14 bí quyết giúp mở rộng không gian có diện tích khiêm tốn

Thiết kế nội thất hợp lí và tiện nghi cho một không gian nhỏ hẹp không khó như bạn nghĩ. Dưới đây là 14 điều cơ bản mà bạn cần nhớ để tận dụng tối đa diện tích mà mình có và biến nó thành một nơi đáng sống cho bản thân và gia đình.

Trang moving.com khẳng định rằng nhà nhỏ không có nghĩa là không còn chỗ cho sự sáng tạo và thiết kế theo phong cách mà bạn mong muốn. Diện tích của không gian không ảnh hưởng gì tới cách mà bạn thiết kế, sắp đặt nó. Dù không gian rộng hay chật thì đều cần sự khéo léo trong cách thiết kế và một con mắt thẩm mĩ tinh tế để đánh giá xem đâu là vật dụng phù hợp với không gian, đâu là vị trí thích hợp cho nó và cái gì là không phù hợp. Dĩ nhiên khi diện tích có hạn thì những sự lựa chọn cũng bị giới hạn hơn một chút nhưng nhìn chung thì vẫn có một vài nguyên tắc bất di bất dịch mà bạn cần lưu ý cho dù diện tích nhà bạn là bao nhiêu đi nữa.

Thiết kế nội thất hợp lí và tiện nghi cho một không gian nhỏ hẹp không khó như bạn nghĩ. Dưới đây là 14 điều cơ bản mà bạn cần nhớ để tận dụng tối đa diện tích mà mình có và biến nó thành một nơi đáng sống cho bản thân và gia đình.

1. Ánh sáng là rất quan trọng

Không gian nhỏ nhưng đủ sáng thì cũng tạo cảm giác rộng rãi hơn rất nhiều. Vậy nên bên cạnh ánh sáng tự nhiên thì việc sử dụng các loại đèn và chọn vị trí thích hợp để lắp đặt các thiết bị chiếu sáng trong nhà cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó thì một căn nhà đủ sáng cũng mang lại cảm giác ấm áp cho không gian nữa. Nếu bạn không có đủ diện tích để đặt các loại đèn cây hoặc đèn bàn thì các loại đèn treo tường, đèn dây hoặc đèn chùm sẽ là lựa chọn sáng suốt.

8faae6559d4485dcfad640d3624b3410

(Ảnh minh họa: Camille Styles)

2. Đặt những đồ vật chiếm nhiều diện tích ra rìa

Diện tích nhỏ không có nghĩa là bạn phải loại bỏ tất cả những vật dụng cồng kềnh vì có những đồ vật là cần thiết và không thể thay thế được, tuy nhiên không gian nhỏ hẹp đòi hỏi bạn phải tính toán thật kĩ nên đặt những đồ vật chiếm nhiều diện tích ở đâu. Bằng cách đặt các đồ vật chiếm nhiều diện tích như sofa, tủ, giá sách ra rìa, sát tường, bạn sẽ tạo được chiều sâu cho không gian và nhờ thế mà làm giảm cảm giác chật chội, vướng tầm nhìn.

6df04db4e60623358bcb7b4bd54bae00

(Ảnh minh họa: Zrobym)

3. Lựa chọn đồ nội thất đa chức năng hoặc có thể đóng/ mở linh hoạt

Có rất nhiều loại đồ gia dụng có thể đáp ứng được nhiều hơn một nhu cầu của đời sống hàng ngày và đây chính là những thứ không những giúp bạn tiết kiệm diện tích mà còn cả tiền bạc nữa. Khi các căn hộ nhỏ và siêu nhỏ đang dần trở thành xu hướng, việc tìm kiếm những vật dụng đa chức năng hoặc có thể gập vào, mở ra linh hoạt không hề khó. Bàn làm việc, bàn ăn và thậm chí cả giường ngủ cỡ đại đều được thiết kế thông minh để có thể "giấu" đi khi không dùng tới hoặc dễ dàng di chuyển ra một vị trí trí khác khi cần. Bạn hoàn toàn có thể tìm được những đồ dùng phù hợp với nhu cầu của mình, ví dụ như giường ngủ tích hợp với ghế sofa hoặc bàn đầu giường tích hợp với bàn làm việc chẳng hạn.

c24baa82e68f81f256846b24ffb91c6d

(Ảnh minh họa: Good News Architecture)

4. Gương là một trợ thủ đắc lực

Nói về đồ nội thất đa chức năng thì gương chắc chắn là một trong số đó. Gương không chỉ giúp tăng cường ánh sáng trong nhà mà còn giúp « ăn gian » diện tích vô cùng hiệu quả. Sử dụng một chiếc gương lớn hoặc đặt nhiều gương nhỏ ở nhiều nơi trong phòng, thậm chí tạo thành một bộ sưu tập gương trong nhà thì ngoài việc đảm bảo những chức năng nói trên nó còn mang lại tính nghệ thuật cho không gian sống nữa.

