Với cộng đồng LGBT, nhắc tới cô Cao thị Minh Nguyệt (57 tuổi, Nha Trang) hẳn ai cũng biết. Cô là một người phụ nữ vô cùng đặc biệt, người phụ nữ lạ chưa từng thấy trên đời. Hiện tại, cô có 3 đứa con đều là LGBT, 1 người con gái là chuyển giới, một cậu con trai là đồng tính nam và một người con dâu là song tính. Lạ hơn, đó chính là người phụ nữ ấy đã chấp nhận con mình là LGBT như một lẽ thường tình. Và càng lạ hơn, người phụ nữ ấy sẵn sàng đi hỏi vợ cho con gái, nung nấu ước nguyện cả đời sẽ tổ chức đám cưới cho con.
Cô Cao Thị Minh Nguyệt. |
Công nhận con là LGBT như lẽ tự nhiên
Cô Nguyệt có 3 người con, con gái đầu là Vy Vy, con gái 2 là Trúc Vy và Minh Nhật, con trai út. Cô có tới 2 người con là LGBT, Trúc Vy là chuyển giới nam, Minh Nhật là đồng tính nam.
Ngay từ khi con gái thứ 2 Trúc Vy còn nhỏ, bằng giác quan của người mẹ, cô luôn nhận ra con mình có điều gì đó khác so với bạn bè cùng trang lứa. Không như những cô bé gái khác thích chơi búp bê hay đồ hàng, con gái cô lại thích những trò chơi nam tính như chạy nhảy, đá bóng,… Ban đầu, cô cho rằng, có thể bé mạnh mẽ, cá tính và hiếu động hơn những đứa trẻ khác.
Song, càng lớn, Trúc Vy càng bộc lộ tính cách khác thường. Vy không thích mặc quần áo con gái. Vy thích để tóc ngắn, thích mặc quần áo tomboy. Ngay lần đầu tiên ở tuổi dậy thì, nhìn thấy kinh nguyệt, cô con gái bé bỏng đã sợ hãi giao kèo "nghỉ chơi với mẹ nếu nói cho ai biết”. Mỗi khi đi học, Vy hay mặc sẵn chiếc quần đùi trong chiếc váy đồng phục. Đến khi về nhà, cô bé vội vã bỏ váy.
Đến năm cấp 3, những tháng ngày ám ảnh với cô Nguyệt dần bắt đầu khi nhận ra con mình là khác hoàn toàn với giới tính sinh học lúc sinh ra. Bức bối trong cơ thể, khó chịu phải mặc chiếc áo dài hay váy, Vy có phản ứng tiêu cực với bạn bè, thầy cô đến nỗi cô Nguyệt phải thường xuyên nhận những lời trách, phàn nàn từ phía nhà trường về việc “uốn nắn” con. Đau lòng vì con bị kì thị, cô Nguyệt quyết định chuyển nhà để chuyển trường cho con. 15 lần chuyển nhà chuyển trường vì con khiến nhiều người lầm tưởng cô làm nghề buôn bất động sản.
Gia đình cô Nguyệt. |
Quan sát con từ những ngày con nhỏ và dần nhận ra sự thay đổi của con, nhưng cô chỉ biết con là “người đặc biệt” vì thời điểm ấy, chưa có những thông tin kiến thức về LGBT. Chẳng một giọt nước mắt, chẳng lời than tiếng oán, cô tự “chấp nhận” đó là cuộc sống của bản thân mình. Trong thâm tâm, cô vẫn tìm cách “uốn nắn” con theo “chuẩn mực xã hội”. Quyết lựa chọn cho con môi trường sư phạm nhưng đến thời điểm con ra trường, cô cay đắng nhận những lời phản ánh về con mình. Cô kể: “Đến khi Vy ra trường, tôi vất vả đi xin việc cho con thì người ta nói Vy “không đủ đạo đức, tác phong đứng trên bục giảng”. Câu nói ấy như chạm đến nỗi đau tột cùng của người mẹ yêu thương con hết mực.
