Covid-19: Bàn đạp cho sân chơi thương mại điện tử châu Á bùng nổ

Sân chơi thương mại điện tử châu Á nóng lên sau dịch Covid-19, do người dân thay đổi lối sống và thói quen mua sắm. Đợt phong tỏa vừa qua đã giúp thương mại điện tử "phất lên" trước nhu cầu mua sắm tại nhà gia tăng.
Covid-19: 'Bàn đạp' cho sân chơi thương mại điện tử ở châu Á bùng nổ - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu Covid-19 đã góp phần "tạo gió" cho các nền tảng thương mại điện tử tại châu Á phất lên, khi người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. (Nguồn: Nikkei Asian Review).

Các nhà bán lẻ thương mại điện tử trên khắp châu Á đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh số bùng nổ giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng Covid-19, khi người tiêu dùng không thể ra ngoài do các lệnh phong tỏa, và buộc phải mua hàng trực tuyến.

Covid-19: "Ngọn gió" thổi bùng ngành thương mại điện tử châu Á

Nghiên cứu thị trường của nhà cung cấp giải pháp quảng cáo kĩ thuật số Criteo chỉ ra rằng hơn 50% người tiêu dùng có kế hoạch mua sắm trực tuyến nhiều hơn sau đại dịch, so với chỉ 17% cho biết họ hiện chỉ mua hàng trực tuyến vài lần.

"Chúng tôi quan sát thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm vệ sinh cá nhân và bảo vệ sức khỏe, như khẩu trang y tế và dung dịch khử trùng tay, cùng với các nhu yếu phẩm hàng ngày khác như thực phẩm và đồ uống có thể để lâu", ông Zhou Junjie, Giám đốc Thương mại của Shopee, nền tảng thương mại điện tử làm mưa làm gió tại Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, cho hay .

Shopee là một trong những tên tuổi đã gặt hái được nhiều nhất trong giai đoạn phong tỏa đồng loạt vì đại dịch Covid-19 ở châu Á, với tổng giá trị hàng hóa tăng vọt 74,3%, đạt 6,2 tỉ USD trong quí I/2020.

Tổng số đơn đặt hàng trên Shopee cán mốc 429,8 triệu đơn chỉ trong quí đầu năm, tăng 111,2% so với 203,5 triệu đơn ghi nhận vào cùng kì năm ngoái.

Covid-19: 'Bàn đạp' cho sân chơi thương mại điện tử ở châu Á bùng nổ - Ảnh 2.

Shopee ghi nhận 429,8 triệu đơn đặt hàng trực tuyến chỉ trong quí đầu năm nay, tăng 111,2% so với cùng kì năm ngoái. (Nguồn: Nikkei Asian Review).

Công ty mẹ của Shopee, Tập đoàn Sea Group, trong tháng 5 đã tiết lộ rằng họ đang xem xét việc mở rộng hoạt động kinh doanh và các thỏa thuận mua lại tiềm năng, đồng thời tiến hành đợt huy động khoản nợ chuyển đổi trị giá 1 tỉ USD sẽ đáo hạn vào năm 2025.

"Dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi sang lối sống trực tuyến một cách sâu rộng, mà chúng tôi tin rằng sẽ khó mà đảo ngược trở lại", Giám đốc thương mại Shopee nhận định.

Bắt kịp với xu hướng này, những tay chơi trong ngành đã nhanh chóng đưa ra các chiến dịch tiếp thị để giữ phần trước "cái bánh dịch chuyển" này, cũng như để đảo ngược tình trạng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm chung trên toàn thế giới sau dịch.

Capitaland của Singapore, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất châu Á, đã tuyên bố vào tuần trước, rằng họ sẽ giới thiệu một nền tảng thương mại điện tử mới có tên ecapitamall, bao gồm hệ thống các cửa hàng bán lẻ đang bày bán tại các trung tâm thương mại thuộc quản lí của tập đoàn này.

"Là nhà điều hành mạng lưới trung tâm mua sắm lớn nhất Singapore, chúng tôi muốn giúp các nhà bán lẻ tiếp cận được nhiều người tiêu dùng và nhiều cơ hội kinh doanh trực tuyến hơn", ông Chris Chong, Giám đốc điều hành bán lẻ tại Capitaland Singapore, tuyên bố.

