Ngày 23/1, hơn 15.000 chuyến bay đã khởi hành hoặc hạ cánh tại Trung Quốc. Nhưng chỉ 2 tháng sau, con số này sụt giảm đến không ngờ. Điều không ngờ hơn là Covid-19 còn ăn mòn các đường bay trên toàn cầu.
Khi SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng, các chuyến bay thương mại trên toàn cầu hầu như đã phải dừng lại. Tình hình nghiêm trọng đến mức những người đứng đầu các hãng hàng không thế giới đều gọi vài tháng qua là "cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất từ trước đến nay".
Theo một phân tích dữ liệu của Reuters từ FlightAware, theo dõi giao thông hàng không trong thời gian thực, cho thấy một loạt các sự sụt giảm liên tiếp và liên đới nhau trong các chuyến bay ở 4 khu vực chính, khi chính phủ các nước tìm cách ngăn chặn đại dịch.
Từ ngày 24/3 đến ngày 30/3, FlightAware chỉ ghi nhận được khoảng 280.000 chuyến bay, giảm gần 500.000 chuyến so với cùng tuần năm trước.
Vào cuối tháng 3, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính doanh thu bị mất từ virus corona sẽ vượt quá 250 tỉ USD năm 2020, và kêu gọi các chính phủ hỗ trợ tài chính ngay lập tức cho ngành dịch vụ này.
Hiệp hội vận tải cho biết cuộc khủng hoảng ngày nay còn tồi tệ và lan rộng hơn nhiều so với sự kiện khủng bố 11/9. Khi đó, các hãng hàng không Mỹ chỉ mất khoảng 19,6 tỉ USD doanh thu trong năm 2001-2002. Sau các cuộc tấn công khủng bố, chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp 15 tỉ USD cho các hãng hàng không, để bồi thường và bảo đảm tiền vay.
Các hãng hàng không đang cố gắng hết sức để sống sót trong những thời điểm khó khăn nhất. Chúng tôi có những người đi trước và kinh nghiệm để thấy rõ điều này. Nhưng thành thật mà nói, chúng tôi không có tiền.
Alexandre de Juniac, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), phân trần.
Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu vào ngày 27/3, để cung cấp cho ngành hàng không nước này 58 tỉ USD cứu trợ. Mới đây, Singapore Airlines dự kiến nhận được gói tài trợ trị giá 13 tỉ USD, từ nhà đầu tư nhà nước và cổ đông lớn Temasek.
Do các hạn chế đi lại được ban hành bởi các chính phủ trên khắp thế giới, số lượng hãng hàng không "đắp chiếu" hầu hết hoặc tất cả các đội tàu bay của họ đã tăng nhanh trong vài tuần qua.
Để tính được sự thay đổi hàng ngày về số lượng chuyến bay vào cuối tuần so với ngày thường, Reuters đã đo lường sự thay đổi trong du lịch hàng không, dựa trên cùng một ngày một năm trước đó.
Tại Trung Đông, các hãng hàng không lớn bao gồm Emirates, Flydubai và Saudia, hãng hàng không nhà nước của Ả Rập Saudi, đã đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách. El Al của Israel đã cắt giảm lịch trình chuyến bay của mình, và Turkish Airlines đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế vào ngày 27/3.
Tại châu Á, Singapore Airlines cho hầu hết đội bay của mình tiếp đất vào ngày 23/3, sau khi chính quyền cấm tất cả du khách. Hãng Qantas Airlines đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế cho đến ít nhất tháng 5, sau khi chính phủ Úc cấm người ngoại quốc và không có thị thực.
Ở châu Âu, dữ liệu hành khách từ Hội đồng sân bay quốc tế của khu vực, cho thấy một cuộc khủng hoảng thậm chí còn sâu hơn so với số liệu thống kê của ngành hàng không ước tính. Cho đến ngày 22/3, số lượng hành khách đi vào và rời khỏi các sân bay châu Âu đã giảm 88%, tương đương ít nhất 5,2 triệu khách du lịch hàng ngày so với một năm trước đó.
