Các hãng hàng không trên khắp thế giới đang tính toán những tổn thất mà virus corona gây ra, do hàng nghìn chuyến bay kết nối với Trung Quốc bị hủy bỏ. Một số hãng bay châu Á đang đứng trước bờ vực suy sụp, nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục trì trệ hoạt động.
Một số hãng đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp, với hi vọng bù đắp những tổn thất do sụt giảm lưu lượng vận chuyển.
Tại Hong Kong, Cathay Pacific Airlines yêu cầu tất cả nhân viên nghỉ phép ba tuần không lương. Hong Kong Airlines thì sa thải hơn 400 nhân viên. Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ phép không lương.
Ngay cả những đường bay không đi qua Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Qantas Airways (Australia) hôm 20/2 cho biết đã giảm các chuyến bay đến Hong Kong và Singapore, ngoài việc dừng bay đến Trung Quốc ít nhất đến cuối tháng 5. Trong khi đó, Thai Airways International đã cắt giảm các chuyến bay kết nối Bangkok với Seoul và Singapore, vì nhu cầu đi lại suy yếu.
Với việc trở thành thị trường hàng không bận rộn thứ hai thế giới sau Mỹ, Trung Quốc trở thành nguồn tăng trưởng mạnh mẽ cho các hãng hàng không lớn trên thế giới. Hàng loạt hãng đã mở đường bay trực tiếp đến các thành phố của nước này trong những năm gần đây. Đơn cử, American Airlines khai thác 28 chuyến bay hàng tuần giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến các hãng chịu tác động lớn hơn bởi sự gián đoạn của thị trường Trung Quốc. Khi dịch Covid-19 nổ ra, nhiều hãng hàng không nước ngoài, bao gồm cả các hãng hàng không lớn của Mỹ, đã phải dừng hoàn toàn các chuyến bay đến Trung Quốc vào tháng trước.
Các hãng hàng không của Trung Quốc, vốn đang phát triển thành những hãng bay lớn hàng đầu thế giới, chịu ảnh hưởng nặng. Hàng triệu người dân nước này bị hạn chế đi lại và một lượng lớn khác chỉ là tránh đi lại không cần thiết, đã khiến cho nhu cầu các chuyến bay nội địa sụp đổ. Dữ liệu từ OAG cho hay các hãng này đã hủy tổng cộng hơn 25.000 chuyến mỗi tuần.
Số lượng ghế trên các chuyến bay nội địa Trung Quốc đã giảm 63% so với năm trước, xuống còn 5,4 triệu trong tuần thứ hai của tháng 2, OAG cho biết. Và nhiều chỗ trong số đó bỏ trống, với lượng hành khách hàng ngày giảm 91% vào thứ hai vừa qua, so với một năm trước, theo Cục Hàng không Dân dụng nước này.
"Không có sự kiện nào mà chúng tôi nhớ có tác động tàn phá đến năng lực chuyên chở như Covid-19", ông John Grant, nhà phân tích cao cấp tại OAG, nhận định.
Năm 2003, dịch SARS cũng giáng đòn mạnh vào các công ty hàng không. Tuy nhiên, đến năm nay, ngành du lịch hàng không Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Điều này có nghĩa virus corona là vấn đề nghiêm trọng ngay cả với các hãng hàng không ngoài châu Á.
Ngành công nghiệp hàng không sẽ mất 5 tỉ USD doanh thu trong quý đầu tiên, theo ước tính của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Tính đến ngày 14/2, các hãng hàng không Trung Quốc đã hoàn trả hơn 2,85 tỉ USD cho hành khách bị huỷ các chuyến bay, theo CAAC.
Paul Yong, nhà phân tích tại Ngân hàng DBS (Singapore) cho rằng, ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số hãng nhỏ hơn sẽ phải vật lộn để duy trì hoạt động trong thời gian dài.
Theo vị chuyên gia này, Hainan Airlines đang đặc biệt dễ bị tổn thương bởi chuyện nợ nần của công ty mẹ, HNA Group.
Hong Kong Airlines, một đơn vị cũng thuộc HNA, cũng đang vật lộn để vượt qua khủng hoảng. Ngoài việc sa thải người và yêu cầu nhân viên còn lại nghỉ phép không lương, hãng cho biết sẽ cắt giảm tất cả các dịch vụ trên chuyến bay, để cắt giảm chi phí hơn nữa.
Các nhà phân tích cho rằng các hãng hàng không giá rẻ sẽ dễ gặp bấp bênh. "Đây là một câu hỏi về việc ai có bảng cân đối kế toán mạnh nhất", ông Yong nói. "Chúng tôi có khả năng thấy một số bên nhỏ hơn sắp phá sản", ông nhận định.
Nok Air, một hãng bay giá rẻ đã phát triển một phần nhờ vào sự bùng nổ của khách Trung Quốc đi nghỉ mát ở Thái Laní đang có lý do để lo sợ. 10 trong số 19 điểm đến ở nước ngoài của Nok Air là các thành phố ở Trung Quốc. Số lượng chuyến bay từ Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 60% trong tuần thứ hai của tháng 2 so với năm ngoái, theo OAG.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020