Chấp nhận đứa con thứ 2 phải chịu nhiều thiệt thòi, tưởng chừng nỗi đau đó là đủ nhưng không…
Một thời gian sau, cô dần phát hiện ra sự khác thường của cậu con trai út. Minh Nhật lại luôn tỏ ra yếu đuối, thích chơi búp bê… “Có thời điểm Nhật như đứa trẻ tự kỷ. Ở lớp bị kỳ thị, Nhật không có bạn bè, nên lúc nào cũng ngồi một mình cô đơn. Từ khi biết con như vậy, tôi không lúc nào dám rời mắt khỏi con, có khi phải đi theo để xem con có bị trêu chọc hay đánh đập gì không. Mỗi lần con đi học về phải nhìn mặt con đoán cảm xúc. Hôm nào tươi vui tôi nhẹ nhõm thở phào nhưng cứ hôm nào con đi về nhà quăng cái cặp đánh rầm một cái rồi vào trùm chăn là cô đau thắt cả gan ruột. con đau một mà mẹ đau mười. tôi chỉ mong con chia sẻ với mình để động viên. Chỉ đến khi con quyết định nói vì sợ “chị đã vậy mà em cũng thế không biết má chịu được không?”, tôi mới nói với con rằng: “Dù con như thế nào cũng là do má đẻ ra chứ không phải lỗi do con.”
Đi hỏi vợ cho con gái
Bên cạnh việc chấp nhận sự khác biệt của con, cô Nguyệt còn sẵn sàng trở thành người bạn sẻ chia chuyện tình yêu của con. Thế nhưng, có lẽ những mối tình mà con gái Vy của cô phải trải qua là đỉnh điểm nỗi đau mà cô phải đón nhận.
Lần thứ nhất Vy yêu một người bạn gái, cô hạnh phúc vì ít nhất con có thể đỡ thiệt thòi hơn về tình cảm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, con gái cô bị người nhà bạn gái hắt hủi đến chửi mắng. Họ cho rằng con cô bị bệnh. Cú sốc tinh thần ấy khiến Vy rơi vào khủng hoảng. Nhìn con đau một mà cô đau mười.
Song, cuộc tình thứ 2 của Vy là nỗi ám ảnh nhất với cô Nguyệt. Gia đình cô gái tới nhà sỉ vả cô Nguyệt vì nghĩ Vy "lây bệnh" cho con họ. Cay đắng hơn, cô phải tận mắt chứng kiến hình ảnh con gái mình bị lăng nhục từ phía nhà gái bất chấp việc cô đã hết lời giải thích. Họ mua nước đái khỉ ném vào con cô với mong muốn giải bùa. Không cản được mối quan hệ đó, họ tìm cách bắt con gái cô về đánh đập rồi kéo lên xe mang đến đèo Rù Rì thả. May mắn Vy đã trốn thoát về nhà.
Cô Nguyệt trong chương trình về LGBT. |
Nỗi đau khổ càng dâng lên khi mỗi ngày cô phải chứng kiến đứa con dứt ruột đẻ ra đang chìm đắng trong bóng tối, khuôn mặt thẫn thờ, những hành động vô thức để tìm lại tình yêu xưa. Trong sâu thẳm người mẹ ấy, khao khát được nhìn con hạnh phúc là tất cả. “Sau đấy, tôi biết tin người yêu cũ của con mình đã có chồng và có con nhỏ. Nhưng chưa đầy một năm, cô bé ấy li dị phải nuôi con một mình. Lúc đó, tôi hiểu ra hạnh phúc cả đời con không thể do cha mẹ tự ý quyết định”- cô Nguyệt chia sẻ.
Đến cuộc tình thứ 3 của Vy, chính cô đã quyết định đến nói chuyện với nhà gái trước. Cô sợ khi tình yêu quá sâu đậm, bị người đời phản đối, con gái cô lại lâm vào cảnh tột cùng đau khổ. Lần đi “hỏi vợ” cho con, ngồi trên xe mà lòng cô ngổn ngang suy nghĩ, bao kịch bản hiện lên trong đầu là sẽ bị người ta hắt hủi như thế nào. Ấy thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra, cô kể: “Gia đình Hà, người yêu con tôi chỉ là nông dân. Lúc tôi ngỏ lời, họ chỉ nói tùy hai đứa yêu nhau quyết định. Hạnh phúc là do hai đứa.” Sự đồng ý của gia đình khiến cô Nguyệt dường như bật khóc vì xúc động. Cô đã quyết định đón Hà về làm dâu.
