Khi Daniel Lau mở lại nhà máy sản xuất nhôm của mình ở Thành phố Đông Quan, phía Nam Trung Quốc vào tuần trước, sau kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, chưa đến 1/3 trong tổng số 200 công nhân là người nhập cư đi làm trở lại.
“Họ không thể quay trở lại”, doanh nhân người Hong Kong nói. Hầu hết các công nhân của ông đều đến từ miền trung tây Trung Quốc, bao gồm 11 người tại tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh do virus corona đã cướp đi hơn 2.100 sinh mạng. Nhiều người nói rằng họ đã bị cấm dời khỏi làng của họ, khi chính quyền tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Hoạt động kinh doanh của Lau trước đó đã bị tổn thương bởi mức thuế 25% đối với các sản phẩm nhôm mà Mỹ áp đặt trong cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng với Trung Quốc. Giờ đây, ông lại tiếp tục lo ngại, khi những hạn chế sản xuất sẽ khiến khách hàng đến từ Mỹ có thêm một lí do để huỷ đơn hàng, và chuyển sang các nhà cung cấp ở Đông Nam Á.
Cú đánh kép tương tự này đang đánh vào hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nhỏ hiện chiếm tới 99,8% các công ty đã đăng kí hoạt động tại Trung Quốc, và sử dụng tới 79,4% lực lượng lao động. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và hơn 50% nguồn thu thuế của Chính phủ.
Các công ty có thể nối lại sản xuất như công ty của Lau được coi là những người may mắn. Rất nhiều nhà máy và các doanh nghiệp khác vẫn hoàn toàn bị đình trệ bởi dịch bệnh. Một số chủ sở hữu chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn và cầu nguyện cho mọi thứ trở lại bình thường, trước khi họ đứng trên bờ vực phá sản.
Theo một báo cáo của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, 85% trong tổng số 1.506 doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát đầu tháng 2/2020, cho biết sẽ cạn tiền trong vòng 3 tháng nữa. Có 1/3 trong số người được hỏi cho biết dịch bệnh sẽ làm giảm hơn 50% doanh thu của họ trong cả năm.
“Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc dựa vào doanh thu hoạt động, và họ có ít nguồn tài trợ hơn so với các doanh nghiệp quốc doanh”, Zhu Wuxiang, giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lí của Đại học Tsinghua, nói.
Các doanh nghiệp sản xuất vẫn phải trả tiền thuê công xưởng, mặt bằng, tiền lương cho công nhân, nhà cung cấp và chủ nợ,… bất kể họ có phục hồi được năng lực sản xuất hay không.
“Dịch bệnh càng kéo dài, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng cạn tiền”, Zhu nói thêm. “Các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại sẽ có nguy cơ bị phá sản cao nhất do đã mắc nợ quá nhiều”.
“Tự giải cứu sẽ là không đủ, họ cần sự trợ giúp từ Chính phủ”, vị giáo sư cho biết thêm.
Lu Ting, một chuyên gia kinh tế tại Nomura, đề nghị chính quyền địa phương cần phải thẳng thắn đối mặt với một câu hỏi nan giải, đó là nên tập trung vào việc ngăn chặn virus, hay khuyến khích mở cửa nhà máy. Ông hi vọng hoạt động kinh tế sẽ trở lại sau vài tháng nữa.
Trong khi đó, Richard Leung - chủ sở hữu một nhà máy sản xuất, đã nhận ra rằng tái khởi động sản xuất chưa hẳn là đã thoát khỏi án tử.
Nhà máy của ông đặt tại một ngôi làng gần Thâm Quyến, chuyên sản xuất túi xách để xuất khẩu. Sau khi mở cửa trở lại vào tuần trước, ông đã buộc phải đóng cửa chỉ 2 ngày sau đó.
“Chính quyền thị trấn thông báo với chúng tôi rằng đã phát hiện hai trường hợp nhiễm bệnh từ một thị trấn gần đó. Và công nhân của chúng tôi không thích hợp để đi làm lại”.
Doanh nghiệp của Leung một lần nữa lại bị đình chỉ hoạt động cho đến thứ Hai tuần sau. Trong khi đó ông vẫn phải trang trải chỗ ở và bữa ăn cho khoảng 100 công nhân đã quay trở lại nhà máy.