Tại Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử đã tham gia vào một lễ hội mua sắm mới, được tổ chức tại Thượng Hải, có tên là "Double Five", dự kiến kéo dài trong vòng hai tháng.

Covid-19: 'Bàn đạp' cho sân chơi thương mại điện tử ở châu Á bùng nổ - Ảnh 3.

Lễ hội mua sắm Double Five bắt đầu từ ngày 5/5, với sự tham gia của nhiều nền tảng thương mại lớn tại Trung Quốc đã đem lại 2,2 tỉ USD chỉ trong 24 giờ đầu tiên. (Nguồn: SCMP).

Hàng tỉ nhân dân tệ (NDT) dưới dạng phiếu giảm giá trực tuyến, đã được phân bổ cho chiến dịch thúc đẩy tiêu dùng này. Các nhà bán lẻ trực tuyến thậm chí đã hợp tác với các cửa hàng truyền thống để bán những món đồ giá trị lớn như các dòng xe hơi hạng sang.

Ra mắt vào ngày 5/5, sự kiện này đã thu về 2,2 tỉ USD chỉ trong 24 giờ đầu tiên, theo báo cáo của Trung tâm Tài chính thuộc Ủy ban thương mại Trung Quốc.

Công ty quản lí đầu tư Invesco có trụ sở tại Mỹ, báo cáo rằng tại Trung Quốc, sự thâm nhập thị trường của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đạt 28,2% chỉ trong quí I/2020, tăng từ 23% so với cùng kì năm ngoái, khi Trung Quốc thi hành các biện pháp phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan virus Covid-19.

Thương mại điện tử châu Ásẽ còn nóng

"Các nhà bán lẻ có thể sẽ tiếp tục giành thêm thị phần trên thị trường trực tuyến", ông William Yuen, Giám đốc Đầu tư của Invesco trả lời với Nikkei Asian Review. "Chúng tôi tin rằng sẽ họ sẽ tăng cường phát triển và tinh chỉnh sự tương tác của mình với khách hàng, để đảm bảo doanh số bán hàng trực tuyến trở nên hiệu quả hơn", ông nói.

Tuy vậy, các "tay chơi" cũng phải đối mặt với những thách thức xoay quanh khả năng giao hàng, khi nhu cầu mua sắm trực tuyến cho các nhu yếu phẩm gia tăng, cũng như gỡ rối cho các vấn đề trong khâu hậu cần do đại dịch Covid-19 đã tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Chúng tôi nhận thấy các công ty đã hoạt động dựa trên những lời hướng dẫn từ phía các chính phủ, và đã sửa sang lại cách chuyển giao hàng hóa từ các kho hàng đến tay khách hàng ", ông Yuen nói thêm.

Covid-19: 'Bàn đạp' cho sân chơi thương mại điện tử ở châu Á bùng nổ - Ảnh 4.

Sân chơi thương mại điện tử châu Á dự kiến sẽ "nóng hổi" trong thời gian tới, với nhiều công ty nhòm ngó thị trường. (Nguồn: Labelium).

Arne Jeroschewski, đồng sáng lập công ty theo dõi đơn hàng Parcel Performance, tiết lộ tại buổi hội thảo trực tuyến về tác động của đại dịch đối với các công ty công nghệ, rằng một số kho hàng đã phải đóng cửa khi các công nhân phát triển các triệu chứng nhiễm virus Covid-19, làm phức tạp hóa tình trạng gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, hàng tồn kho cũng đóng vai trò khiến cho các công ty thương mại điện tử đau đầu.

"Có một sự bất cân xứng về hàng tồn kho. Không phải ai cũng mua những thứ giống như họ đã mua trước đây", ông Yuen nói. 

"Vì vậy, có rất nhiều danh mục hàng hóa đang có nhu cầu cao đã hết hàng, trong khi chuỗi cung ứng chưa hoạt động hoàn toàn để lấp đầy những mặt hàng đó một cách nhanh chóng", ông giải thích.

Dù lĩnh vực thương mại điện tử được xem là những người "phất như diều gặp gió" trước đại dịch Covid-19, Sachin Kapur - Giám đốc tiếp thị cao cấp tại Coupang, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, cho biết đội ngũ Coupang đã phải làm việc chăm chỉ hơn rất nhiều, để "giữ lời hứa với khách hàng".