c711cf7e31492080a8851b396301e133

(Ảnh minh họa: Home Designing)

5. Loại bỏ những vật dụng không cần thiết

Một trong những lợi ích của việc sống trong những không gian có hạn đó là điều đó buộc chúng ta phải cắt giảm số lượng đồ dùng mà chún gta có. Vì thế đây là cơ hội để bạn loại bỏ tất cả những đồ vật không thật sự có giá trị sử dụng. Đừng tiếc vì chúng không thực tế, vô dụng và cũng chẳng mang lại niềm vui hay cảm xúc tích cực nào cho cuộc sống của bạn. 

Nếu bạn không nỡ vứt bỏ những đồ vật đó thì bạn có thể học hỏi rất nhiều cách từ rất nhiều người để từ từ từ bỏ những thứ không cần thiết đó. Để thiết kế nội thất cho một căn nhà nhỏ hẹp thì việc chỉ giữ lại những thứ cần thiết là điều kiện tiên quyết, nếu không thì bạn sẽ nhồi nhét hàng đống đồ vào trong một diện tích có hạn và khiến nó vô cùng bí bách, khó chịu.

d67176bf553129bfd86817a605bc757c

(Ảnh minh họa: Farm Houz)

6. Thiết kế nhiều không gian trống

Triết lí thiết kế "Càng đơn giản càng đẹp" (Less is more) là một trong những nguyên tắc quan trọng trong thiết kế nhà cửa có diện tích nhỏ hẹp. Sau khi loại bỏ hết những vật dụng không cần thiết thì việc tiếp theo cần làm đó là thiết kế những khoảng trống trong không gian mà bạn có. Những khoảng trống này sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của con người và di chuyển, bảo dưỡng đồ vật. Bạn có thể thiết kế không gian trống ở bất cứ đâu mình thấy hợp lí, sàn trống, bệ bếp trống hoặc chừa khoảng trống phù hợp giữa các vật dụng trong nhà.

992a3a5f546edc9d7f2b3e60f1f8cacd-crop

(Ảnh minh họa: Leibal)

7. Sáng tạo trong cách thiết kế chỗ chứa đồ

Có rất nhiều phương án thiết kế chỗ chứa đồ không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó mà còn đóng vai trò như một vật trang trí trong nhà nữa. Vậy nên với không gian nhỏ, bạn nên ưu tiên lựa chọn những đồ nội thất có thể cung cấp thêm giải pháp chứa đồ, ví dụ như một cái ghế dài để để đồ dùng bằng vải như rèm hay khăn trải bàn hay các ngăn chứa đồ tích hợp bên dưới giường ngủ được thiết kế đẹp. Hãy cố gắng tìm nhiều giải pháp để tăng diện tích chứa đồ hơn mà không cần phải tống tất cả vào các tủ lớn, cồng kềnh, tốn diện tích.

725fa52f77d0ac5f048a9ae12b5dd9b1

(Ảnh minh họa: Guru Decor)

8. Sáng tạo trong sử dụng màu sắc, chất liệu, hoa văn

Đừng nghĩ rằng những tông màu sặc sỡ, họa tiết bắt mắt hay chất liệu độc đáo sẽ khiến không gian đã nhỏ càng rườm rà, rối mắt. Ngược lại, nếu bạn biết kết hợp chúng hài hòa thì không những không làm thu hẹp không gian mà còn khiến căn nhà của mình đẹp và bắt mắt hơn nữa. 

Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những tông màu và hoa văn ấn tượng để điểm xuyết điểm nhấn cho không gian, ví dụ như trên một bức tường duy nhất, trên chất liệu gối tựa ở ghế sofa hoặc trên họa tiết trên khung tranh trong phòng khách. 

Nếu bạn thích tạo sự ấn tượng cho không gian thì có thể dùng giấy dán tường sáng màu và có nhiều tọa tiết sặc sỡ hoặc nhấn nhá bằng một chiếc ghế sofa bọc nhung màu xanh dương mà bạn vẫn hằng mơ ước. Miễn là tạo được sự cân bằng trong không gian thì chẳng có màu sắc hay họa tiết nào là "làm lố" cả.