Ở Ý, những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus đã gây ra sự sụt giảm nhanh chóng cho ngành giao thông này. Dữ liệu cho thấy sự sụt giảm lên đến 98% tổn số hành khách đi lại, tương đương ít nhất 440.000 hành khách hàng ngày so với cùng thời điểm năm ngoái.
Các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair và easyJet đã phải "phủi bụi" hầu hết các đội bay của họ vào cuối tháng 3.
Số lượng hành khách đến và đi từ các sân bay của Anh cũng đã giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với các nơi khác ở châu Âu. Tính đến ngày 22/3, dữ liệu cho thấy lưu lượng hành khách giảm 82% so với cùng kì năm ngoái. "Lí do có sự khác biệt là Vương quốc Anh ban đầu được miễn trừ lệnh cấm du lịch của Mỹ đối với công dân nước ngoài", Michael Stanton-Geddes, người đứng đầu nghiên cứu kinh tế tại ACI-Europe cho biết.
"Sự miễn trừ tạm thời đã bảo vệ rất nhiều cho các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Người dân từ châu Âu đến Mỹ phải đi qua Luân Đôn", ông nói.
Đến giữa tháng 3, một số khách du lịch vẫn rời Vương quốc Anh đến các điểm đến châu Âu. Vào ngày 14/3, Jet2 đã khởi động lại các chuyến bay đến Tây Ban Nha sau khi hãng hàng không của đảo quốc này hủy tất cả các chuyến bay đến châu Âu lục địa.
Tại Trung Quốc, giao thông hàng không đang bắt đầu hồi phục sau 2 tháng bị hạn chế đi lại nghiêm trọng. Đất nước này đã chứng kiến nửa triệu chuyến bay vắng mặt so với cùng kì năm trước, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát.
Sự sụt giảm các chuyến bay ở Mỹ sau các hạn chế đi lại của chính quyền Trump, phản ánh sự sụt giảm lưu lượng hàng không trên khắp thế giới.
Dữ liệu từ FlightAware cho thấy chỉ có 866 chuyến bay quốc tế đến hoặc đi từ Mỹ vào ngày 30/3, giảm 83% so với cùng ngày một năm trước. Các chuyến bay liên quan đến máy bay tư nhân và trực thăng cũng giảm 67% ở Mỹ, và 64% trên toàn thế giới.
Số lượng chuyến bay nội địa ít bị ảnh hưởng hơn so với các chuyến bay quốc tế. Các chuyến bay hàng ngày tại Mỹ đã giảm 51% vào ngày 30/3 so với một ngày của năm trước đó, theo dữ liệu của FlightAware. Nhưng nhiều chuyến bay trong số đó có ít hành khách hơn. Máy bay chỉ có tỉ lệ lắp đầy khoảng 10-20%.
Điều tích cực là cho đến nay, số lượng các chuyến bay chở hàng vẫn không bị ảnh hưởng nhiều bởi các hạn chế đi lại.
Dữ liệu từ FlightAware cho thấy các chuyến bay của các hãng vận tải hàng hóa và bưu kiện như Atlas, Polar, FedEx và UPS đến và đi từ Mỹ ban đầu đã giảm trong tuần đầu tiên của tháng 2/2020. Sự sụt giảm, tương quan với lệnh cách li của tỉnh Hồ Bắc, cho thấy ngành dịch vụ này quan trọng như thế nào đối với thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, ngay sau đó, các chuyến bay chở hàng của Mỹ đã tăng trở lại. Bởi vì các máy bay chở khách vận chuyển khoảng một nửa số hàng hóa theo đường hàng không trên toàn thế giới. Và việc "đắp chiếu" của những chiếc máy bay này đã làm tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, một số hãng hàng không thương mại như American, Delta và Virgin Atlantic đang sử dụng máy bay chở khách chỉ để vận chuyển hàng hóa.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020