Chị Kiều Oanh, hiện đang sinh sống ở Đà Nẵng cho biết, từ khi bé nhà chị 5 tháng 20 ngày tuổi, chị đã cho con ăn theo phương pháp ăn dặm 3in1 kết hợp tự chỉ huy, truyền thống và kiểu Nhật.
Giai đoạn đầu, chị Oanh chỉ cho bé ăn dặm kiểu Nhật vì đây là giai đoạn khởi đầu, nên mong muốn con có thể nêm nếm hương vị của thức ăn. Từ đó, chị sẽ hiểu được con thích gì và không thích gì. Nhưng quan trọng nhất là biết con có bị dị ứng thức ăn đó không, để lần sau mẹ không cho vào thực đơn của con nữa.
Hiện tại, bé trai nhà chị hơn 8 tháng tuổi và rất hợp tác trong việc ăn uống. (Ảnh: NVCC)
Theo chị, mỗi phương pháp đều có ưu và khuyết điểm riêng. Nếu ăn dặm kiểu Nhật giúp bé phát triển vị giác, không kén đồ ăn thì khi bé tự chỉ huy, con dễ dành hình thành kĩ năng cầm, nắm, xử lí thức ăn, ăn thô tốt và chủ động trong việc ăn uống.
Trong khi đó, ăn dặm truyền thống có thể rút ngắn thời gian nấu nướng của mẹ nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho con trong một bữa ăn. Tuy nhiên, phương pháp này lại khiến con khó phân biệt được mùi vị và khó ăn tăng độ thô. Vì thế, chị Oanh cũng thường xuyên thay đổi phương pháp cho con, nhưng vẫn đảm bảo kết hợp ăn dặm 3in1.
Chị chia sẻ, thời gian đầu, bé không hợp tác và chưa quen với việc ăn dặm nên hay nhè thức ăn. Nhưng chỉ 1 - 2 tuần tiếp theo, bé lại hứng thú với việc ăn uống, vì lúc này, con đã biết cách ăn và quen với việc phải ăn dặm.
Mọt số bữa ăn dặm đầu tiên của bé.
Đôi khi, bé rơi vào tuần khủng hoảng dở chứng biếng ăn, mẹ sẽ thường xuyên thay đổi thực đơn cho con. Chẳng hạn như ngày hôm đó sẽ không ăn cháo hoặc cơm mà thay bằng mì, bún, pizza, custard đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong một bữa ăn.
Đa số các món ăn hàng ngày của bé là do chị tự mày mò công thức, còn đối với các món phụ, chị tham khảo công thức của các mẹ khác và trong sách ăn dặm. Chị cũng lưu ý khi chế biến và lên thực đơn của con, tuyệt đối không nêm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi.
Bởi gia vị đã có sẵn trong rau củ, đáp ứng đủ cho cơ thể của bé. Ngoài ra, bữa ăn phải luôn đầy đủ 4 nhóm chất: chất béo, tinh bột, đạm, vitamin và khoáng chất. Đồng thời, các mẹ không nên ép con ăn một tô cháo đầy mà nên chú trọng cân bằng giữa thức ăn và tinh bột.
Dù làm mẹ ở độ tuổi còn rất trẻ - 19 tuổi, nhưng chị cho biết, mình không gặp khó khăn nào trong việc chăm, nuôi con. Lí do là bởi vì, trước kia, chị từng có một khoảng thời gian trông trẻ nhỏ, nên khi có con, mọi việc đều không quá lạ lẫm, mới mẻ. Hơn nữa, chị còn ghi chép chi tiết về vấn đề ăn dặm cho con bởi theo chị: "Đọc qua thì không thể nhớ bằng cách viết ra".
Nhưng có lẽ, khó khăn lớn nhất chính là quan điểm của ông bà trong việc cho gia vị vào đồ ăn của con. Nhưng nhờ sự thuyết phục của những người xung quanh, người thân cũng tôn trọng quyết định của chị.
Cùng tham khảo thực đơn ăn dặm 3in1 cho bé 7 tháng tuổi của chị Kiều Oanh.