là tượng trưng của sức mạnh, sự cường tráng. Nên vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm, mọi người được mặc trang phục truyền thống, nghỉ ngơi, thư giãn, ca hát, vui chơi, ăn những món ăn truyền thống với mục đích giữ sức khỏe, vóc dáng cho mùa hè và cầu mùa màng bội thu.

Món ăn phổ biến nhất trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc là Suritteok và Yaktteok - hai loại bánh truyền thống làm từ gạo. 

Vòng quanh châu Á, khám phá ẩm thực dịp Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch - Ảnh 2.

Người Hàn Quốc sẽ gội đầu bằng thảo mộc trong dịp Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Duhochanquoc).

Để làm món bánh Suritteok, người ta đem loại gạo không dính, nấu chín cùng lá ngải cứu để tạo ra loại bánh dẻo có màu xanh. Sau đó, nhờ bàn tay khéo léo của người Hàn Quốc mà từ chính những nguyên liệu đó làm nên nhưng chiếc bánh Suritteok có hình bánh xe. 

Còn bánh Yaktteok lại được làm cầu kì, phức tạp hơn. Hình dáng của bánh rất phong phú và được nặn tuỳ thuộc vào sở thích của người làm.

Ngoài ra, vào dịp này,  phụ nữ Hàn Quốc tin rằng, muốn tóc suôn mượt óng ả thì phải gội đầu bằng thảo mộc Diên Vĩ. Đàn ông Hàn Quốc thì quấn rễ cây này xung quanh dây lưng để xua đuổi ma tà và chở che khỏi những vong linh xấu rình rập.

Tết Đoan Ngọ ở Đài Loan

Không quá rầm rộ, tổ chức linh đình và không được nghỉ như người Trung, Hàn, người dân Đài Loan vẫn lưu truyền những phong tục cổ xưa truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ. 

Bữa ăn của họ thường gồm có 5 món: Bánh chưng, đậu, cà, mận và quả đào nương. Họ còn uống rượu Hùng Hoàng để xua đuổi ngũ độc (gồm bò cạp, rắn, rết, thằn lằn và cóc), vẩy nước Hùng Hoàng vào gầm giường, góc tường để trừ độc.

Ngoài ra, vào giờ Ngọ, người Đài Loan thường uống nước, tắm để bài trừ xui xẻo. Họ còn quan niệm rằng nếu gà đẻ trứng vào đúng giờ Ngọ sẽ mang lại may mắn. 

Hoạt động cộng đồng được người Đài Loan tham gia nhiều nhất vào dịp Tết Đoan Ngọ là đua thuyền rồng.

Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là một trong những dịp lễ lớn trong năm chỉ sau Tết Nguyên Đán và có rất nhiều tên khác nhau như: Tết diệt sâu bọ, Tết nửa năm... 

Vào ngày này, người Việt thường sắm sửa một mâm cúng đầy đủ hoa, quả, cơm rượu nếp, vịt và nhất định không thể thiếu những chùm bánh ú tro truyền thống. 

Bánh tro có nhiều tên khác nhau như banh ú, bánh gio và bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương. Người ta làm bánh bằng gạo nếp trộn gạo tẻ đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm.

Vòng quanh châu Á, khám phá ẩm thực dịp Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch - Ảnh 3.

Những món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh sưu tầm).

Có thể nói tinh hoa của Tết Đoan Ngọ Việt Nam đều được gói gọn trong loại bánh nhỏ nhắn mà cách làm không hề đơn giản này. Gạo làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm

Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, được gạn sạch kĩ lưỡng. Bánh được gói trong lá chuối xanh rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng cho mọi người thưởng thức. 

Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kì ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này. Chiếc bánh nhỏ xíu hình chóp dẻo dai từ lớp bột bên ngoài hoà cùng phần nhân đặc sắc đã trở thành hình ảnh truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của nước ta. 

Ở miền Bắc, người ta thường chấm với đường hoặc mật ong, mật mía khi ăn. Còn ở miền Nam Trung Bộ trở vào, trong nhân bánh đã có sẵn đậu đỗ trộn đường nặn tròn hoặc nhân mặn thịt heo.

Sở dĩ ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn có tên là Tết diệt sâu bọ bởi đây là thời điểm trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh nên người dân phát động những hoạt động để tránh côn trùng, sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ là một trong những lễ tết mang đậm bản sắc Á Đông với rất nhiều món ăn ngon, phong tục truyền thống đặc biệt, tiêu biểu cho văn hoá mỗi nước. Dù cho có đơn giản hay cầu kì thì chúng đều thể hiện văn hoá và phong tục từ xa xưa của các quốc gia. 

Có một điểm chung nhất, Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để con cháu về nhà đoàn tụ, ăn một bữa cơm gia đình sum họp, quây quần đầm ấm bên nhau. Đó chính là ý nghĩa đặc biệt nhất của ngày Tết này.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.