Khi Thủ tướng Narendra Modi áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vào 25/3, hệ thống đường sắt Ấn Độ đã có động thái chưa từng có là tạm dừng các hoạt động chở khách trên các chuyến tàu khắp đất nước cho đến ngày 14/4.
Đây là lần đầu tiên sau 167 năm, mạng lưới đường sắt lâu đời nhất châu Á tạm hoãn hoạt động.
Cùng với đó, Ấn Độ quyết định chuyển đổi khoảng 20.000 toa tàu cũ thành các khu vực cách li cho bệnh nhân bị lây nhiễm virus.
Các đoàn tàu cũ sẽ được sử dụng thành khu cách li Covid-19 (Ảnh: CNN)
Nhà khai thác đường sắt lớn thứ tư thế giới đã vận hành 125 bệnh viện dã chiến trên toàn quốc.
Vào ngày 1/4, Ấn Độ đã ghi nhận 4.288 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 117 trường hợp tử vong, theo Đại học Johns Hopkins. Con số này tương đối nhỏ đối với một quốc gia có dân số 1,3 tỷ người.
Trong khi hệ thống bệnh viện của Ấn Độ chưa bị quá áp lực về số lượng bệnh nhân cần chữa trị thì tái sử dụng các đoàn tàu có thể giúp giảm bớt về áp lực giường bệnh nếu số lượng bệnh nhân Covid-19 bắt đầu tăng lên.
Hình ảnh các toa tàu được biến đổi thành giường chữa bệnh (Ảnh: CNN)
Hình ảnh các toa tàu được biến đổi thành giường chữa bệnh (Ảnh: CNN)
"Hiện tại, hệ thống các toa tàu sẽ cung cấp môi trường xung quanh sạch sẽ, vệ sinh để thuận tiện trong điều trị cho bệnh nhân", Piyush Goyal, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ cho biết.
Mạng lưới đường sắt của Ấn Độ
Thông thường, đường sắt Ấn Độ chạy hơn 20.000 chuyến tàu chở khách mỗi ngày trên các tuyến đường dài và ngoại ô với hệ thống 7.349 ga trên toàn quốc.
Lệnh phong tỏa đã khiến gần 67.368 km đường ray tạm thời bị ngưng sử dụng và hàng ngàn chuyến tàu chở khách "đứng ngồi không yên". Các chuyến tàu chở hàng vẫn hoạt động bình thường.
Một nhân viên đường sắt Ấn Độ biến toa tàu thành một khu cách li ở Gauhati, Ấn Độ (Ảnh: CNN)
Các nhà lãnh đạo đường sắt ở Ấn Độ đã yêu cầu 16 khu vực đường sắt của Ấn Độ kiểm tra các toa xe không có điều hòa và không còn chở khách để chuyển đổi thành các bệnh viện dã chiến và sẵn sàng sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Rajesh Dutt Bajpai, Giám đốc điều hành Hội đồng Đường sắt Ấn Độ cho biết, 5.000 khu vực cách li đầu tiên sẽ sẵn sàng trong vòng hai tuần nữa. Trong trường hợp cần thiết, có thể sẽ có nhiều toa tàu hơn nữa được chuyển đổi thành nơi chữa trị Covid-19 trong vòng 48 giờ.
Hình ảnh toa tàu được sửa chữa lại thành khu điều trị cách li (Ảnh: CNN)
Mỗi toa tàu được khử trùng có thể chứa tối đa 16 bệnh nhân cùng với nơi làm việc của y tá, bác sĩ và nơi để các thiết bị và dụng cụ y tế.
Các đoàn tàu, một khi đã sẵn sàng, sẽ được đưa đến bất kỳ địa điểm nào đang gặp áp lực về giường bệnh do số lượng bệnh nhân nhiễm dịch tăng đột biến.
Cơ quan y tế địa phương sẽ chỉ định các bác sĩ từ trung ương, nhân viên y tế, y tá và tình nguyện viên đến làm việc ở các đoàn tàu.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã chỉ đạo các nhà máy thuộc lĩnh vực đường sắt đánh giá tính khả thi của việc sản xuất giường bệnh viện, cáng, xe đẩy y tế, khẩu trang, vệ sinh, tạp dề và thiết bị y tế như máy thở để sử dụng trong bệnh viện đường sắt và các bệnh viện trung ương khác.
