Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tính đến trưa nay (16/2), còn gần 760 xe nông sản tập trung tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chờ được thông quan qua Trung Quốc.
Đáng chú ý, số lượng xe nông sản vẫn ùn ùn đổ về cửa khẩu, dù Bộ Công Thương đã liên tục khuyến cáo người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp hạn chế mang nông sản lên biên giới để xuất khẩu, trừ xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Cụ thể, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đang có nhiều xe nông sản nhất, với 376 xe, nhiều hơn hôm qua 84 xe. Các xe nông sản này chủ yếu là thanh long, mít, ớt, nhãn.
Tiếp theo là cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai), đang tồn hơn 365 xe trái cây các loại, chủ yếu là thanh long. Số ít còn lại nằm rải rác tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Am, Chi Ma…
Cơ quan này cho biết số xe nông sản đổ về cửa khẩu tăng nhanh do thương lái, doanh nghiệp tăng cường chuyển hàng lên cửa khẩu, khi nghe ngóng thông tin về việc xuất khẩu tại các cửa khẩu đang có tín hiệu thuận lợi trở lại.
Tuy nhiên, thực tế trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), việc xuất nhập khẩu giữa hai bên diễn ra chậm hơn, do phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch và thiếu hụt về nhân sự.
Vì vậy, liên tục vài ngày qua, Bộ Công Thương đã liên tục khuyến cáo các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Bộ Công Thương cho biết các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam, mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước, do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Bộ yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương nhận định dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020