799650ea5a8bab85030cccc849588672

(Ảnh minh họa: Jessica Welling Interiors)

9. Dùng thảm tấm lớn

Một trong những nguyên tắc quan trọng của việc thiết kế nhà ở nhỏ hẹp là đánh lừa thị giác rằng không gian ấy rộng hơn những gì mà mắt thường nhìn thấy. Nếu bạn dùng nhiều tấm thảm nhỏ trong một diện tích nhỏ thì chính nó sẽ khiến bạn cảm thấy không gian càng giới hạn và chật chội hơn. Ngược lại, những tấm thảm lớn sẽ có tác dụng đánh lừa thị giác và khiến bạn cảm thấy căn phòng rộng rãi hơn. Dựa vào hình dạng căn nhà và các đồ dùng trong nhà, bạn có thể lựa chọn kích thước thảm trải sàn (nếu cần) phù hợp cho không gian nhà mình.

763c827832817107c7ebe6ec60d5cd6e

(Ảnh minh họa: Just Add Blog)

10. Tận dụng cả những không gian theo chiều dọc

Đừng quên những bức tường cũng có thể được tận dụng tối đa để gia tăng diện tích sử dụng cho căn nhà bạn. Bạn hoàn toàn có thể gắn giá sách hoặc những bức tranh nhằm tạo điểm nhấn và chiều sâu cho căn nhà hoặc sử dụng những đồ vật cao hơn để giảm diện tích bề mặt. Nếu bạn có những đồ vật yêu thích mà chưa biết để ở đâu thì tại sao không nghĩ đến việc lắp một cái giá trên tường và đặt nó lên đó?

5392a2051e238c6fbdea5173cfc0f3e7

(Ảnh minh họa: Homely Smart)

11. Sử dụng cây xanh và hoa

Điểm xuyết màu xanh của thiên nhiên bằng cây và hoa vào không gian vừa tạo thêm sức sống vừa tạo điểm nhấn cho căn nhà, miễn là bạn lưu ý không quá tham lam. Tuy nhiên hãy nhớ rằng một khi đã trồng cây và hoa thì việc chăm sóc chúng cũng quan trọng không kém. Nếu bạn sợ rằng mình sẽ không có đủ thời gian để chăm sóc chúng (hoặc đơn giản bạn không phải là người thích cây cối cho lắm) thì cây giả cũng là một lựa chọn bạn có thể nghĩ tới.

0ea8f995756df57cc807d50a12221880

(Ảnh minh họa: Girlfriend is better)

12. Vận dụng linh hoạt tính đối xứng trong không gian

Thường thì con người rất dễ bị thu hút bởi tính đối xứng, ví dụ như ở các bộ phận trên gương mặt, trong tự nhiên hay trong thiết kế. Nếu bạn muốn phòng khách của mình trông rộng rãi hơn thì đặt một tấm gương để tạo thêm một không gian đối xứng với không gian thật sẽ tạo cảm giác rộng rãi gấp đôi bình thường. Bên cạnh đó thì tính đối xứng cũng khiến không gian gọn gàng và dễ chịu hơn.

3c7cb0e48958cab740b344dc58ffc8e2

(Ảnh minh họa: Style Files)

13. Tận dụng các hốc tường và góc nhà

Thay vì bỏ trống các hốc tường thì bạn hoàn toàn có thể tận dụng chúng để cất bàn ghế chẳng hạn. Các góc nhà cũng vậy, khi không gian đã có hạn thì việc bỏ trống những vị trí đó không phải quá phí phạm hay sao?

562c0be73657d360eb3ec2068ca1ddef-crop

(Ảnh minh họa: dgepicspic)

14. Phân chia và tận dụng tối đa không gian

Có rất nhiều cách để bạn có thể phân chia không gian nhỏ của mình thành nhiều khu vực khác nhau mà vẫn không tạo cảm giác vướng víu, chật chội. Rèm cửa xuyên thấu, bình phong cán giấy mờ hoặc đơn giản là một giá sách đều có thể là những thứ bạn có thể tận dụng. Tất cả những phương án này đều giúp ánh sáng tự nhiên có thể tràn vào không gian, vậy nên sẽ khiến tổ ấm của bạn trở nên thông thoáng và rộng mở nhất có thể.

57a6c6278904cfffaaa2a7bf1bcb7d9f

(Ảnh minh họa: Shake my blog)

Đôi khi bạn nên tin vào trực giác của mình và đừng cố áp dụng một cách máy móc bất kì phương pháp nào vào ngôi nhà của mình. Mục đích cuối cùng là để tận dụng được tối đa diện tích của căn nhà bạn đang có, tối ưu hóa công năng của nó và khiến cuộc sống thoải mái hơn, vậy nên không có những nguyên tắc bất di bất dịch mà chỉ có những bí quyết nhỏ để bạn cân nhắc cho việc thiết kế không gian nhà mình mà thôi.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.