Các nhân viên đường sắt Ấn Độ sửa lưới chống muỗi ở một toa tàu (Ảnh: CNN)
Tình trạng thiếu giường
Ngay cả trước đại dịch Covid-19 xảy ra, Ấn Độ đã thiếu giường bệnh.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, Ấn Độ hiện có 0,5 giường bệnh cho mỗi 1.000 người. Hầu hết trong số này được tập trung ở các khu vực đô thị và tùy từng khả năng tự cung cấp của mỗi bang.
Chẳng hạn, ở bang Bihar phía đông Ấn Độ, tỷ lệ giường bệnh là 0,11 trên 1.000 người dân, trong khi Tây Bengal có 2,5 giường trên 1.000 dân.
Trung Quốc có tỷ lệ trung bình là 4 giường bệnh trên 1.000 người. Đó là trước khi họ xây dựng một bệnh viện dã chiến 1.000 giường trong 10 ngày tại tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của sự bùng phát dịch bệnh.
"Chúng tôi đã thấy những gì Trung Quốc phải trải qua. Nhất thiết phải tăng tỉ lệ giường bệnh này lên, bằng mọi cách trong ngắn hạn và có hệ thống hơn trong dài hạn kể cả khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc", Shahid Jameel, một nhà dịch tế học của Ấn Độ.
Những đoàn tàu được tân trang lại để đáp ứng tiêu chuẩn khu vực chữa bệnh dịch (Ảnh: CNN)
Với số lượng ca dương tính Covid-19 đang tăng lên, các chuyên gia cho rằng, việc thiếu cơ sở chăm sóc y tế cộng đồng nghiêm trọng vẫn là thách thức lớn nhất của Ấn Độ.
"Chuyển đổi toa tàu thành giường bệnh là một sáng kiến tốt. Cơ quan đường sắt và Chính phủ Ấn Độ nên được khen ngợi," Jameel nói.
"Nhưng đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Khi dịch bệnh kết thúc (và nó sẽ xảy ra), hãy để đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để đầu tư nhiều hơn vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng và các nghiên cứu y tế."
Bệnh viện trên đường ray
Đường sắt Ấn Độ có kinh nghiệm trong việc điều hành các bệnh viện trên tàu hỏa. Ra mắt vào năm 1991, Lifeline Express cung cấp chẩn đoán tại chỗ, điều trị y tế và phẫu thuật tiên tiến cho người lớn và trẻ em.
Trong 29 năm phục vụ, bệnh viện trên bánh xe đã đi qua 19 tiểu bang Ấn Độ và chữa trị cho hơn 1 triệu người.
Bắt đầu như một sự hợp tác giữa Quỹ Ấn Độ Impact, Đường sắt Ấn Độ và Bộ Y tế Ấn Độ, tàu hỏa bệnh viện được tài trợ bởi Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các tổ chức từ thiện quốc tế, các tập đoàn và cá nhân Ấn Độ.
Tàu hỏa bệnh viện được trang bị để điều trị nhiều loại bệnh, từ đục thủy tinh thể, sứt môi, các vấn đề về thính giác và động kinh, đến các bệnh lí về vận động, phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật nha khoa, sàng lọc ung thư và hơn thế nữa.
Lifeline Express được trang bị phòng mổ, phòng điều trị, phòng hồi sức, xe đựng thức ăn và chỗ ở cho nhân viên y tế.
Các đoàn tàu điều trị Covid-19 mới không được thiết kế để hoạt động như các bệnh viện có dịch vụ đầy đủ, nhưng các quan chức y tế địa phương sẽ có tùy chọn sử dụng chúng cho các bệnh nhân dương tính Covid-19 không bị bệnh nặng.
Kinh doanh 10:08 | 31/08/2020
Đô thị 17:32 | 08/08/2020
Du lịch 12:18 | 12/06/2020
Du lịch 12:07 | 11/06/2020
Du lịch 12:00 | 10/06/2020
Du lịch 13:38 | 09/06/2020
Du lịch 12:13 | 08/06/2020
Du lịch 12:07 | 03/06/2020