Chân dung người tạo nên cơn sốt bánh mì thanh long, giải cứu nông sản Việt gây sốt tại Sài Gòn

Làm ra bánh mì thanh long nhưng "vua bánh mì" Kao Siêu Lực không giấu bí quyết cho riêng mình, ông chia sẻ tỉ mỉ công thức để nhiều hiệu bánh, nhiều cơ sở khác cùng vào cuộc, và thực sự đã tạo nên cơn sốt bánh mì thanh long góp phần "giải cứu" nông sản gần một tháng qua.

Những ngày gần đây, bánh mì thanh long trở thành cơn sốt tại TP HCM và nhiều tỉnh thành cả nước. Bất kể sớm tối, nhiều người vẫn kiên nhẫn xếp hàng, thậm chí chờ cả nửa giờ đồng hồ để mua cho bằng được những chiếc bánh mì có màu khác biệt tại hiệu bánh ABC Bakery nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5).

Người "sáng tạo" ra loại bánh này chính là doanh nhân Kao Siêu Lực - ông được mệnh danh là "vua bánh mì" của Việt Nam. Ông Lực cho biết đây là một hướng đi ông mong góp tay "giải cứu" nông sản Việt, khi thấy thanh long chín đầy đồng, tắc đầu ra sang Trung Quốc vì dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19).

Chân dung người sáng chế bánh mì thanh long, giải cứu nông sản Việt gây sốt tại Sài Gòn - Ảnh 1.

"Vua bánh mì" Kao Siêu Lực là người tạo ra cơn sốt bánh mì thanh long hiện nay. (Ảnh: ABC Bakery).

Khắp nơi làm bánh mì thanh long theo công thức của "vua bánh mì"

Đầu tháng 2, khi các siêu thị vào cuộc "giải cứu" thanh long, dưa hấu giúp nông dân thì tại hiệu bánh ABC Bakery cũng lên kệ một loại bánh mì mới đặc biệt làm từ thanh long ruột đỏ và ruột trắng. 

Sau khi sản phẩm này được giới thiệu rộng rãi, và ông chủ thương hiệu bánh ABC chia sẻ tỉ mỉ công thức nhào bột, nướng bánh, từ đó đến nay, rất đông các tiệm bánh nhỏ từ nhỏ lẻ đến các điểm bán lớn cũng cho ra mắt sản phẩm bánh mì thanh long. Và có một điều rất đặc biệt là người dân TP HCM, đã không ngại đường xa và thời gian đến chính hiệu bánh của ông Kao Siêu Lực, kiên nhẫn xếp hàng dài chờ hàng chục phút để mua chiếc bánh đặc biệt này, dù các siêu thị đã tung hàng bán rất dồi dào, với giá cạnh tranh hơn. 

"Vua bánh mì" Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc ABC, cho biết ý tưởng làm ra những ổ bánh mì thanh long xuất phát từ việc trong lần đi công tác miền Tây, chính mắt  ông nhìn thấy cảnh thanh long chín đỏ đầy đồng nhưng trúng ngay thời điểm dịch bệnh, nông dân không xuất bán được.  Trong thời điểm đó, các địa phương cũng đang kêu gọi "giải cứu" thanh long. Ông trăn trở phải tìm hướng giải cứu bền vững nhất, và quyết định thử dùng thanh long... trộn với bột để nướng bánh mì.

Chân dung người sáng chế bánh mì thanh long, giải cứu nông sản Việt gây sốt tại Sài Gòn - Ảnh 2.

Dòng ngươi kiên nhẫn xếp hàng để mua được bánh mì thanh long. (Ảnh: Phúc Minh).

Quá trình làm ra những ổ bánh mì baguette thanh long của "vua bánh mì" cũng không hề dễ dàng. Ông kể phải thử nghiệm nhiều lần, thất bại nhiều lần mới rút ra được kinh nghiệm để nướng được những ổ bánh mì mà ông "dám" giới thiệu đến người dùng. 

Từ chỗ chỉ sử dụng từ 200-300 kg thanh long để làm ra vài nghìn ổ bánh mì baguette mỗi ngày, đến nay, "vua bánh mì" đã sử dụng được cả tấn thanh long để sản xuất 20.000 ổ bánh mì mỗi ngày. Và điều quan trọng là được mọi người nhiệt tình ủng hộ, đến mức đội ngũ sản xuất làm ra không kịp bán.

Điều khiến nhiều người quý "vua bánh mì" là việc ông không hề "cất" riêng bí quyết làm bánh cho mình giữa thời điểm món bánh mì thanh long đang hot. Ông tỉ mỉ chia sẻ công thức làm bánh với từng phần trăm tỉ lệ đường, bột, thanh long, cùng nhiệt độ, thời gian nướng bánh sao cho "chuẩn" nhất, với mong muốn có thêm nhiều hiệu bánh, cơ sở cùng vào cuộc để giúp đỡ nông dân trong tình hình hiện nay.

Chân dung người sáng chế bánh mì thanh long, giải cứu nông sản Việt gây sốt tại Sài Gòn - Ảnh 3.

Người Sài Gòn ủng hộ nhiệt tình bánh mì thanh long. (Ảnh: Phúc Minh).

Thời điểm này, một loạt siêu thị lớn như VinMart, Lotte Mart, Big C, Aeon Mall cũng đã vào cuộc bán bánh mì thanh long, và sức tiêu thụ sản phẩm mới này rất tốt. Tại VinMart Thảo Điền (quận 2, TP HCM), nhân viên siêu thị cho biết 200 ổ vừa ra lò đầu ngày là hết sạch trong tích tắc.