Người đàn ông 57 tuổi cho biết tác động của cuộc khủng hoảng virus corona tồi tệ hơn nhiều so với sự bùng phát của đại dịch SARS 2003.
Trước kia, việc sản xuất của ông vẫn được tiếp tục không bị gián đoạn, mặc dù ai cũng phải kiểm tra sức khoẻ nghiêm ngặt. Lần này, ông ước tính việc trì hoãn sản xuất sẽ khiến công ty mất từ 30-40% doanh thu năm.
“Chúng tôi cần Chính phủ giúp đỡ” Leung nói. “Chi phí quá cao. Chúng tôi không có đủ khả năng”.
Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Ôn Châu, đồng ý rằng cuộc khủng hoảng này còn tồi tệ hơn SARS.
“Trên thực tế, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm kể từ khi Trung Quốc bắt tay vào cải cách kinh tế”, Zhou Dewen nói.
Ôn Châu là một thành phố duyên hải của tỉnh Chiết Giang, đây cũng là thành phố đầu tiên bên ngoài Hồ Bắc bị bế quan toả cảng, trước những nỗ lực ngăn chặn mầm bệnh của chính quyền. Kể từ tuần trước, chỉ có các nhà máy sản xuất vật tư y tế mới được tiếp tục làm việc.
“Điều doanh nhân cần là sự tự tin. Nhưng trước tiên họ cần phải sống sót”, Zhou Dewen chia sẻ. Ông hi vọng rằng Chính phủ sẽ cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.
Một biện pháp để hạn chế sự lây lan của virus là cấm tụ tập đông người. Ở phía Đông TP Hàng Châu, chính quyền thành phố đã cấm người dân tổ chức tiệc cưới xin từ tháng 1/2020. Zhu Yun - điều hành một trung tâm tiệc cưới cho biết, có khoảng 60 đám cưới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2 và tháng 3 tất cả đều bị hoãn lại.
“Việc giảm thuế sẽ không giúp ích gì nếu bạn thậm chí không có thu nhập”, Zhu Yun cho biết.
Zhu Yun dự tính doanh nghiệp của cô sẽ mất khoảng 3 triệu nhân dân tệ lợi nhuận trong hai tháng. “Đây là thời gian khó khăn nhất tôi từng trải qua sau 11 năm điều hành công ty”.
Zhu không rõ khi nào chính quyền có thể dỡ bỏ lệnh cấm, và cô ấy sẽ trụ vững được bao lâu.
Các nhà phân tích quan tâm đặc biệt tới thiệt hại mà dịch bệnh gây ra đối với việc làm trên toàn quốc. Một làn sóng phá sản trong kinh doanh sẽ đe doạ những người lao động Trung Quốc có tay nghề thấp hơn bất kì ai.
Wang Dan, một nhà phân tích kinh tế tại Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc có thể mất khoảng 4,5 triệu việc làm trong năm 2020, trong đó 75% thuộc về các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có nghĩa là tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng khoảng 1 điểm phần trăm.
“Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh về giá sẽ bị hất cẳng”, Wang dự đoán. Thị trường bất động sản địa phương và doanh thu thuế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Đây chắc chắn là một thời điểm khó khăn để tìm kiếm công việc mới”, Wang nói.
Wang Qiang, một công nhân nhập cư 23 tuổi, đã không thể tìm được việc làm ở Thâm Quyến sau ba tuần tìm kiếm. Không những cơ hội tìm việc bị hạn chế do các nhà máy đóng cửa, anh còn gặp phải một trở ngại lớn khác: nguyên quán của anh lại ở Hồ Bắc.
Hồ Bắc, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh virus corona, đang có hơn 74.000 người nhiễm bệnh, và chiếm phần lớn số người tử vong ở Trung Quốc đại lục. “Hầu hết các công ty đều nói với tôi rằng họ không muốn tiếp nhận người Hồ Bắc”, anh nói.
Các doanh nghiệp dường như không để ý tới việc Wang Qiang đã không quay trở về Hồ Bắc vào kì nghỉ Tết.
Wang dành cả đêm để ngủ trên sàn của một toà nhà chưa hoàn thành.
“Tôi sẽ chờ xem liệu tình hình có trở nên tốt hơn không, khi các công ty khởi động sản xuất trở lại vào ngày 24/2”
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020