"Chúng tôi đã đưa ra các giao thức chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống tổ chức, về phương diện đội ngũ nhân viên, về phương diện hậu cần, cũng như về phương diện các thành phố", ông Kapur cho biết tại một hội thảo trực tuyến khác, thảo luận về cách các doanh nghiệp nên phản ứng với Covid-19.

"Nhằm đảm bảo chúng tôi luôn đặt sự an toàn và vệ sinh cho nhân viên lên làm ưu tiên hàng đầu trong khi vẫn cung cấp càng nhiều đơn hàng càng tốt", ông nói.

Các liên minh công nghệ nổi lên

Công ty thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia đã hợp tác với Grab và Gojek - đối thủ và nhà sản xuất siêu ứng dụng di động, bao gồm các chức năng giao hàng - để tiếp cận khách hàng.

Covid-19: 'Bàn đạp' cho sân chơi thương mại điện tử ở châu Á bùng nổ - Ảnh 5.

Sàn thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia đã hợp tác với Grab và Gojek - đối thủ và nhà sản xuất siêu ứng dụng di động bao gồm các chức năng giao hàng - để tiếp cận khách hàng. (Nguồn: The LowDown).

"Chúng tôi hiện có rất nhiều sáng kiến để gia tăng tỉ lệ giữ chân khách hàng của mình, chẳng hạn như cung cấp các mã giảm giá tốt trong lần mua hàng hiện tại, hoặc cho lần mua tiếp theo, cùng các tùy chọn cho phép mua và giao hàng ngay lập tức", Trưởng phòng tiếp thị của Bukalapak, Anugrah Mardi Honesty, cho biết tại cùng buổi hội thảo mà Coupang tham dự.

Gojek, người "anh em" của Goviet, cho biết các giao dịch trên dịch vụ giao hàng Gofood của mình đã tăng trưởng 10% trong đầu tháng 5 so với cuối tháng 4, với một số cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhẹ trên nền tảng này ghi nhận đã tăng 30%. Gojek cũng cung cấp thêm các dịch vụ mua sắm thực phẩm cũng như các mặt hàng chủ lực từ các cửa hàng tiện lợi cho khách hàng.

"Kì lân" công nghệ này cũng đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp Indonesia tạo ra một nền tảng được gọi là "Chợ Mitra Tani", nhằm hỗ trợ người nông dân và người bán hàng ở các địa phương làm quen và dịch chuyển sang các kênh thương mại điện tử, để bán các hàng hóa chủ lực.

"Trước dịch Covid-19, chúng tôi bán được khoảng 1-1,5 tấn gạo. Bây giờ dù đang giữa dịch, chúng tôi đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong doanh số 25-50% sau khi nền tảng Chợ Mitra Tani hoạt động", ông Agus Widodo, một nhà cung cấp địa phương ở Indonesia cho biết.

Sendo, nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam, cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hãng tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác ngoài Việt Nam, để mở rộng phạm vi lựa chọn cho người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.

"Chúng tôi cũng nói chuyện với các thương hiệu đa quốc gia lớn như Unilever hay Procter & Gamble, hỗ trợ họ thiết lập một cửa hàng trên Sendo để cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho khách hàng của chúng tôi", ông Phạm Anh Đức, Phó giám đốc Marketing Sendo cho biết trong buổi hội thảo trực tuyến với Bukalapak và Coupang.

Covid-19: 'Bàn đạp' cho sân chơi thương mại điện tử ở châu Á bùng nổ - Ảnh 6.

Sendo tiết lộ đang tìm kiếm mở rộng hợp tác với các nhà bán lẻ toàn cầu như Unilever hay Procter & Gamble, để đa dạng các mặt hàng cho người mua sắm trực tuyến. (Nguồn: Deal Street Asia).

Ông Clement Lee, đồng sáng lập tập đoàn thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore - Synagie Corporation, cho biết đại dịch đã thay đổi đáng kể thói quen và lối sống của người tiêu dùng. Ông dự đoán sự dịch chuyển này sẽ là "di sản" mà cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu để lại.

 "Mọi người sẽ làm việc tại nhà và cũng mua sắm tại nhà, dẫn đến những cơ hội to lớn hơn cho lĩnh vực thương mại điện tử, mà mọi doanh nghiệp đều nên phải nắm bắt", ông Lee nói.