Lotte cũng bán bánh mì thanh long khá chạy, chỉ với mức giá 5.000 đồng/ổ. VinMart ngoài bánh mì thanh long loại thường còn có thêm bánh mì sandwich thanh long, giá 15.000 đồng mỗi gói, bánh mì trái bí thanh long giá 6.800 đồng/cái... để khách có nhiều lựa chọn.

Không chỉ các hệ thống siêu thị lớn, bánh mì thanh long cũng được nhiều cửa hàng chuyên về bánh trên cả nước thử nghiệm và bán ra thị trường. Một loạt sản phẩm khác như bánh bao, bánh bông lan, pizza làm từ thanh long cũng nhanh chóng ra mắt sau cách làm mới lạ, độc đáo của "vua bánh mì" Kao Siêu Lực.

Và bất ngờ hơn, ông Kao Siêu Lực - chủ thương hiệu ABC Bakery cho biết đang cho ra một loại bánh mì mới, được làm từ nguyên liệu rất đặc biệt khác, là dưa hấu.

Người đứng sau thương hiệu bánh Đức Phát nổi tiếng một thời

"Vua bánh mì" Kao Siêu Lực hiện là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á. Ông cũng là là người sáng lập chuỗi bánh ABC Bakery với khoảng hơn 30 cửa hàng, chủ yếu đặt tại TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam.

Với sự lớn mạnh của ABC Bakery hiện nay, ít người biết rằng doanh nhân họ Kao này đã vất vả thế nào để có được. 

Ông Kao Siêu Lực sinh ra tại Campuchia, trong một gia đình nông dân đông con gốc Hoa. Sau đó, cả gia đình ông phải chạy nạn sang Việt Nam để tránh Pol Pot - Khmer Đỏ. 

Ban đầu không biết tiếng Việt, ông làm phu xe kiếm tiền qua ngày, rồi sau đó buôn bán bột mì cho người Hoa. Từ bán gạo, ông chuyển sang bán bột mì rồi bắt đầu làm bánh mì. 

Nhờ làm ăn uy tín, ông gây được thiện cảm và lấy được lòng tin của 1 số chủ lò bánh mì tại Sài Gòn. Qua đó, ông bắt đầu bén duyên với nghề làm bánh mì và tự mày mò học hỏi để nâng cao tay nghề bản thân.

Năm 1983, ông Kao Siêu Lực và vợ là bà Dư Đức Phát bắt đầu sự nghiệp bằng một hiệu bánh nhỏ. Sau hơn 10 năm, thương hiệu này đã có 20 cửa hàng lớn nhỏ tại TP HCM và trong đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, đến năm 2007, vợ chồng ông li hôn.

Thời điểm đó, ông nhượng lại thương hiệu Đức Phát cho vợ và ra đi, khởi nghiệp trở lại từ con số không với ABC Bakery.

ABC Bakery của vua bánh mì Kao Siêu Lực đang cung cấp bánh cho McDonal's, Starbucks, Aeon 

Doanh nhân họ Kao nói ông là người có "số khổ", vất vả từ lúc thơ bé và cho đến giờ bước vào tuổi 60 tuổi, vẫn khổ.

Ông kể thời điểm chia tay vợ, đi khởi nghiệp lần thứ hai với thương hiệu xa lạ, cửa hàng ở vị trí không thuận lợi, khó khăn vô cùng. Nhưng nhìn các con theo mình, phải làm sao có tiền cho con tiếp tục ăn học. Rồi nhìn những người công nhân lâu năm theo mình, sẵn sàng chia sẻ không cần lương, là áp lực rất lớn.

Nhưng thị trường thức ăn nhanh thì bị nhầm lẫn, không biết ai là Đức Phát, ai là ACB, chỉ biết Kao Siêu Lực. Ông có thương hiệu riêng, trở thành một người có uy tín trên thị trường, và đã thành công với thương hiệu mới của riêng mình.

Chân dung người sáng chế bánh mì thanh long, giải cứu nông sản Việt gây sốt tại Sài Gòn - Ảnh 4.

Ông Kao Siêu Lực cùng các con đã gây dựng nên thương hiệu bánh ABC nổi tiếng hiện nay. (Ảnh: Theleader).

Ở thời điểm đó, ông còn "chơi đẹp" khi vẫn cung cấp bánh cho hệ thống cửa hàng của vợ cũ, đợi đến khi bà xây dựng xưởng mới, ổn định nhân sự xong mới ngừng cung cấp bánh. Tuy nhiên, hiện Đức Phát hầu như im hơi lặng tiếng trên thị trường và số lượng điểm bán cũng hạn chế, không phát triển như giai đoạn trước. 

Các con ông giờ đã đảm nhận những vị trí quan trọng của ABC Bakery. Ông Lực cũng từng chia sẻ: "Tôi sống trước hết vì các con rồi mới đến thiên hạ. Để các con tiếp tay nghề của mình".

ABC Bakery đang ngày càng phát triển tại TP HCM và trở thành đối tác của nhiều ông lớn thức ăn nhanh thế giới đang có mặt tại Việt Nam hiện nay, như KFC, Lotteria, McDonal's, Carls Jr., Burger King, Dunkin Donuts; các chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K; gia công bánh cho các khách sạn 5 sao.

Ngoài ra, thương hiệu của doanh nhân họ Kao đang được biết đến nhiều cũng nhờ vào xuất khẩu. Tuy nhiên, ông khẳng định song song xuất khẩu, vẫn muốn tập trung cho thị trường nội địa, vì nhu cầu trong nước vẫn còn rất cao.