Quyết định tổ chức đám cưới cho con gái
Đau đáu với người con dâu đến nhà mình ở 5 năm mà không một đám cưới xin hỏi. Cô mơ ước được nhìn thấy con gái của mình hạnh phúc để bù đắp cho những mất mát tuổi thơ mà Trúc Vy phải trải qua. Sau thời gian dài ấp ủ, ngày 10/10 /2015, lễ cưới của Trúc Vy và Bích Hà chính thức được diễn ra tại một nhà hàng ở Nha Trang. Trong ngày cưới ấy, cô bối rối khi bước lên buc cưới. Với cô, hạnh phúc như vỡ òa vì được tận mắt chứng kiến con mình cười trọn vẹn. Cô tưởng như tất cả đau khổ đã đi qua, quá khứ đã ngủ quên nhường chỗ cho tình yêu và sự cố gắng.
Cô Nguyệt trong lễ cưới của con gái Trúc Vy. |
Đến giờ đây, khi nhìn lại một chặng đường đã qua, ít ai có thể hình dung, người phụ nữ mảnh mai ấy lại có thể vượt qua được những sóng gió lớn cuộc đời. Chấp nhận cuộc sống đơn thân, một mình nuôi ba đứa con sau khi người chồng phản bội bỏ đi. Rồi người phụ nữ ấy phải tự mình gồng lên làm chỗ dựa cho các con.
Người phụ nữ gần 60 tuổi chậm rãi nhắc lại như lời thủ thỉ về cuộc đời của mình. “Là một người mẹ, tôi cũng giống như những người mẹ khác, luôn quan tâm, chăm sóc con mình. Trong giai đoạn trẻ con hình thành tính cách, tôi phát hiện con mình phát triển không đúng với giới tính sinh học của chúng. Lúc đó tôi rất lo lắng nhưng vẫn còn hy vọng lớn lên chúng sẽ thay đổi. Tôi cũng uốn nắn cũng hướng cho con mình đúng với giới tính sinh học mà chúng hiện có ...nhưng theo năm tháng chúng lớn lên tôi hoàn toàn thất vọng.
Lúc bấy giờ tôi không có môt chút kiến thức gì về giới tính này. Tôi suy sụp hoàn toàn, trầm cảm nặng, ít nói, ít cười, luôn tự thấy mình có lỗi với con... Con gái chuyển giới nam của tôi năm nay 30 tuổi. Lúc bấy giờ, xã hội còn nhiều định kiến và kì thị rất dữ dội. Các con tôi sống rất khổ sở với những lời chọc ghẹo và phân biệt. Chúng sống thui thủi không giao lưu ít bạn bè. Lúc đó, tôi đau lòng lắm. Tôi nghĩ, tôi phải làm gì để bảo vệ con mình vì chúng không đáng để nhận cuộc sống mà xã hội có nhiều định kiến và không công bằng như thế ...
Thế là tôi tìm hiểu về trên báo chí. Tôi tìm đến trung tâm ICS để tham gia vào hội Pflag để học hỏi thêm kiến thức về giới tính đặc biệt này. Và tôi được biết rằng các giới tính trong cộng đổng LGBTIQ là giới tính tự nhiên không phải là bệnh ...nhưng vì định kiến của xã hội quá khắc khe nên họ không lộ diện mà thôi...”
Nếu như người khác, họ cảm thấy đấy là bất hạnh đời mình khi có 2 trong 3 đứa con là LGBT. Với cô Nguyệt, đó lại là cuộc sống của mình, phải tự tay đứng lên xây dựng nó.
Trải qua những nỗi đau tưởng chừng không thể hóa giải, chứng kiến người đời kì thị con mình, chứng kiến những đứa con từng chìm trong đau khổ, cô Nguyệt vẫn mạnh mẽ bảo vệ, đấu tranh cho hạnh phúc của con. Một người mẹ vị tha, đầy lòng bao dung. Một người mẹ sẵn sàng đặt hạnh phúc của con lên trên hết...
LGBT 07:23 | 14/06/2019
LGBT 17:33 | 11/06/2019
LGBT 07:42 | 11/06/2019
LGBT 18:23 | 10/06/2019
LGBT 18:00 | 06/06/2019
LGBT 16:01 | 05/06/2019
LGBT 14:31 | 05/06/2019
LGBT 16:28 | 04/06/2019